Chuyên gia tư vấn

Chuyên gia hàng đầu khuyến cáo cách sử dụng sữa
Thị trường sữa Việt Nam hiện nay đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Mỗi nhà cung cấp lại khuyến cáo, có chất lượng, hướng dẫn sử dụng riêng.

Để lựa chọn được sữa bột phù hợp với từng đối tượng tuổi không phải khi nào cũng dễ dàng. Khi đã lựa chọn được rồi, việc dùng ra sao cho đúng cách, đem lại dinh dưỡng tốt nhất cũng là “vấn đề” khó. Điều này đã được kiểm chứng qua thực tế có nhiều người sử dụng sữa rồi bị dị ứng, đau bụng, táo bón, uống sữa nhưng vẫn thiếu chất dinh dưỡng, sử dụng sữa công thức không hợp lý, cách pha không chuẩn, bảo quản không đảm bảo, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đưa ra một số nhận định của các chuyên gia và khuyến cáo của cơ quan chức năng về sử dụng sữa bột cho trẻ nhỏ đúng cách, an toàn và phù hợp với độ tuổi.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên vì một lý do nào đó mà cần bổ sung sữa ngoài thì khi chọn cần đảm bảo rằng loại sữa đó không chỉ giúp bé phát triển tốt về thể chất, mà còn cần cho phát triển trí não và hệ miễn dịch.

Ngoài đạm, đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất thiết yếu, chúng ta cần quan tâm đến một số dưỡng chất bổ sung đặc biệt như Choline, DHA, ARA, Beta-Glucan, Prebeotic... Theo đó, sữa không chỉ giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh với sự tăng trưởng về chiều cao, cân nặng mà còn kích thích khả năng phát triển trí não, thị lực, cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, hệ miễn dịch…, nhất là với sữa công thức”, TS. Lâm nói.

Trong khoa học về dinh dưỡng, sữa chất lượng tốt được hiểu là sản phẩm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, vì thế nên lựa chọn những sản phẩm có kiểm chứng khoa học. Các sản phẩm sữa đạt chuẩn thường đảm bảo các tiêu chuẩn của các tổ chức y tế, dinh dưỡng, thực phẩm có uy tín như JECFA (Ủy ban chuyên gia phối hợp về phụ gia thực phẩm của FAO/WHO - Tổ chức lương nông/Tổ chức Y tế Thế giới), CODEX (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), EFSA (Ủy ban an toàn thực phẩm châu Âu). Ngoài ra, loại sữa đó phải được công nhận về lợi ích đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ thông qua các nghiên cứu lâm sàng.

Đặc biệt, với sữa công thức phải được sản xuất dựa trên quy trình công nghệ hiện đại, được theo dõi kiểm tra, đánh giá một cách nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm (GMP, ISO, ICE, HACCP). Tất cả thành phần trong sữa như dưỡng chất, mùi, vị, hàm lượng chất, vi sinh, kim loại nặng phải được đảm bảo ở giới hạn an toàn cho trẻ.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trên các hộp sữa luôn có hướng dẫn cách pha sữa rất cụ thể và tỉ mỉ theo độ tuổi, số lượng sữa cần sử dụng (thường được tính theo muôi đong sữa có sẵn trong hộp sữa, muôi đong sữa thường khác nhau đối với từng loại sữa), tương ứng với lượng nước cho vào để đạt được hàm lượng chất dinh dưỡng như trong 100ml sữa pha chuẩn mà nhà sản xuất đã công bố trên bao bì hôp sữa.

Cần pha chính xác theo tỉ lệ như hướng dẫn mới đảm bảo đúng và đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu bạn ước lượng thì có thể sữa pha bị quá đặc, khiến bé bị táo bón, đái ít, nước tiểu vàng và không tốt đối với sức khỏe của bé đặc biệt là đối với các bé dưới 12 tháng tuổi. Ngược lại, nếu sữa pha quá loãng sẽ không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé tăng trưởng bình thường.

Việc bảo quản sữa, đại đa số các nhà sản xuất khuyến cáo, sữa sau khi mở chỉ nên dùng trong vòng 30 ngày. Nếu mua những hộp sữa 900gr trở lên, nên chia một lượng nhỏ bột sữa trong hộp lớn ra hộp nhỏ; sau đó, sử dụng bột sữa trong hộp nhỏ trước. Người sử dụng thường xuyên mở ra mở vào lấy sữa và khi pha sữa lại để bột sữa gần ly nước ấm nóng có khả năng bốc hơi nước, bình nước, phích nước… khiến sữa bị ẩm nhanh chóng, làm hư hại các vi chất trong sữa. Với lượng sữa còn lại trong hộp lớn, người sử dụng nên đậy nắp kín, tránh mở ra mở vào gây ẩm bột sữa. Không nên để lon sữa trong tủ lạnh hay gần bếp, gần cửa sổ, dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Để yên tâm hơn, nên chọn sữa có thời gian sử dụng còn dài.

Ngay khi mở hộp sữa phải chú ý quan sát màu sắc của bột sữa cũng như hương vị của nó. sữa bột ngon khi mở nắp sẽ tỏa ra mùi thơm mát dễ chịu, bột sữa mềm mịn và có màu vàng nhạt. sữa bột kém chất lượng sẽ không thể cho thấy những điều này, có thể là mùi hương không dễ chịu, bột bị vón cục và có màu lạ.

Ngoài các loại sữa trên còn có những nguồn sữa dinh dưỡng thay thế khác cũng rất có lợi cho sức khoẻ như: sữa đậu nành, sữa gạo, sữa quả hạnh và yến mạch, thậm chí cả sữa từ hạt gai dầu (hemp) cũng được các chuyên gia đầu ngành khuyên dùng. Đây là những nguồn protein, can-xi và axít béo omega rất tốt, đặc biệt chứa nhiều vitamin và khoáng chất.

Nếu phát hiện thấy sữa có dấu hiệu bất thường, chỉ cần cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên. Trong khi sữa bột kém chất lượng, hoặc giả, lắng xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy. Hoặc cho một thìa sữa bột ra cốc rồi đổ nước sôi vào, sữa tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên, trong khi sữa bột giả thì tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa.

Một điều không thể thiếu, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về thương hiệu sữa trước khi bạn quyết định chọn sữa cho con. Một số cha mẹ thích cho con thử nhiều loại sữa khác nhau rồi mới tìm thấy một loại phù hợp. Còn hầu hết bác sĩ khuyên bạn nên cho bé dùng một loại sữa ít nhất trong một tuần để xem bé phản ứng với sữa thế nào. Hệ thống tiêu hóa của bé còn đang phát triển, vì thế chuyển đổi quá nhiều loại sữa có thể gây suy tiêu hóa cho bé. (Còn nữa)

Một vài gợi ý về số bữa ăn và lượng sữa trong ngày cho trẻ

- Trẻ 1 tuần tuổi: 60ml sữa/ bữa x 7 bữa/ ngày

- Trẻ 2 - 4 tuần: 70ml sữa/ bữa x 7 bữa/ ngày

- Trẻ 1 - 2 tháng: 120ml sữa/ bữa x 7 bữa/ ngày

- Trẻ 3 - 4 tháng: 150ml sữa/ bữa x 6 bữa/ ngày

-Trẻ 5 - 6 tháng: 180ml sữa/ bữa x 5 bữa/ ngày + 1 - 2 bữa bột loãng + nước quả (trái cây)

- Trẻ từ 7 - 8 tháng: 200ml sữa/ bữa x 3 bữa/ ngày + 2 - 3 bữa bột đặc + nước quả (trái cây)

-Trẻ từ 9 - 12 tháng: 200ml sữa/ bữa x 2 bữa/ ngày + 3 - 4 bữa bột đặc + nước quả ( trái cây)

Cách chọn sữa theo nhóm:

+ Nhóm sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi:

- Nhóm sữa dành cho trẻ sinh non, trẻ thiếu cân như Frisolac Premature, Enfalac Premature, Dumex Premature …

- Sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi: Similac, Enfalac, SMA, Diealac 1, Cô gái Hà Lan Step 1, Dumex 1, Guigoz 1, Lactogen 1, NAN 1 …

- Sữa dành cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Enfapro, Cô gái Hà Lan Step 2, Dielac 2, Gain…

+ Nhóm sữa dành cho trẻ trên 1 tuổi như sữa Cô gái Hà Lan 123, Dielac 3, Dugro, Enfagrow, Nestle 1+ …

+ Nhóm sữa dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt:

Đây là nhóm sữa không có đường latose dành cho trẻ có ruột bị kích thích, đầy hơi, tiêu lỏng do nhạy cảm với đường latose. Bạn có thể chọn cho bé các loại sữa như: Dumec latofree, Enfalac Lactose, Prosobee, Nursory…

 

Hồng Anh

Nguồn: dunghangviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác