Chuyên gia tư vấn

Stress nhiệt trên bò sữa
Hiện nay, chăn nuôi bò sữa ở nước ta đang rất tiềm năng. Tuy nhiên, sức sản xuất sữa của bò chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của điều kiện nhiệt độ không khí, ẩm độ, gió, bức xạ mặt trời,... Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta, năng suất sữa không chỉ chịu ảnh hưởng bởi chất lượng thức ăn, giống bò mà còn chịu tác động bởi stress nhiệt...

Stress nhiệt là một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất sữa của bò ở nước ta hiện nay chưa cao. Do đó, cần hiểu rõ ảnh hưởng và biện pháp khắc phục stress nhiệt trên bò sữa nhằm cải thiện hiệu quả chăn nuôi.

1. Stress nhiệt là gì?

Stress nhiệt là hiện tượng xảy ra khi ẩm độ và nhiệt độ gây bất lợi cho bò. Bò điều hòa thân nhiệt chủ yếu qua da và hơi thở. Tuy nhiên, với những giống bò sữa cao sản, thường có nguồn gốc từ vùng ôn đới, qua quá trình thích nghi, u yếm không còn phát triển, nên khả năng thải nhiệt qua da càng hạn chế, bò rất dễ bị stress khi nhiệt độ và ẩm độ môi trường cao.

Nhiệt độ không khí từ 10–200C, ẩm độ tương đối từ 55–65%, tốc độ gió trung bình khoảng 5 – 7 km/h và mức độ ánh sáng mặt trời trung bình được xem là điều kiện khí hậu, thời tiết lý tưởng cho sự tăng trưởng và sản xuất của bò. Sản lượng sữa của bò sẽ không bị ảnh hưởng trong phạm vi nhiệt độ không khí từ 5–210C. Nhiệt độ thấp hơn 50C hoặc cao hơn 21 0C sản lượng sữa giảm từ từ. Nhiệt độ cao hơn 270C sản lượng sữa giảm rõ rệt. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết của vùng nhiệt đới như Việt Nam, thường thì nhiệt độ không khí vượt mức 25 0C và ẩm độ tương đối vượt mức 80% là tác nhân bất lợi, gây nhiều tác động xấu đến khả năng sản xuất của bò sữa.

2. Làm thế nào để biết bò có bị stress nhiệt hay không?

Chỉ số nhiệt ẩm: (Temperature - Humidity Index, THI) là con số có được do cách tính toán theo phương trình, kết hợp những thông số giữa nhiệt độ và độ ẩm để xây dựng nên một chỉ số, nhờ đó, xác định được khoảng vi khí hậu (trong chuồng nuôi) thuận lợi hoặc bất lợi cho sức khoẻ hoặc năng suất vật nuôi, nhất là trong mùa nóng. Ban đầu, chỉ số này được gọi là “chỉ số không thoải mái”.

THI = td – (0.55 – 0.55 x RH) x (td – 58)

Trong đó: td : Nhiệt độ x 1.8 + 32

RH: Độ ẩm

 

Theo Allan và Dan (2005), trên bò sữa

THI

<72

72 – 78

79 – 88

89 – 98

>98

Mức độ stress

không

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Bò bị chết

Qua đó ta thấy, bò sữa ở vùng Đông Nam Bộ luôn bị stress nhiệt từ nhẹ cho tới nặng. Khi bị stress nhiệt, tùy theo mức độ mà bò có biểu hiện sau:

 + Nhiệt độ cơ thể tăng lên (trên 390C)

 + Nhịp thở tăng (>80 lần/phút), bò há miệng để thở, tăng tiết nước bọt

 + Thức ăn ăn vào giảm, uống nhiều nước, nhai lại giảm.

 + Năng suất sữa sụt giảm

+ Giảm hoạt động, bò đứng nhiều hơn nằm

3. Ảnh hưởng của stress nhiệt như thế nào?

Stress nhiệt gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả chăn nuôi mà đôi khi lại bị người chăn nuôi thiếu quan tâm nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ. Ở NewYork, thiệt hại đối với ngành chăn nuôi do stress nhiệt gây ra là 25 triệu đô la/năm, trong đó tổn thất trên bò sữa là lớn nhất, kế đến là bò thịt, heo và gia cầm (Larry E., 2003).

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bò có khuynh hướng giảm những hoạt động cơ thể để hạn chế quá trình sản sinh nhiệt: dành nhiều thời gian nghỉ ngơi; ăn ít, uống nhiều nước, giảm thời gian gặm cỏ làm cho sản lượng và chất lượng sữa bị giảm. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy bò có biểu hiện giảm những hoạt động tính dục như không nhảy chồm lên bò khác hoặc ít kêu rống, di chuyển, khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng.

3.1. Giảm năng suất và chất lượng sữa

Theo Johnson, 1992 cứ tăng 1 đơn vị THI thì năng suất sữa sẽ giảm 0,26 kg/ngày. Theo Đoàn Đức Vũ sau khi gặp phải stress nhiệt, nếu dùng biện pháp kỹ thuật để giảm một đơn vị THI thì cũng chỉ tăng được 0,11kg sữa/ngày. Trong điều kiện bò có sức khỏe bình thường, nếu nhiệt độ trực tràng tăng 1 0C so với bình thường thì bò giảm 1kg sữa.

