Chuyên gia tư vấn

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Trong thời đại ngày nay khi mà nguồn tài nguyên năng lượng trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt (theo dự đoán của nhiều chuyên gia, trữ lượng dầu mỏ trên thế giới sẽ được sử dụng hết vào năm 2050) thì việc tìm kiếm, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) là rất quan trọng. NLTT là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Các dạng NLTT rất đa dạng bao gồm là năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh ra khi sinh khối....được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng dồi dào về NLTT, nhưng việc phát hiện, khai thác và sử dụng NLTT đang còn là vấn đề mới được quan tâm, và tất nhiên chưa có vị trí xứng tầm với tiềm năng của nó.

Các dạng NLTT và tiềm năng ở Việt Nam

Các nguồn NLTT của Việt Nam rất đa dạng và phong phú và có thể được chia thành hai lĩnh vực khai thác là thủy điện nhỏ và phong điện, sinh khối và mặt trời. Các nguồn năng lượng này, bằng nhiều hình thức và hoạt động, một số đã được sử dụng, tuy nhiên phần lớn tiềm năng vẫn chưa được khai thác mà mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, khảo sát.

Năng lượng từ thuỷ điện nhỏ

Lĩnh vực khai thác NLTT đã được triển khai ở Việt Nam là các nguồn thủy điện nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ... Tuy nhiên, số lượng điện được sản xuất của toàn quốc mới chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn so với tổng lượng điện, theo đánh giá sơ bộ, có thể phát triển trên 4000 MW thủy điện nhỏ với sản lượng điện khoảng 16 tỷ kWh. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn có khoảng trên 1 triệu điểm có thể phát triển thuỷ điện cực nhỏ (công suất từ 200 W-100 kW).

Năng lượng sinh khối

Một nguồn năng lượng cũng đã được sử dụng, nhưng phổ biến trong các lĩnh vực khác hoặc chưa dùng cho mục đích tạo NLTT là sinh khối với nhiều dạng: gỗ, sản phẩm phụ của ngành lâm nghiệp như mùn cưa, chất thải nông nghiệp như rơm, phân chuồng, chất thải thực vật từ công viên, vườn, cây lề đường. Tiềm năng năng lượng sinh khối bao gồm gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp... của Việt Nam khoảng 43 - 46 triệu TOE (tấn dầu tương đương)/năm, trong đó khoảng 60% là năng lượng gỗ củi (26 - 27 triệu TOE) và 40% năng lượng rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp (17 - 19 triệu TOE).

Năng lượng khí sinh học

Tại khu vực nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, việc thu lại khí sinh học (Biogas) cũng được triển khai và đã có được thành công nhất định. Nhưng cũng như thủy điện nhỏ, lượng khí sinh học, chủ yếu từ hầm Biogas thu gom phân chuồng, được khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tiềm năng lý thuyết về khí sinh học. Theo ước tính, khí sinh học tại Việt Nam có thể thu được từ phụ phẩm cây trồng chiếm 61,4%, thứ đến tiềm năng từ phân động vật 28,7% và rác thải sinh hoạt chỉ chiếm có 9,9%. Tuy nhiên trong thực tế việc khai thác nguồn phân gia súc sẽ hiệu quả hơn vì dễ thu gom, công nghệ áp dụng lại đơn giản thường là các thiết bị quy mô gia đình ở từng hộ, hoặc các thiết bị quy mô lớn ở các trang trại. Tổng tiềm năng lý thuyết về khí sinh học từ các nguồn trên vào khoảng gần 10 tỷ m3/năm, quy ra dầu tương đương khoảng gần 5 triệu TOE/năm.

