Nội bộ
Những “tỉ phú” trắng đêm mắc màn chăm sóc bò
Những con bò cái đẹp mĩ miều vừa đeo nơ quàng vòng nguyệt quế lơ ngơ trước ánh đèn sân khấu hôm nào, giờ lại đến mùa thi thứ 9 rồi. Đương kim hoa hậu bò lại núng nính vú, ngẩn ngơ mắt ướt trao lại danh hiệu hoa hậu cho kiều nữ trẻ đẹp hơn mình. Thôi thì hoa có nở có tàn thì hoa mới... quý giá. Cứ bền vững mãi thì chỉ có là thứ hoa nhựa hoa vẽ vứt đi thôi, chị bò cái nhỉ!
Tỉ phú chăn bò - không tin đến nhà ông Trân, ông Quất mà xem
Năm nay, hội thi tổ chức to lắm, hơn 10.000 chị bò ở toàn cao nguyên đã trải qua 3 vòng loại, chọn ra được 125 ứng viên hoa hậu để chuẩn bị so găng nhan sắc và “tài năng”. Sự tri ân những con bò cho sữa, cũng như sự tôn vinh những người nuôi bò cái... - hữu ý đến thế là cùng. Ông Trần Công Chiến - TGĐ Cty Giống bò sữa Mộc Châu - lúc nào cũng bận rộn, ăn sóng nói gió. Ông bảo, người nông dân nuôi bò khổ lắm. Tôi là TGĐ mà vẫn tự xưng mình là “Chiến bò”, không xưng thì người ta cũng gọi thân mật như vậy. Lúc đầu là nghề sau rồi nó thành nghiệp, bố tôi “đánh Điện Biên” xong ở lại đây nuôi bò, giờ đến tôi và con tôi. Có khi bò nó húng hoắng “ho khan” mấy tiếng, người tỉ phú chăn bò cũng vẫn phải mắc màn ngồi ở ngoài chuồng, canh me cho nó ăn uống ngủ nghỉ, thuốc thang tử tế. Đều đặn tắm rửa, lau cọ, chải lông nắn vú cho nó. Nó yên thì mình mới thịnh, mới yên được. Một con bò sữa đẹp, bây giờ giá 80-100 triệu đồng chứ ít đâu. Gớm, cái xe ôtô “cỏ” khối người Hà Nội đang diện bây giờ, có khi chỉ bằng giá một con bò sữa quê tôi thôi. Mà nông dân của tôi có nhiều người sở hữu tới hơn 100 con bò quý giá, như bác Quất đây là hẳn 125 con, dăm bảy tỉ tiền bò chứ chẳng chơi. Ngồi chơi, cho máy vắt sữa nó chạy day day vú bò, mỗi ngày cũng bỏ túi vài chục triệu đồng, tháng cứ là mấy trăm triệu ngon ơ.
Nói chuyện cùng tôi, ông tâm sự: “Tôi ước ao sự yên bình cho đàn bò sữa và làm sao để người chăn nuôi của tôi tự hào về cái nghề của mình, giống như ở Pháp ấy, khi tôi đến thăm một trang trại bò, mà chủ nhà tự hào mang ra dụng cụ vắt sữa và chăm sóc bò của tổ tiên mấy đời nhà họ truyền lại. Vắt sữa bò, mắc màn chăm sóc bò - những cỗ máy sinh học sản xuất sữa, làm giàu cho mình và cả vùng “thảo nguyên xanh sữa mát lành”... thì đáng trân trọng quá đi chứ. Sao bà con mình vẫn không tự hào với danh hiệu nông dân chăn bò nhỉ. Nông dân của chúng tôi bây giờ áp dụng khoa học ngang tầm thế giới, máy móc trang bị đến tận nông trại, tận chuồng bò. Ông đi xem thì khắc biết.”
