Chuyên gia tư vấn
Chúng tôi về xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu “ngày mới” của những nông dân nuôi bò sữa. Chứng kiến việc chăn nuôi và nghe tâm sự của họ, mới hay niềm vui có mà trăn trở cũng nhiều.
Không có hỗ trợ
Theo phản ánh của bà con nông dân, đại diện Bộ Y tế “bất ngờ” về thăm và đã hứa sẽ đề đạt tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để Bộ này sớm có những hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, thế nhưng cho đến hôm nay nông dân vẫn chưa hề nhận được bất kỳ 1 sự hỗ trợ nào của các Bộ, ngành liên quan; cũng không nhận được lời xin lỗi hay trách nhiệm gì từ đơn vị công bố melamine là Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Như Tám (ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên) bộc bạch: “Chúng tôi chăn nuôi và phải một mình gánh chịu hậu quả do cơ quan chức năng công bố. Sự thật là nông dân chúng tôi đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, thế nhưng chúng tôi không nhận được lời xin lỗi nào, cũng không có sự hỗ trợ thiệt hại…”.
Sữa đi nhanh, nhưng… tiền về chậm
Gặp “đại hoạ” melamine, nông dân bất đắc dĩ phải đổ hàng nghìn tấn sữa nguyên liệu ra đồng làm phân bón ruộng, bán bò thịt… Nay sản phẩm đã bán được nhưng tiền sữa bị ứ đọng tháng này qua tháng khác nên đời sống của nông dân cũng quanh quẩn.
Là 1 đầu mối thu mua sữa lớn nhất nhì ở Vĩnh Phúc, trước đây ngoài thu gom sữa trong tỉnh, anh Trần Văn Dũng (ở xã Trung Nguyên) còn thu gom ở nhiều vùng lân cận. Nhưng giờ do thời cuộc không thuận, để quay vòng vốn nhanh và tránh trường hợp bị động về công ăn việc làm, anh Dũng đã cắt giảm 1 nửa địa bàn thu mua sữa và làm thêm nghề khác.
Ông Nguyễn Hữu Cầu (ở thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên) cho biết: “Với giá 6.000 đồng/kg, có bao nhiêu sữa cũng bán hết, nhưng tiền bán sữa thì mấy tháng nay vẫn chưa được nhận. Nông dân và đầu mối sữa phải giúp nhau quay vòng vốn bằng cách “tạm ứng” lương thực chăn nuôi”.
Ngày mới của nông dân nuôi bò sữa
Dân nuôi bò sữa xót ruột vì giá thức ăn chăn nuôi tăng
Cũng theo ông Cầu, Công ty không trực tiếp mua sữa với các hộ dân mà thu mua qua đầu mối gom sữa. Tại các đầu mối thu gom, trước kia tiền bán sữa trả gối tháng và thức ăn chăn nuôi được ứng thường xuyên nên cũng đỡ, còn nay sữa bán đi nhanh nhưng tiền về chậm, trong khi đó giá ngô, cám lại cao hơn nhiều nên nông dân rất xót ruột!
Hậu “khủng hoảng” melamine, tuy vẫn còn đau đáu những nỗi trăn trở nhưng không còn phải đổ bỏ sữa, không phải bán rẻ bò thịt và bớt nỗi lo phá sản đã là dấu hiệu khả quan đối với người chăn nuôi. Với mong muốn vực dậy cơ nghiệp, lúc này nông dân chỉ biết cố gắng chăn nuôi để hi vọng sẽ tích luỹ được vốn, giữ đàn bò và ổn định cuộc sống.
Cần có bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân
Theo tính toán của nông dân thì nuôi bò sữa rất được! Từ chăn nuôi bò sữa mà họ đã xoá được nghèo đói và làm giàu. Nguồn thu từ bán sữa bò trung bình được 50.000 đồng/con/ngày, thậm chí có nhiều con bò giống tốt, rộ sữa thu lãi cao hơn nhiều nên người dân rất yên tâm về thu nhập và kinh tế gia đình.
Để tránh những trường hợp rủi ro đáng tiếc, dân nuôi bò sữa mong muốn có bảo hiểm nông nghiệp. “Nếu đợt khủng hoảng melamine vừa rồi mà có bảo hiểm nông nghiệp thì người nuôi bò sữa đỡ thiệt hại nặng nề như thế này. Tôi nghĩ đó cũng là cách an toàn để phát triển đàn bò” - ông Cầu bày tỏ.
Thực tế, từ đàn bò sữa, thu nhập của người dân đã tăng lên, đời sống được cải thiện, hiệu quả của loại hình chăn nuôi này cần được nhânh rộng. Tuy nhiên, sau những biến cố xảy ra, nhìn nhận 1 cách khách quan thì việc áp dụng bảo hiểm nông nghiệp là cơ sở để động viên và phát triển sản xuất. Bảo hiểm nông nghiệp sẽ bảo vệ nông dân trước nhưng thiệt hại do thiên tai hoặc rủi ro đáng tiếc.