Năng lượng gió và mặt trời

Các lĩnh vực khác mới chỉ dừng lại ở quy mô nghiên cứu và thử nghiệm. Về nguồn năng lượng mặt trời và gió, do có vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam nằm trong khoảng 80-230 vĩ độ Bắc thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có 2 mùa gió chính, vùng có tiềm năng gió tốt chỉ chiếm 2% diện tích lãnh thổ, chủ yếu là các vùng bờ biển hoặc vùng cao nguyên, còn đa số vùng có chế độ gió 2-4 m/s. Tiềm năng gió ở một số vùng ven biển và hải đảo có Vtb lớn hơn 4m/s (ở độ cao 12m trên mặt đất) có thể ứng dụng các loại động cơ gió phát điện. Cũng vì nằm trong vùng nhiệt đới, số giờ nắng trung bình khoảng 2000 ÷ 2500 giờ/năm, tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150kCal/cm2.năm, tiềm năng lý thuyết được đánh giá khoảng 43,9 tỷ TOE/năm. Có thể sử dụng năng lượng mặt trời theo các dạng như: Pin mặt trời để phát điện, hệ thống đun nước nóng mặt trời, lò sấy bằng năng lượng mặt trời...

Nhiên liệu sinh học

Trong vài năm trở lại đây, nguồn nhiên liệu sinh học đã được nhắc đến nhiều hơn tại Việt Nam. Giải pháp sản xuất cồn sinh học thay thế cho nhiên liệu động cơ đang được tiến hành thử nghiệm do Việt Nam có tiềm năng về một số loại cây trồng cung cấp nguyên liệu sản xuất cồn như lúa, ngô, sắn, khoai và mía. Nhiều vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với các loại cây này. Ước tính nếu việc điều chỉnh diện tích, sản lượng các loại cây có hạt, cây mía, các cây có củ đạt kết quả tích cực, Việt Nam có thể sản xuất khoảng 5 tỷ lít cồn/năm. Tương tự như vậy, Việt Nam rất có tiềm năng cho sản suất dầu diesel sinh học từ dầu thực vật, mỡ động vật. Mỡ cá da trơn, dầu ăn phế thải là nguồn nguyên liệu cho sản xuất diesel sinh học sẽ giúp giải quyết được vấn đề môi trường cho ngành chế biến thuỷ sản và chế biến thực phẩm. Tiềm năng về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích ứng với các loại cây như dừa, cây dầu mè có thể cho phép thành lập các vùng nguyên liệu tập trung. Ước tính nếu việc quy hoạch và tổ chức thực hiện các vùng trồng cây nguyên liệu theo hướng sử dụng triệt để quỹ đất, tạo được giống năng suất cao, làm chủ được công nghệ thu hồi dầu từ nguyên liệu, Việt Nam có thể sản xuất khoảng 500 triệu lít biodiesel/năm.

Năng lượng địa nhiệt và thuỷ triều

Năng lượng địa nhiệt và năng lượng thủy triều cũng cần nhắc đến như một giải pháp mới bên cạnh các nguồn năng lượng kể trên. Việt Nam đang bỏ trống nguồn tài nguyên năng lượng xanh, sạch, vĩnh cửu còn rất nhiều tiềm năng là địa nhiệt với hơn 300 nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ bề mặt từ 30oC đến 105oC, tập trung nhiều tại Tây Bắc, Trung Bộ. Theo khảo sát ban đầu, tổng công suất những nhà máy địa nhiệt nếu được xây dựng ở Việt Nam có thể lên tới khoảng trên 400 MW. Về điện năng thuỷ triều, trữ lượng của Việt Nam chỉ vào khoảng 1,6 tỷ KWh/năm và tập trung chủ yếu ở vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh (~1,3 tỷ KWh/năm), ngoài ra còn vào khoảng ~ 0,2 tỷ KWh/năm có thể được khai thác với công suất nhỏ trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Cửu Long. So với tiềm năng thì khai thác NLTT vẫn còn ở mức khiêm tốn, ví như điện tái tạo chiếm 1,8% năm 2007 trong tổng sản xuất điện quốc gia, nhiệt tái tạo và năng lượng sinh học thì không đáng kể và hầu như chưa có trên thị trường. Ngoài ra, đối với thuỷ điện nhỏ, hiện nay cũng mới chỉ khai thác được 300MW/4000MW tiềm năng, năng lượng mặt trời trên một m2: 1,5MW/5kWh tiềm năng; năng lượng gió với nhiều dự án gần 1000MW thì ta chỉ thu được 1,5MW/8% diện tích. Đối với NLTT từ địa nhiệt, thuỷ triều, rác thải sinh hoạt, hay nhiên liệu sinh học như xăng sinh học, diezel sinh học (có thể khai thác từ sắn, ngô, dầu nấu ăn, mỡ cá tra/basa và cây có dầu khác) thì hầu như chưa khai thác được nhiều…