Có dọc ngang 1.000ha đất đai vườn tược cỏ rả, bò bê của công ty, mới thấy cái bát ngát tiềm năng của “vùng đất bò sữa” tuyệt nhất Việt Nam này. Nông dân Mộc Châu bây giờ tân tiến đến kỳ lạ, toàn thiết bị công nghệ từ Mỹ, Châu Âu, bò thì từ châu Úc, tinh trùng cho bò cái cũng từ... Mỹ, cỏ cho bò ăn cũng từ... Mỹ. Các lão nông tri điền, khối bác sở hữu tiền tỉ dưới dạng bò, thu nhập cao hơn khối TGĐ dưới xuôi. Không tin, cứ đến nhà ông Lâm Thanh Trân, rồi ông Nguyễn Văn Quất mà xem.
Mỗi tháng lũ bò cho… 300 triệu đồng
Hoa cỏ rực rỡ, những vườn chè, vườn hoa trái sum sê cứ uốn lượn theo từng nhịp bánh xe lăn. Có khi, hoa nở rộ đến mức dụ được các đôi uyên ương sà vào chụp ảnh làm nhàu nát ruộng nương, bác nông dân tức tối hò hét đuổi những kẻ quấy rầy cứ “ù xọe” một cách ngộ nghĩnh nhất. Trang trại nhà ông Lâm Thanh Trân kề sát ngay khu nuôi với cảnh sum vầy các công nhân đang cho bò ăn, mở cửa dẫn bò vào từng chuồng, rồi họ phun nước tắm táp, chuẩn bị vắt sữa cho đàn bò hàng trăm con của công ty. Mùi thức ăn ngâm ủ ung ủng thân thương, nồng nã. Ông Trân cười hiền khô, dáng thon, gương mặt thô ráp. Ít ai ngờ bậc lão nông miền Tây Bắc này lại sinh ra ở tít mãi dưới quê lúa Thái Bình. Ngược Sơn La từ những năm 1975, nuôi bò từ đầu năm 1990, ông Trân không thể ngờ có ngày mình trở thành “Vua bò sữa” rồi lại được vinh dự chứng kiến các nông dân khác “tiếm ngôi” của mình một cách đầy hứng khởi. Ông Trân hứng khởi ngay cả trong chi tiết mình bị tiếm ngôi ấy.
Trở thành tấm gương nuôi bò của Mộc Châu, ông Trân được mời về tận Bộ NNPTNT nhận bằng khen. Nay ông Trân có 75 con bò và bê. Số bò bê đó đem bán một lúc, ít nhất thu về hơn 3 tỉ đồng, chưa kể la liệt chuồng trại, máy móc, nông cụ, thứ nào cũng Tây, Mỹ, Nhật... đắt đỏ hiện đại ngang tầm thế giới cả. Ông Trân từng về Hà Nội dự hội nghị điển hình tiên tiến, rồi sang tận Pháp tham quan trang trại nuôi bò nước bạn để học tập. Ông xuýt xoa: trời ơi, đồng cỏ của họ mênh mông, họ chăn nuôi từng đàn bò sữa khổng lồ. Thức ăn cho bò của họ được dự trữ sẵn, đóng thành từng khối theo phương pháp công nghiệp để nuôi bò quanh năm. Chất lượng sữa rất đảm bảo. Đầu ra cực kỳ ổn định. Nhìn họ làm, cũng thấy thèm, nhưng về nhà nghĩ lại, thì ở mình hiện đại có kém gì đâu, bây giờ toàn cầu hóa, bốn biển là nhà mà.
Ông Trân là một người kiệm lời, có lẽ người chăn bò nào cũng thế. Ông bảo, cái thời làm cho nhà nước, cung cách quản lý, mô hình chăn nuôi thời bao cấp đã giết chết đàn bò từng ngày, khi đó, không ít lần ông muốn bỏ nghề mỗi khi chuyển sữa tươi về Hà Nội “xin đám” để được bán, rồi bị tư thương ép giá. Nhất là những lúc bò bệnh tật, vợ chồng sậm sùi buồn, mắc màn nằm ở cửa chuồng bò đỏ mắt lo toan. Mười mấy con bò lăn ra chết, chủ của chúng còn đau buồn hơn cả... lũ bò cũng nên. Vợ chồng ông Trân lâm vào cảnh nợ mấy chục triệu một lúc. Mấy chục triệu hồi đó to kinh hoàng. Đang tính bỏ nghề, thì kinh tế hộ ra đời. Ông mạnh dạn nhận bò nuôi, ai ngờ có ngày được đi tây tham khảo mô hình, rồi nhập bò, nhập tinh trùng của bò, nhập cỏ cho bò ăn từ Châu Âu và Mỹ về hẳn hoi, rồi trở thành “vua bò sữa”. Đặc biệt vinh dự là năm 2006 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến nhà thăm, động viên, tôn vinh điển hình tiên tiến làm giàu từ con bò và thảo nguyên Mộc Châu.
