Nội bộ
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển đàn bò sữa ở TP.HCM
Năng suất sữa từ 1.200 kg lên 5.000 kg/con/chu kỳ
Khi miền Nam giải phóng, những người Ấn kiều có tập quán nuôi bò sữa hồi hương, nghề nuôi bò sữa tại Sài Gòn khi đó cũng không được chú trọng, toàn thành phố chỉ còn khoảng 150 con bò sữa (bò lai Sind, bò lai Holstein, bò lai Jersey), năng suất sữa trung bình chỉ 1.200 kg/chu kỳ. Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu bức bách về nguồn sữa tươi cho nhà trẻ, bệnh viện, người già yếu thời kỳ đó, lãnh đạo thành phố có chủ trương phát triển nghề chăn nuôi bò. Tuy nhiên, chủ trương này ban đầu cũng gặp nhiều nghi ngờ vì cho rằng tại TP.HCM, một vùng đô thị, khí hậu nóng ẩm, không thể nuôi được bò sữa, một vật nuôi khó tính và chỉ thích hợp với các vùng có những đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn đới, mát mẻ như Mộc Châu, Lâm Đồng... Cuối cùng, với quyết tâm của các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, sự ủng hộ của các ban ngành đoàn thể và sự đồng tình của dân, ngành chăn nuôi bò sữa đã từng bước phát triển và con bò sữa trở thành thế mạnh đặc biệt của ngành nông nghiệp TP.HCM.
Phát triển chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM là một mô hình điển hình về sự phối kết hợp giữa quản lý nhà nước (Thành ủy, UBND và Sở NN&PTNT, Sở KH&CN), sản xuất (nông trường, công ty bò sữa, hộ chăn nuôi), tiêu thụ (Công ty Vinamilk, FrieslandCampina), khoa học (Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện chăn nuôi quốc gia và Trường đại học nông lâm) và ngân hàng (cùng với các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ). Hàng loạt kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng như gieo tinh cải thiện giống, nhập giống mới về lai tạo, nghiên cứu khẩu phần ăn, thức ăn bổ trợ, chế độ vắt sữa... Nhiều đàn bò được áp dụng chế độ ăn uống thích hợp, bò được nằm đệm lót, nghe nhạc thư giãn... Điều đó mang đến những lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế một cách rõ rệt.
Hiện nay, thành phố là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đàn bò sữa trên 100.000 con với nhiều giống mới cho năng suất sữa vượt trội, đồng thời cũng là nơi cung cấp bò giống lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2011 - 2015, đàn bò sữa TP.HCM tăng trưởng bình quân 6,4%, sản lượng sữa tươi tăng 6%. Tính đến cuối năm 2015, TP có 103.000 con bò sữa (chiếm trên 51% tổng đàn cả nước), sản lượng sữa tươi đạt 275.000 tấn/năm (chiếm 60% lượng sữa tươi cả nước), tăng 9,2% sản lượng, trong khi đàn bò chỉ tăng 2% so với năm 2014. Ngành bò sữa thành phố phát triển mạnh như hôm nay có đóng góp to lớn của các nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đóng vai trò quyết định trong việc cải thiện năng suất chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM, từ năng suất bình quân 1.200 kg/chu kỳ, đến nay đạt bình quân 5.000 kg/chu kỳ, tại Hội thi bò sữa TP.HCM, bò cho năng suất 8.500 đến 9.910 kg/chu kỳ.
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, việc nghiên cứu khoa học công nghệ chăn nuôi bò sữa đã được đặt trọng tâm hàng đầu để phục vụ cho việc giải quyết các khó khăn về mặt kỹ thuật. Ngay từ đầu, các nhà khoa học của Viện khoa học KTNN miền Nam, Trường ĐH nông nghiệp 4 (nay là Trường đại học nông lâm) với sự hỗ trợ của Sở khoa học và công nghệ TP.HCM (tiền thân là Ban khoa học kỹ thuật rồi ủy ban khoa học kỹ thuật TP.HCM), đã triển khai các nghiên cứu về các quy trình lai tạo giống, công thức lai tạo, quản lý giống, các giống cỏ mới và quy trình trồng cỏ, sử dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, các khẩu phần phù hợp cho từng lứa tuổi, từng giai đoạn sản xuất, hệ thống chuồng trại, các biện pháp thú y phòng và trị bệnh, đánh giá hiệu quả kinh tế...
Hướng đến ứng dụng công nghệ cao
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, phó giám đốc Sở NN&PTNT, về lâu dài, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm giảm số lượng và tăng chất lượng cho đàn bò sữa để nâng khả năng cạnh tranh trong quá trình đô thị hóa và cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập TPP. Điều này được lãnh đạo thành phố định hướng và đang triển khai. Cuối tháng 8/2013, TP.HCM khánh thành Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) với sự hỗ trợ của Israel tại huyện Bình Chánh, dự án có kinh phí trên 70 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư trên 59 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA không hoàn lại. Trại có diện tích hơn 10 ha với nhiều phân khu chức năng. Mục tiêu của dự án là nâng năng suất sữa đạt 8.000 kg/con/năm, giảm chi phí sản xuất. Nơi đây tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ và nhân rộng ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn hoàn chỉnh TMR. Dù mới ứng dụng trong thời gian ngắn, năng suất sữa tại trại đã đạt 6.200 kg/con/năm so với năng suất bò sữa bình quân TP hơn 5.000 kg/con/năm nên đây được xem là mô hình triển vọng cải thiện nghề chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, chương trình hợp tác với Israel về áp dụng công nghệ cao giảm chi phí sản xuất, cải tạo năng suất và chất lượng bò sữa là mục tiêu quan trọng. Vấn đề không phải 100.000 con hay hơn nữa mà làm sao ngày càng nâng cao chất lượng đàn bò sữa, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi trong tình hình mới vì tính cạnh tranh ngày càng cao. Công nghệ mới này cho phép người nuôi bò biết rõ chất lượng sữa của đàn bò, biết được bò đã ăn đủ hay chưa, sữa bò có đủ hàm lượng đạm hay không, bò có bị bệnh hay không... Hệ thống giám sát 24/24 của DDEF giúp người nuôi quản lý được chất lượng cũng như sản lượng sữa và kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho đàn bò để cho ra dòng sữa chất lượng tốt nhất. Hướng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp việc quản lý chặt chẽ các quy trình chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh và nguyên liệu đầu vào, đầu ra một cách đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao cho nghề nuôi bò sữa trong tương lai.
PHƯƠNG DUY