Khung chính sách về phát triển NLTT

* Luật Bảo vệ môi trường[1]

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005, Nhà nước khuyến khích sử dụng chất thải để sản xuất năng lượng sạch; sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng sạch, NLTT. Chính phủ xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển năng lượng sạch, NLTT nhằm tăng cường năng lực quốc gia về sử dụng năng lượng sạch, NLTT;hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực khai thác và sử dụng NLTT; nâng tỷ trọng NLTT trong tổng sản lượng năng lượng quốc gia; lồng ghép chương trình phát triển NLTT với chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Luật cũng có những quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, sử dụng năng lượng sạch, NLTT, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất (Điều 33).

* Luật Điện lực 2004

Luật Điện lực, được thực thi từ tháng 1/7/2005, đã có những quy định về chính sách phát triển điện lực thông qua ứng dụng khai thác NLTT như đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn NLTT để phát điện; các dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn NLTT được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế. Luật đồng thời cũng quy định tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư vào việc phát triển, sử dụng các NLTT không gây ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất điện, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo và khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mạng lưới điện hoặc các trạm phát điện sử dụng NLTT.

* Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/9/2003 về sử dụng năng lư¬ợng tiết kiệm và hiệu quả

Phát triển sử dụng các nguồn NLTT để tiết kiệm các nguồn năng l¬ượng không tái tạo đ¬ược nh¬ư than đá, sản phẩm dầu, khí đốt là một trong những biện pháp công nghệ mà các cơ sở sản xuất phải áp dụng để thực hiện sử dụng năng l¬ượng tiết kiệm và hiệu quả đã được quy định rõ trong Nghị định này.

* Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 (Quyết định 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/12/2003)

Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sạch, dây chuyền sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường là một trong những biện pháp để phòng ngừa ô nhiễm, một trong những quan điểm được thể hiện rõ trong Chiến lược. Chiến lược đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2010 sẽ đạt 5% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm. Đồng thời Chiến lược cũng khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng các nguyên liệu thay thế ít chất thải.

* Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004-2010, định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/10/2004)

Trong quan điểm phát triển ngành điện của Chiến lược này đã nêu bật lên vai trò của việc nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Với quan điểm này, Chiến lược về phát triển nguồn điện đã được đưa ra với việc ưu tiên phát triển thuỷ điện trong đó khuyến khích đầu tư các nguồn thuỷ điện nhỏ với nhiều hình thức để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tái sinh này.

* Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2007)

Một trong các quan điểm phát triển là phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo, trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo. Chiến lược cũng đề ra định hướng phát triển là: Khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo. Thực hiện điều tra quy hoạch các dạng năng lượng mới và tái tạo chưa được đánh giá đầy đủ, tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng năng lượng này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lý, tăng cường tuyên truyền sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ chế quản lý để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này; Lồng ghép sử dụng năng lượng mới và tái tạo vào chương trình tiết kiệm năng lượng và các chương trình mục tiêu quốc gia khác như chương trình điện khí hoá nông thôn, trồng rừng, xoá đói giảm nghèo, nước sạch, VAC...; Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng mới như đun nước nóng, thuỷ điện nhỏ, động cơ gió, hầm khí sinh vật...ở những nơi có điều kiện. Hợp tác mua công nghệ của các nước đã phát triển để lắp ráp các thiết bị công nghệ cao như pin mặt trời, điện gió... từng bước làm phù hợp và tiến tới lắp ráp, chế tạo trong nước; Hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới và tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị; Cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Chiến lược xác định các chính sách là: Ưu tiên thực hiện chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng; khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước... Ưu tiên phát triển năng lượng mới, NLTT, năng lượng sinh học, điện hạt nhân. Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn năng lượng; có chính sách bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng. Chiến lược đề ra các giải pháp thực hiện, bao gồm tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo để góp phần phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo cho các khu vực này; xem xét thành lập quỹ phát triển năng lượng để hỗ trợ đầu tư cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, thực hiện các dự án công ích; Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho các dự án năng lượng như: tìm kiếm thăm dò, phát triển nguồn năng lượng mới tái tạo, năng lượng sinh học,... Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề; đào tạo bổ sung, đón đầu cho những ngành còn thiếu, còn yếu, nhất là các ngành năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học.....

2.7. Các văn bản khác

Bên cạnh các văn bản kể trên,

  • Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” cũng quy định khuyến khích sự phát triển NLSH, nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
  • Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg quy định một số cơ chế chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Theo quyết định này, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đến được quyền đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, khấu hao tài sản cố định, tín dụng đầu tư của nhà nước; trong đó đáng chú ý về thuế thu nhập doanh nghiệp, dự án CDM được áp dụng như dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; sản phẩm CDM được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Một số hoạt động về NLTT ở Việt Nam

Có thể thấy hơn 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu quan tâm phát triển các nguồn NLTT (NLTT). Một loạt các dự án phát triển các nguồn NLTT đã được lên kế hoạch và bước đầu triển khai. Đã có được những thành công bước đầu ở các nguồn như biogas, phong điện và năng lượng mặt trời.

  • Dự án thử nghiệm “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam” (giai đoạn 1 từ 2003-2006) do Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cùng hợp tác với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Mục tiêu của Chương trình là áp dụng hiệu quả công nghệ khí sinh học trong nước, phát triển thị trường khí sinh học, phát triển và bảo vệ môi trường nông thôn thông qua việc cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các hộ gia đình nông thôn, cải thiện điều kiện vệ sinh cộng đồng và sức khoẻ người dân nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn và giảm sự phát thải khí nhà kính. Tính đến nay dự án đã xây dựng được 88.000 hệ thống khí sinh học so với mục tiêu đặt ra đến năm 2012 là 166.000 hệ thống. Dự án đã đạt được giải thưởng Quả cầu năng lượng 2006, một giải thưởng được biết đến rộng rãi nhất và có uy tính nhất trong lĩnh vực năng lượng và môi trường trên thế giới vì sự đóng góp của nó đối với việc giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu.
  • Dự án phong điện Bình Thuận. Dự án được đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, do Liên doanh giữa Công ty Năng lượng Gió Fuhrlaender AG của Đức và Công ty cổ phần NLTT Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy có tổng công suất là 120 MW với 80 tuabin sẽ hoàn thành vào năm 2011, được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Ngày 21/8/2009, tuabin điện gió đầu tiên công suất 1,5MW tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã khởi động an toàn và phát điện. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động ổn định, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam sẽ tăng thêm một sản lượng điện khoảng 100 triệu KWh/năm, mặc dù không lớn song có ý nghĩa, mở đầu cho ngành công nghiệp điện gió Việt Nam góp phần nâng dần tỷ lệ của NLTT trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
  • Nhà máy sản xuất pin mặt trời tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tháng 4/2009, nhà máy sản xuất pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam đã được khánh thành do Công ty cổ phần năng lượng Mặt trời Đỏ thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) kết hợp với hai đối tác là Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP. HCM (thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM) và Công ty TNHH Tân Kỷ Nguyên xây dựng. Tổng mức đầu tư nhà máy là 10 triệu USD. Có thể nói đây chính là công trình tiên phong trong công nghệ pin Mặt trời ở Việt Nam. Giai đoạn 1, nhà máy có thể cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi tấm công suất 80-165 Wp điện với hiệu suất 16%. Nhà máy có thể cung cấp lượng sản phẩm lên đến 5 MWp điện một năm. Giai đoạn 2, nhà máy sẽ sản xuất linh kiện từ nguyên liệu trong nước để lắp ráp pin. Đồng thời nhà máy cũng thiết kế, lắp ráp và chế tạo các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như hệ thống máy nước nóng Mặt trời, bóng đèn tiết kiệm năng lượng và những thiết bị tiết kiệm năng lượng khác.

Nguồn: entrepreneurstoolkit.org
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác