Góc nhìn chuyên gia
Muốn bán sữa phải mang đến cổng nhà máy
Sở dĩ nông dân Nghệ An hăng hái với việc nuôi bò sữa là vì tỉnh có chủ trương hỗ trợ nông dân. Sau đó, năm 2001 Dự án xây dựng nhà máy sữa của Vinamilk khởi động nhưng mãi đến đầu tháng 6/2006 nhà máy mới đi vào hoạt động.
Trao đổi với Tiền Phong, PGĐ Nhà máy Nguyễn Kim Hậu cho biết: “Chúng tôi có hai hình thức ký hợp đồng tiêu thụ sữa cho bà con nông dân: một là ký thẳng với chủ hộ chăn nuôi, hai là qua trung chuyển. Một lít sữa nhà máy cũng mua cho nông dân, nhưng với điều kiện là họ phải vận chuyển sữa đến cổng nhà máy”.
Hiện đàn bò tập trung đông nhất tại huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu - khoảng cách từ “vùng trọng điểm nuôi bò” đến cổng nhà máy rất xa. Việc thu gom sữa tươi để vận chuyển từ “vùng nguyên liệu” đến nhà máy chi phí quá cao (trong khi nhà máy chỉ mua với giá 3.900đ/lít tại cổng nhà máy và khấu trừ 300đ/lít cho chi phí làm lạnh, bảo quản), nếu sử dụng xe ô tô để chở sữa từ Nghĩa Đàn – Quỳnh Lưu về Cửa Lò sẽ lỗ, do đó không ai đứng ra tổ chức thu gom sữa cho nông dân.
Bởi thế, trong khi nông dân không bán được sữa thì nhà máy vẫn phải vận hành, bằng nguồn nguyên liệu sữa được nhập từ Mỹ, Úc.
Theo hợp đồng kinh tế “chăn nuôi bò sữa làm mô hình trình diễn” (ngày 4/9/2002) giữa UBND huyện Nghĩa Đàn ký với các hộ chăn nuôi ghi: “Trách nhiệm của các hộ chăn nuôi: đảm bảo chất lượng sữa trước khi giao cho trạm thu gom”.
Nhưng thực tế trạm thu gom này chỉ nằm trên giấy, bởi cho đến bây giờ nông dân vẫn chưa thấy cái trạm thu gom sữa bò nào ra đời. Chỉ thấy xuất hiện 2 cái bồn đựng sữa to đùng to đoàng đặt giữa thị trấn Thái Hòa, song bên trong chẳng hề có lít sữa nào.
Hãy cứu lấy đàn bò
Theo một cán bộ ngành nông nghiệp địa phương, đến nay, tỉnh Nghệ An đã đầu tư cho dự án “phát triển chăn nuôi bò sữa” khoảng 7,7 tỷ đồng. Trong đó, 3 tỷ đồng trợ giá nhập đàn; gần 1 tỷ đồng trợ giá sữa, hỗ trợ rủi ro và vòng kích dục tố cho đàn bò; 3,5 tỷ hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng... Nhưng hiện dự án có nguy cơ đổ bể, do không có đầu ra, nhiều hộ nuôi bò sữa lo lắng, hoang mang và chán nản, bỏ bê trong việc nuôi bò sữa, đòi trả bò cho dự án.
Nguyên nhân là do, giai đoạn đầu triển khai dự án xuất hiện 2 bất hợp lý: Chỉ có một nhà máy tiêu thụ sữa tươi trong khi bò sữa được nuôi phân tán ở khắp các huyện từ Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn…; Việc đặt nhà máy tại Cửa Lò trong khi không tổ chức hệ thống thu gom sữa tươi cho nông dân.
Ngày 14/3/2006, UBND huyện Nghĩa Đàn, sau đó là Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An có tờ trình gửi UBND tỉnh xin hỗ trợ kinh phí vận chuyển và phí bảo quản sữa về nhà máy, với mức hỗ trợ 1.000 đồng/lít trong thời gian 9 tháng.
Nhận được các đề nghị trên, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản giao cho 2 Sở tài chính và NN-PTNT chủ trì phối hợp xem xét, tham mưu cho tỉnh hướng xử lý.
Thế nhưng giữa 2 Sở lại không có sự phối hợp, nên mỗi ngành tham mưu một hướng: Sở tài chính cho rằng, theo qui định hiện hành, không có chính sách bù lỗ vận chuyển sữa bò tươi, còn Sở NN-PTNT Nghệ An thống nhất với ý kiến của UBND huyện Nghĩa Đàn và Trung tâm giống chăn nuôi. Bởi thế, nay sự việc vẫn bế tắc.
Hiện ngoài Nghĩa Đàn là địa phương tương đối có đủ thức ăn xanh cung cấp cho đàn gia súc, các huyện còn lại đang trong tình trạng thiếu thức ăn thô xanh. Một số vùng “thiếu trầm trọng” như Quỳnh Văn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Thạch, Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu); Nghi Lâm, Nghi Phương (Nghi Lộc), nguyên nhân chính là thiếu diện tích đất trồng cỏ, hoặc cỏ trồng không thâm canh, không có hệ thống tưới nước…
Cộng với việc sữa không có đầu ra, khiến đàn bò sữa Nghệ An đang dần “thoái hóa” bởi không được chăm sóc đến nơi đến chốn. Nay có con thì ốm yếu vì thiếu dinh dưỡng; một số con bị xẻ thịt bán…
Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An nói riêng và các tỉnh khác nói chung là do Nhà nước đưa về cho dân, chứ không phải là phong trào tự phát.
Do đó, khi dự án lâm vào thế bí thì phải có trách nhiệm giải quyết cho dân. Nhưng đến nay vấn đề đầu ra cho con bò sữa vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giúp dân.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề hỗ trợ kinh phí vận chuyển sữa tươi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi cho biết: “Khả năng chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ cho nông dân”. Vâng, vẫn chỉ là “khả năng”!
Việc thu mua sữa cho dân là vấn đề sống còn của đàn bò sữa trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nếu sản phẩm sữa tươi không tìm được lối thoát, dự án phát triển bò sữa tại Nghệ An có nguy cơ phá sản và lúc ấy, thiệt hại sẽ khôn lường.