“Bây giờ, 75 con bò và bê của tôi, mỗi ngày bò nó cho khoảng 7-8 tạ sữa tươi, tính ra cũng được hơn 10 triệu đồng/ngày. Doanh thu mỗi tháng hơn 300 triệu. Mà sữa bây giờ không có chuyện phải bán rẻ đâu, công ty bao lo tất cả đầu vào rồi nguyên liệu bò giống, bao tiêu luôn cả đầu ra sản phẩm. Mua cả bảo hiểm giá sữa, mua luôn bảo hiểm cho con bò sữa, cho con bê con. Bò sữa mua bảo hiểm 600 nghìn đồng/con. Nếu rủi ro nó ốm chết, thì cứ đem “sổ bảo hiểm” đi mà lĩnh 12 triệu đồng góp phần mua ngay con bò mới nhé” - ông Trân tâm sự. Nói thì ngon ơ vậy, nhưng cũng lắm vất vả. Song dù vất vả thế nào thì cũng vẫn... ngon ơ thật. Nếu chỉ vắt sữa bò ra mà bán, những cỗ máy sinh học đó cứ ăn cỏ và các thức ăn giản dị rồi “đùn” ra sữa kia đã dâng cho gia đình người nông dân Lâm Thanh Trân những 300 triệu đồng/tháng... - nếu thế thì nuôi bò sướng thật, ngon ơ thật chứ còn gì. Ngay đến cái việc chui vào dưới bụng bò vắt sữa, bây giờ cũng khác xưa. Nông dân Mộc Châu đi nhập cả dàn máy vắt sữa từ trời Âu về, một máy có thể vắt cho bốn - năm con bò một lúc. Cũng không theo đuôi bò đi cắt cỏ nữa, máy cắt cỏ, máy kéo, máy nọ máy kia, cả nhà la liệt những máy như một cái công xưởng kỳ vĩ ấy. Đến ở Hà Nội, giờ cũng ít người giàu được như nông dân Lâm Thanh Trân. “Một năm hai lần công ty tổ chức tiêm phòng chống dịch lở mồm long móng, chống bệnh tụ huyết trùng cho bò của bà con. Tháng 10 hàng năm, lại còn hội thi Hoa hậu bò sữa cả nước kéo về xem, giải nhất những 50 triệu đồng. Năm trước, bò nhà tôi được giải, ăn khao, vui “pháo tay” nhận số tiền còn lớn hơn cả... khối cuộc thi hoa khôi, hoa hậu ở... người!”.
Danh hiệu “vua bò sữa” của Mộc Châu và của cả Việt Nam bây giờ, có lẽ thuộc về ông Nguyễn Văn Quất và gia đình. Ông Trân nổi tiếng cả nước, sang cả Pháp để “đem chuông đi đọ xứ người” với mức vốn 3 tỉ đồng, gồm 75 con bò bê, chưa là gì! Ông Quất đang sở hữu 120 con bò. Nếu bỏ rẻ, 80 triệu đồng/con bò sữa, thì ông Quất có tới gần 9 tỉ đồng tiền “đàn bò vốn”. Chín tỉ thì không dám nói, vì không phải con nào cũng là bò sữa đắt đỏ, có con mới chỉ là bê thôi, ừ thì chi ly ra: ông Quất tối thiểu phải có 5-6 tỉ tiền bò đang... thung thăng đi lại trong nông trại nhà mình! Với 7ha trang trại, với 120 con bò, bê, nhà ông Quất nhìn phía nào cũng thấy thảo nguyên uốn lượn như... sóng biển. Xe máy kéo, xe chở nông sản ống khói cao ngỏng, rơmóoc dài thượt, xe ôtô để vợ chồng con cái lão nông đi tỉnh, đi trung ương chơi, máy cắt cỏ, máy băm thức ăn cho bò, máy tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu, mỗi cái vắt sữa cho 6 con bò một lúc, máy bảo quản sữa... - tất cả các thứ máy cứ la liệt, sáng choang cả nhà.
Sinh năm 1955, cũng khó khăn cùng thời với ông Trân, ông Quất cũng bước ra khỏi bao cấp nuôi bò đầy khốn khó. Sau khi đón gió mới “khoán hộ”, ông chỉ dám rụt rè nuôi đôi ba con bò sữa thăm dò. Con cái đi học đàng hoàng, cậu tú, cậu cử, về tất trang trại nuôi bò với bố mẹ. Thế rồi quy mô lớn dần, cơ chế mới cứ mở ra, nông dân dựa vào công ty, công ty cũng dựa vào nông dân, các “sếp” như Trần Công Chiến sớm thức thời bao tiêu đầu vào đầu ra, bảo hiểm giá sữa, bảo hiểm bò, bê, tổ chức khuyến khích trợ giá thức ăn, thưởng tiền cho những nông hộ sản xuất ra nhiều sữa, đem cán bộ đến tư vấn hỗ trợ bà con đều đặn. Cty Giống bò sữa Mộc Châu bây giờ có đến 2.300 cán bộ công nhân. Gia đình ông Quất được hưởng lợi từ quy mô đó: nhà máy sản xuất sữa ngay trước xóm, nhà máy sản xuất thức ăn theo công nghệ tiên tiến của nhân loại tiến bộ đang được hoàn thành ngay đầu núi. Vựa bò sữa Mộc Châu nức tiếng cả nước. Riêng Mộc Châu, liên kết, đánh bạn “thẳng” với các địa phương nổi tiếng nuôi bò sữa ở Pháp, hai bên hỗ trợ nhau đủ điều. Ai ngờ thế giới lại tròn và nhỏ bé, các quốc gia lại kéo gần nhau đến thế, ngay cả vợ các bác nông dân chăn bò cũng sắp thành công dân toàn cầu đến nơi!
Ba mươi, mùng 1 tết cũng như ngày thường
Giàu thật đấy, tiền nhiều thật đấy, “nhưng suốt đời vẫn bám đít con bò thôi”, ông Quất cười hồn hậu, có vẻ ông đã thấy tự hào vì danh hiệu nông dân nuôi bò được rồi. Còn ông Trân, lại có người khuyên cũng rất có lý, rằng: bác tuổi cao rồi, rúc chuồng bò, mắc màn canh bò mẹ, bò con trong ung ủng mùi thức ăn lên men mãi được sao, thôi bán tuốt, kiếm dăm tỉ về Hà Nội mua nhà mặt phố mà an hưởng tuổi già. Ông Trân thật thà: Bán dễ thế ư? Có mà xa bò một ngày đã nhớ không chịu được ấy chứ. Nghề nào nghiệp ấy, nhà báo ạ. Chăm con mọn đã vất, nhưng đúng như các cụ nói: nuôi bò sữa còn vất vả hơn chăm con mọn nhiều. Nghề nào thì cũng có ngày nghỉ 30 Tết. Song, riêng nghề nuôi bò sữa, sáng mùng 1 hay đêm 30, cứ phải day vú bò như thường. Nếu có máy thì cũng phải ra ngắm bò rồi lắp máy vắt sữa, thậm chí mùng 1 Tết cũng mắc màn chăm sóc “chị ta” như... 364 ngày còn lại trong năm. “Chỉ cần vắt sữa sai giờ, là bò nó cho sữa sai sản lượng ngay, sai cả phản xạ cho sữa nữa, thành ra thiệt thòi cả năm, có khi hỏng cả các bầu vú, hỏng cả con bò quý” - ông Quất phân tích rành mạch.
Vất vả vậy, dẫu lên ông lên bà cả rồi, dẫu tiền nhiều, xứng danh là các “tỉ phú chân đất” rồi, nhưng các “vua bò” vẫn chưa một ngày rời xa nông trại, chưa một ngày thôi tận tâm tận lực chăm sóc đàn bò của mình.
Theo Lao động