Theo Johnson H.D (1985), thành phần của sữa (béo, đạm và các chất rắn khác) đều giảm trong điều kiện nhiệt độ cao. Theo Hancock và Payne, sản lượng sữa của bò nuôi ở vùng khí hậu ôn đới cao hơn 44% và sản lượng béo cao hơn 56% so với bò nuôi ở vùng nhiệt đới. Khi nhiệt độ môi trường tăng đến 290C, tỷ lệ chất béo trong sữa bắt đầu giảm, sau đó tỷ lệ béo tăng (do sản lượng sữa giảm nhanh). Nhiệt độ cao còn ảnh hưởng đến độ bền cho sữa của các nhóm bò cao sản nhiệt đới.

3.2. Giảm khả năng sinh sản

Cartmill (2001) chỉ số THI từ 72 trở lên thì tỷ lệ thụ thai giảm. Khi thân nhiệt khoảng 400C do nhiệt độ môi trường lên khoảng 32,20C trong 72 giờ sau khi gieo tinh thì tỷ lệ đậu thai sẽ bằng 0%.

Ảnh hưởng của chỉ số nhiệt ẩm trong 2 ngày trước khi phối giống đến tỷ lệ thụ thai của bò HF. 

 THI

68

78

   Tỷ lệ thụ thai của bò

66 %

35 %

 4. Biện pháp khắc phục

4.1. Chọn giống bò chịu stress nhiệt

Nhiệt độ thích hợp tối đa và tối thiểu cho sức sản xuất sữa ở mỗi giống bò có khác nhau. Sản lượng sữa của bò Holstein Friesian (HF) giảm đi nhanh chóng khi nhiệt độ môi trường cao hơn 210C, bò Brown Swiss và bò Jersey là khoảng 26-270C, còn bò Brahman là 320C. Nhiệt độ thích hợp tôi thiểu ở bò Jersey khoảng 20C, còn ở bò Holstein Friesian không bị ảnh hưởng, thậm chí ở -130C. Các giống bò lai sẽ có khả năng chịu stress nhiệt tốt hơn giống bò HF thuần, giống bò HF của Úc chịu nhiệt tốt hơn giông bò HF có nguồn gốc từ Châu Âu.

Do đó, tiến hành lai tạo để tạo ra giống bò có năng suất và khả năng chịu nhiệt phù hợp với điều kiện khí hậu của nước ta. Đây là mức độ thích nghi với stress nhiệt giảm dần F1> F2>F3>F4>...> HF. Tùy theo điều kiện chăm sóc và kỹ thuật mà lựa chọn giống bò cho phù hợp.  Đối với những hộ gia đình chưa có kỹ thuật cao hoặc các biện pháp chống nắng hiệu quả chỉ nên nuôi bò F1, F2.

4.2. Hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời và bức xạ nhiệt

Mái chuồng làm bằng vật liệu ít hấp thu nhiệt, có thể trồng cây hoặc đào mương nước xung quang chuồng. Phun nước lên mái chuồng cũng là một trong những biện pháp làm mát hiệu quả, tuy nhiên, cần lựa chọn vật liệu làm mái chuồng phù hợp.

 

4.3. Tạo độ thông thoáng tự nhiên cho chuồng nuôi bò

Chuồng nuôi nên làm mái càng cao càng tốt. Chuồng 2 mái, mái hở khí nóng có thể bốc lên, sẽ giúp tăng độ thông thoáng cho chuồng nuôi hơn, không nên xây tường bịt kín xung quanh. Diện tích tối thiểu 6-7m2/con

 

Bên cạnh đó sử dụng quạt, cùng giúp tăng độ thông thoáng của chuồng nuôi.

 

4.4. Làm mát trực tiếp trên cơ thể bò (phun nước + quạt)

Phun sương trực tiếp lên lưng bò: 10-20 giây, sau đó bật quạt quay trong 4-5 phút. Khi da bò khô lại tiếp tục bật vòi phun, quạt bằng rơle tự động.

 

4.5. Thức ăn và nước uống

Nước uống: Khi nóng bò cần uống rất nhiều nước. Cần cung cấp nước cho bò uống tự do, nước mát, sạch, che mát máng nước…

Thức ăn: Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, độ ngon miệng giảm, lượng thức ăn ăn vào giảm, sự nhai lại và quá trình lên men của dạ cỏ cũng giảm; bò sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng cho các quá trình duy trì và sản xuất của bò sữa. Do đó, thức ăn cho bò cần có tính ngon miệng cao, đồng thời cho ăn vào thời điểm thích hợp (sáng sớm, chiều tối...)

Kết luận

Điều kiện khí hậu ở nước ta, đặc biệt là khu vực Nam bộ, stress nhiệt rất dễ xảy ra trên bò sữa. Khi bò sữa bị stress nhiệt, năng suất sữa và sinh sản ở bò giảm. Người chăn nuôi cần quan tâm đúng mức và có những giải pháp thích hợp về giống bò, chuồng trại, chăm sóc, dinh dưỡng,.. để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác