Góc nhìn chuyên gia

Lại cảnh báo về cơn sốt nuôi bò sữa
Ông Hoàng Kim Giao, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cảnh báo trước việc giá sữa tăng, người dân sẽ lại đổ xô nuôi bò sữa. Ông lo ngại tình trạng này sẽ tạo ra một thị trường ảo về con giống, địa phương không có điều kiện cũng muốn nuôi bò.

Ông Hoàng Kim Giao cho biết, Cục Chăn nuôi chuẩn bị gửi công văn yêu cầu các Sở NN-PTNT phải chú ý đến các chương trình chăn nuôi bò sữa ở địa phương.

Giống bò sữa sẽ thiếu và khan hiếm

- Giá sữa tươi trong nước tăng cao sẽ tác động như thế nào đến người nuôi bò và chương trình bò sữa nói chung, thưa ông?

- Ngày 23/6 Dutch Lady chính thức tăng giá thu mua sữa lên 6.200-6.500 đồng/kg; đồng thời Vinamilk từ đầu tháng 6 đến nay cũng đã 3 lần tăng giá. Hiện, giá mua cho các hộ chăn nuôi lớn lên 6.500 đồng/kg, hộ nhỏ 6.400 đồng/kg (thu tại nhà máy là 6.800 đồng/kg). Khi tôi gọi điện đến một số cơ sở chế biến sữa, họ cũng nói đang chuẩn bị tăng giá. Như vậy, cách đây hơn 1 tháng, giá sữa đã tăng từ 4.600 lên 5.000 đồng/kg, từ 5.000  vọt lên thêm 1.200-1.600 đồng/kg.

Giá sữa tăng cũng không có gì là mâu thuẫn do nhu cầu tiêu thụ sữa tươi trên thế giới tăng 35-100%, trong khi nguồn sữa cung cấp không đủ do hạn hán. Ví như ngày 4/6, tại Chicago (Mỹ) giá sữa nước đạt mức kỷ lục 21,5 USD cho 100 pound... Đồng thời, một số nước cắt hỗ trợ về sữa nên mặt hàng này trở về giá thực của nó.

Giá thu mua sữa tươi ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực. Việc tăng giá sữa sẽ tạo cơ hội tốt cho chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là ở vùng có điều kiện phát triển. Các địa phương, nhà máy, cơ sở thu mua hết sữa tươi cho người dân. Trong chừng mực nào đấy, giá sữa tăng sẽ tạo đà cho thị trường sữa nội địa phát triển. Hy vọng đến 2010, sẽ đáp ứng được 40% lượng sữa tươi cho tiêu dùng trong nước. Ngược lại, khi đẩy giá cao lên mức 1kg sữa người dân lời 1.500-2.000 đồng/kg thì lại là nguy cơ lớn vì người dân sẽ đổ xô đi nuôi bò sữa, bất chấp ở nơi không đủ điều kiện. Hệ quả là con giống sẽ tăng giá và khan hiếm. Điều nguy hiểm là tình trạng này sẽ tạo ra một thị trường ảo về giống bò sữa.

Bên cạnh đó, đàn bò có thể bị khai thác quá mức làm cho kiệt quệ, chất lượng sữa cũng giảm nếu bò bị nhiễm bệnh do không được đầu tư đúng mức. Bà con nông dân trước mắt có lời (1-2 tháng), nhưng sau đó sản lượng sẽ giảm. Đó là chưa kể thức ăn cho bò sẽ thiếu nghiêm trọng.

Do vậy, Cục Chăn nuôi đề nghị các Sở NN-PTNT phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ tăng giá sữa là xu hướng tất yếu đã được dự báo từ trước. Các địa phương cần chỉ đạo tốt chương trình chăn nuôi bò sữa của mình; chủ động và bình ổn công tác giống bò sữa; đẩy nhanh cải tạo đàn bò địa phương; chủ động mở rộng thức ăn xanh; tổ chức tốt hệ thống thu mua sữa...

- Việc sữa tăng giá có làm cho tình trạng gian dối xuất hiện, như pha nước vào sữa, làm cho giá trị của sữa giảm sút hay không?

- Việc đó trước đây vẫn có. Trước đây, cứ 1 lít sữa có thể pha 1 ca nước. Tuy nhiên, các công ty thu mua sữa hiện nay kiểm tra rất ngặt nghèo, anh nào làm chuyện đó sẽ bị phạt nặng nên hiện hầu như không còn chuyện đó.

- Ông có thể dự báo với giá sữa tăng như hiện nay, tổng đàn bò của Việt Nam sẽ tăng thêm bao nhiêu con?

- Đến 1/8/2006, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 113.000 con. Tôi ước tính đến nay, con số này lên tới khoảng 120.000-125.000 con. Trong khi đó, lượng cỏ tươi cho bò chúng ta mới đáp ứng được 33-35%. Với tốc độ đàn bò tăng nhanh do ảnh hưởng của giá sữa, dự đoán đến cuối năm, tổng đàn bò ở nước ta có thể đạt 150.000 con.

- Khả năng đáp ứng giống bò sữa của Việt Nam như thế nào nếu tình trạng chăn nuôi bò diễn ra ồ ạt?

- Cuối 2005-2006, các trang trại chăn nuôi vẫn phối giống bình thường nhưng ở vùng sâu, xa người dân chỉ phối giống bò thịt. Do vậy, khả năng thiếu con giống hoàn toàn có thể xảy ra. Trong số 113.000 con bò hiện nay, chỉ 55.000 con sinh sản được, cho ra khoảng 42.000 con bê. Trong số này, chỉ một nửa là bò sữa, chưa kể khi trưởng thành còn bị loại thải khoảng 30%.

Như vậy, hàng năm chúng ta mới lo được 14.000-15.000 con giống.

Về nhập khẩu bò giống, chúng ta chủ trương hạn chế nhập khẩu và khuyến cáo chỉ những nơi đủ điều kiện thì hãy nhập. Thời gian tới, có công ty sẽ nhập về Việt Nam số lượng lớn bò giống như mía đường Lam Sơn, nhập tới hàng nghìn con, khoảng tháng 8/2007 về đến Việt Nam.

Nuôi bò sữa không dành cho người nghèo!

- Chương trình bò sữa đã trải qua một giai đoạn khó khăn. Liệu có thể coi thời điểm hiện tại đang tạo đà để ngành bò sữa phát triển không? Bước tiếp theo cần phải làm là gì, đặc biệt đối với các tỉnh không đủ điều kiện mà vẫn nuôi?

- Đấy chính là cái mà chúng tôi muốn cảnh báo. Ở các tỉnh quanh năm ngập lụt như ĐBSCL hoặc nắng nóng gay gắt, nghèo như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... thì không nên nuôi bò sữa, song có địa phương vẫn không nghe. Khánh Hoà có triển khai một vài năm sau đó thôi. Trong kia Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... tháng 10/2003 chúng tôi đã khuyến cáo đừng nuôi vì trang trại chỉ ở những mô đất mà xung quanh là nước thì sao nuôi được.

Chăn nuôi bò sữa cứ đến mùa giáp hạt là thiếu thức ăn, trong khi người dân chưa ý thức được về việc tích trữ cỏ, thức ăn cho bò. Do vậy, người nuôi bò sữa phải có đầu óc tính toán chứ nghề này không dành cho người nghèo. Bò sữa là con sản xuất hàng hoá, khó nuôi nhất trong các loài động vật và sữa cũng là sản phẩm dễ hỏng nhất trong điều kiện tự nhiên nên người sản xuất phải có kiến thức.

Khả năng bò sữa cho năng suất cao nhất lên tới 4.500 lít/năm/con, song, điều này cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.

Tôi lấy ví dụ tại Tuyên Quang, khi tỉnh này tuyên bố phá sản chương trình bò sữa. Trên thực tế, mô hình bò sữa được tỉnh đầu tư rất hiện đại nhưng quản lý chưa tốt. Giờ Tuyên Quang có 2 trại, 1 trại bán cho Vinamilk, một trại vẫn do tỉnh quản lý. Nhưng trại của Vinamilk cho năng suất 20 lít/con/ngày, trại của Tuyên Quang chỉ 10 lít/con/ngày. Bò của Vinamilk rất đẹp, lông mượt, quản lý ngăn nắp, sạch sẽ; còn bò của tỉnh này gày gò, ốm yếu. Đó là mô hình rất rõ thể hiện sự ưu việt của quản lý và kỹ thuật chăm sóc bò sữa.

- Theo ông, cần có biện pháp gì để đàn bò sữa phát triển bền vững, tránh tình trạng có thời điểm phát triển ồ ạt, có thời điểm lại lụi dần?

- Để có đàn bò sữa tốt, yếu tố quan trọng nhất là tập huấn kiến thức cho người chăn nuôi bò sữa. Người nào nắm được kỹ thuật chăn nuôi hãy đưa bò sữa về nuôi. Kiến thức thì ai cũng có thể học nhưng hiện nay, người dân đi học không trọn vẹn, không đồng bộ, không đến nơi đến chốn.

Thứ hai, cần tạo nguồn thức ăn đầy đủ trên cơ sở  nắm rõ được con bò sữa một năm cần bao nhiều thức ăn tinh, thức ăn thô, nuôi 5-10 con thức ăn như thế nào? Những kiến thức này phải được chuẩn bị trước khi đưa bò sữa về nhà. Thiếu, không đảm bảo thức ăn thô, xanh nuôi bò sữa sẽ bị thất bại. Chỉ khi nào anh xem cỏ là một nghề là một cây trồng có giá trị, chỉ khi đó anh mới nên xác định nuôi bò sữa.

Ngoài ra, phải chọn lọc giống bò. Biết về thú y, các dịch vụ cho bò sữa như thụ tinh, các dụng cụ vắt sữa, thuốc thang cho bò, thậm chí xô xẻng, dây thừng... đều rất cần thiết. Nuôi bò cũng không được phân tán nơi nọ nơi kia mà phải tập trung, ít nhất là từ 5-10 con và tốt hơn hết là 15 con để tiện cho việc thu gom sữa. Bà con cũng phải bỏ công lao động thực sự, gắn bó, theo dõi, quan tâm đến con bò sữa để thấy được nó thay đổi như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào làm tốt công tác thu mua sữa, nơi đó nuôi bò thành công.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác