Chuyên gia tư vấn
Ông Phan Huy Hoàng (Lấp Vò, Đồng Tháp) - chủ đàn bò sữa gần 20 con và là thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Thuận Hưng - cho biết hợp tác xã vừa hoàn tất đề án xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi đã được phê duyệt, hiện đang tìm nguồn vốn đầu tư.
“Giá mua sữa của công ty quá thấp, người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình, nếu không đàn bò phải vào lò mổ hết” - ông Hoàng nói.
Theo ông, giá thu mua sữa tươi tại Nhà máy chế biến sữa Vinamilk Cần Thơ chỉ 3.900-4.000 đồng/kg loại tốt, nhưng chi phí vận chuyển sữa đến nhà máy đã lên tới 600 đồng/kg, nông dân còn chưa tới 3.300-3.400 đồng/kg, không đủ bù chi phí chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thu mua sữa tươi tại VN hiện đứng ở mức thấp nhất trong khu vực.
Giá thu mua sữa tươi tại nhà máy ở Thái Lan là 4.950 đồng/kg (nông dân được nhận 4.600 đồng/kg), tại Trung Quốc là 5.200 đồng/kg, Hàn Quốc khoảng 8.500-11.000 đồng/kg, Nhật Bản 8.700-11.500 đồng/kg...
Giá thu mua sữa của hai công ty chế biến sữa tại VN hiện nay là Vinamilk và Dutch Lady chỉ 3.900-4.200 đồng/kg (tại nhà máy).
Nhiều người chăn nuôi bò sữa tại Lấp Vò, Đồng Tháp sau vài lần bán sữa cho nhà máy đã chuyển sang bán cho các cơ sở làm sữa chua, giá cao hơn nhưng lượng tiêu thụ lại không ổn định. Cách làm này không phải là lối ra cho người nuôi bò sữa nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.
Giá sữa quá thấp, ngay cả đàn bò sữa có năng suất khá cao cũng bị lỗ. Theo ông Nguyễn Khắc Đạo (Củ Chi, TP HCM), hiện nay tiền bán mỗi kg sữa chỉ tương đương 1 kg thức ăn chăn nuôi, trong khi tại một số nước trong khu vực tương đương 2 kg thức ăn.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mặc dù năng suất sữa của đàn bò VN khoảng 4,1 tấn/chu kỳ, cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc (3,41 tấn/chu kỳ), Thái Lan (3,2 tấn), Indonesia (3,1 tấn)... nhưng người chăn nuôi bò sữa tại VN vẫn thua lỗ. Với giá thành sữa tươi khoảng 4.287 đồng/kg, giá bán ra bình quân 3.400-3.600 đồng/kg sữa, người chăn nuôi lỗ 700-900 đồng/kg sữa.
Các công ty chế biến sữa cho rằng họ có tăng giá thu mua, nhưng theo ông Lê Văn Diệp (Đức Hòa, Long An), người chăn nuôi phải cõng nhiều khoản phí khác nên thực nhận không cao như giá do các công ty đã đưa ra. Giá thu mua sữa của Công ty Vinamilk tại Long An 3.900-4.000 đồng/kg, nhưng nông dân chỉ thực thu 3.600-3.700 đồng/kg.
Chi phí để thu gom, bảo quản và vận chuyển sữa đến nhà máy do HTX chăn nuôi bò sữa thực hiện chiếm hết 300 đồng/kg. Tương tự tại TP HCM, các trạm thu mua sữa tươi cũng được hưởng mức hoa hồng 300 đồng/kg sữa...
Chương trình bò sữa phá sản một phần do thiếu đầu tư khâu sản xuất thức ăn cho bò. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Phá sản vì phong trào
Nguy cơ phá sản của chương trình bò sữa đã tiềm ẩn ngay khi chương trình này được khởi động. Theo một chuyên gia ngành chăn nuôi, chính phong trào “nhà nhà nuôi bò sữa” được nhiều địa phương phát động cách nay vài năm với mục tiêu “chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp” đã góp phần đẩy nhiều hộ dân lâm vào cảnh tiền mất, nợ mang.
Vào năm 2001, khi chương trình phát triển đàn bò sữa bắt đầu được triển khai, trong danh sách được khuyến khích chỉ có 12-13 tỉnh, thành phố có truyền thống nuôi. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác đã phản ứng khá gay gắt và sau hai lần được điều chỉnh, danh sách này tăng thêm khoảng 20 tỉnh thành, nâng tổng số các địa phương được thực hiện dự án lên 33.
Hàng loạt địa phương đổ xô vào nuôi bò sữa, đẩy giá bò giống tăng cao đến chóng mặt. Nhưng tai hại hơn là bò kém chất lượng cũng được “lên đời”, trở thành bò giống với giá “trời ơi”. Có nơi khi lập dự án, giá bò sữa giống chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/con, nhưng sau đó người chăn nuôi phải mua với giá 22-27 triệu đồng/con.
Với giá bò giống cao vô lý như thế thì người chăn nuôi không có cơ hội thu hồi vốn, chưa nói có lãi. Một con bò sữa mua với giá 27 triệu đồng, sản xuất được khoảng 20-22 tấn sữa, nếu bán bò thải loại được 4-5 triệu đồng, tính ra mức khấu hao con giống lên tới 1.000 đồng/kg sữa!
Bên cạnh đó, việc phát triển đầu ra không theo kịp với tốc độ phát triển của đàn bò sữa đã dẫn đến tình trạng có sữa nhưng chưa có nhà máy, khi nhà máy hoạt động thì đàn bò đã “chết” vì người chăn nuôi vì thua lỗ nên không thể duy trì đàn bò. Thực trạng này đã làm xói mòn lòng tin của những hộ chăn nuôi bò sữa đã lỡ chuyển đổi sản xuất theo phong trào.
Gần đây nhất, việc này đã diễn ra ở Nghệ An. Đầu năm 2006, sau khi Nhà máy chế biến sữa Vinamilk đi vào hoạt động, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển sữa đến nhà máy cho nông dân.
Thế nhưng khi triển khai xuống các địa bàn, mọi người mới “bật ngửa” vì không có sữa để vận chuyển. Theo một cán bộ Cục Chăn nuôi, do nhà máy chế biến sữa chậm đi vào hoạt động (dự kiến năm 2003), không có nơi tiêu thụ sữa, người chăn nuôi đành buông đàn bò. Đến giữa năm 2006, đàn bò sữa tại Nghệ An chỉ còn khoảng 235 con, trong khi năm 2004 lên tới gần 1.400.
“Giá giống cao, chất lượng đàn bò kém, nông dân tại nhiều địa phương càng gặp khó khăn hơn do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, không có cỏ tươi cho bò ăn, không có cả nơi tiêu thụ sữa..., chương trình bò sữa bị phá sản là đương nhiên” - vị cán bộ này kết luận.