Nội bộ
Bút kí “Đằng sau bức chân dung quyền lực”
Khi còn trẻ Mai Kiều Liên mê học y khoa và sư phạm. Cho đến bây giờ chị vẫn tin mình đến với ngành sữa như một “định mệnh”. Năm 1970, cô nữ sinh 16 tuổi được phân công sang Nga học ngành chế biến thịt và sữa. Chị không khỏi trăn trở bởi đây là ngành công nghiệp còn khá xa lạ ở nước ta khi đó.
Chính người cha – một trí thức yêu nước, bác sĩ Mai Văn Thông, với tầm nhìn xa rộng đã khuyên chị theo đuổi ngành học này, bởi theo ông đây sẽ là ngành giúp giải quyết một vấn đề lớn sau chiến tranh: dinh dưỡng của người dân. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp, chị về làm kỹ sư tại Nhà máy sữa Trường Thọ.
Sau chiến tranh, nền kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn, ngành sữa cũng không phải ngoại lệ. Các nhà máy sữa tiền thân của Vinamilk khi đó rơi vào tình cảnh sản xuất thụ động, bao cấp, sản lượng thấp do trang thiết bị máy móc cũ kỹ và thiếu nguồn nguyên liệu. Đắm mình trong công việc, nữ kỹ sư trẻ Mai Kiều Liên trực tiếp tham gia vào từng quy trình chế biến, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.
Trải qua nhiều vị trí khác nhau, năm 1992 chị trở thành người đứng đầu Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Đây cũng là thời kỳ ngành sữa trong nước bước đầu hòa nhập với khu vực và thế giới. Sữa ngoại tràn vào Việt Nam, nguy cơ mất thị trường rất lớn nếu không nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Các nhà máy sữa hồi sinh bằng chính trình độ kỹ thuật, sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, bài toán công nghệ bước đầu được Mai Kiều Liên và tập thể lãnh đạo Vinamilk giải quyết thành công nhưng vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm vẫn là điều khiến chị trăn trở. Song song với việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao giá hợp lý thông qua các công ty xuất nhập khẩu, Mai Kiều Liên tích cực phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
Bò sữa được đưa vào chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 1920 nhưng vẫn chưa phát triển mạnh mẽ mặc dù nước ta có những vùng chăn nuôi bò sữa thuận lợi như Lâm Đồng, Mộc Châu…Mai Kiều Liên đã mở đầu phong trào nuôi bò sữa trong nước, tạo lập các vùng nguyên liệu sữa từ đầu thập niên 90 bằng việc xây dựng 5 trang trại bò sữa tại các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Lâm Đồng với tổng lượng đàn bò khoảng 6 nghìn con.
Vinamilk chủ động chuyển giao giống, kỹ thuật, thu mua sữa của bà con nông dân với giá cao nhằm khuyến khích họ duy trì và phát triển đàn bò sữa. Đặc biệt khi công ty thực hiện cổ phần hóa, người nuôi bò sữa cũng được tham gia mua cổ phần ưu đãi của công ty với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, thậm chí công ty sẵn sàng bảo lãnh để những người nông dân này vay vốn mua cổ phần. Gần 40 năm, Mai Kiều Liên hiến dâng tất cả cuộc đời mình cho sự phát triển của ngành sữa.
Chị luôn mong mỏi và nỗ lực phát triển ngành sữa thành một ngành công nghiệp hiện đại, có khả năng chủ động về nguyên liệu, trang thiết bị. Chị đặt mục tiêu đưa Vinamilk trở thành một trong 50 doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu thế giới vào năm 2017 với doanh thu 3 tỷ USD. Mai Kiều Liên luôn tâm niệm, thực phẩm sản xuất ra cho người phải như cho chính gia đình mình, có như vậy, người tiêu dùng mới nhìn nhận đúng giá trị của sản phẩm. Với chị, “tiền nào của nấy” đã không còn là tư duy kinh doanh thời hiện đại. Phương châm kinh doanh của chị và Vinamilk, đó là tiền lãi từ một sản phẩm không nhiều nhưng bán rất nhiều sản phẩm thì tổng lợi nhuận sẽ lớn.
Hữu xạ tự nhiên hương, sữa đặc của Vinamilk hiện chiếm 75% thị phần cả nước, sữa chua là 90% và sữa tươi là 50% thị phần. Chừng ấy con số cũng đủ để thể hiện vai trò của Vinamilk trong đời sống. Người tiêu dùng Việt Nam đã đủ thời gian để đối chứng chất lượng các sản phẩm của Vinamilk. Mai Kiều Liên đã chèo lái Vinamilk trở thành con tàu chủ lực của ngành sữa Việt Nam cùng với nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao tầm vóc người Việt Nam cũng như cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em hiện nay.
Mai Kiều Liên luôn ngưỡng mộ bà Trịnh Văn Bô - nhà tư sản lớn của Hà Nội, người sẵn sàng cống hiến tài sản khổng lồ cho kháng chiến, người giữ quan điểm: nếu làm ra 10 đồng lợi nhuận thì 7 đồng dùng để tái sản xuất còn 3 đồng làm từ thiện. Và chị đã tin tưởng và đi theo đường lối của vị tiền bối mà chị luôn ngưỡng mộ. Người tiêu dùng Việt biết tới Vinamilk như một thương hiệu gắn liền với các hoạt động xã hội và trách nhiệm cộng đồng. Mai Kiều Liên và Vinamilk đã xây dựng chiến dịch Vinamilk - niềm tin Việt Nam với 4 chương trình lớn: Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” dành cho trẻ em nghèo, Quỹ học bổng “Vinamilk ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam”, Cuộc thi âm nhạc Đồ rê mí, Trường bóng đá Arsenal – Vinamilk. Tất cả đều vì trẻ em – mầm non đất nước. 31 tuổi làm Phó Tổng giám đốc, 39 tuổi làm Tổng giám đốc, với Mai Kiều Liên, tố chất lãnh đạo chính là cách sống của bản thân, khi làm việc phải hết mình với hiệu quả cao nhất.
Cách sống ấy chị thừa hưởng từ cha mẹ - những trí thức sống rất có trách nhiệm với đất nước. Tầm nhìn của cha giúp chị vững tin vào quyết định ban đầu. Chị đã nỗ lực không ngừng vì sự phát triển ngành sữa và điều đó cũng trở thành linh hồn của người đàn bà quyền lực này Với những nữ doanh nhân như Mai Kiều Liên, nỗi khổ là quỹ thời gian giành cho việc riêng tư, cho gia đình quá hạn hẹp. Hàng ngày họ phải cân nhắc thời gian sít sao tới từng giờ từng phút. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc một công ty có trên 4 nghìn nhân viên, 20 nhà máy và chi nhánh, doanh thu 63 tỷ đồng mỗi ngày nhưng trong gia đình chị không hề có người giúp việc. Với chị, người phụ nữ là bếp lửa hồng giữ hạnh phúc gia đình, khi bếp lửa ấy nguội lạnh thì sự đoàn tụ cũng thật mong manh.
Chị giữ bếp lửa ấm ấy, hơi ấm ấy trong tim những thành viên trong gia đình bằng cơm dẻo canh ngọt tự tay mình chuẩn bị trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Có một lần kia,trong một bữa tiệc vui của những bạn học cũ,có cả Nguyễn Hiệp - nhà nghiên cứu vật lý, phu quân của Mai Kiều Liên, một người bạn tôi hứng chí nói về ba dòng sông gắn bó với cuộc đời Mai Kiều Liên (Sông Sen Paris noi chị sinh trưởng, sông Vonga – Nga, nơi tuổi trẻ chị hoc tập, và sông Sài gòn Tp.HCM nơi chị gắn bó hơn nửa đời người). Bởi thấy hay hay tôi cũng hứng chí đòi kể về …ba người đàn ông trong đời Mai Kiều Liên.
Người đàn ông thứ nhất chính là bác sỹ Mai Văn Thông, người cha của chị, người mà chị vô cùng yêu quý từ thuở ấu thơ. Người đàn ông thứ hai, người xem ra là người Mai Kiều Liên si mê nhất, chính là Nguyễn Hiệp, bạn chúng tôi đây, là mối tình đầu và chắc chăn cũng là mối tình cuối của chị. Và người đàn ông thứ ba, tôi có thể đoán chắc đây là người đàn ông mà Mai Kiều Liên yêu nhất cuộc đời này, có thể nói là yêu hơn mọi tình yêu, là Nguyễn Hiệp Hoàng, con trai yêu quý của chị,hiện là một bác sỹ, một tiến sỹ y khoa. Xin được nói nhiều hơn vê ba người đàn ông này…Bác sỹ Mai Văn Thông quê hương ở Cần Thơ,tuổi trẻ đi du học ở Pháp và ở đây, ông gặp một nữ sinh viên cũng học y khoa là bà Nguyễn Kim Tòng. Rồi khi tốt nghiệp, ông bà đã kết hôn để rồi sinh hạ ra hai người con, trong đó người con đầu lòng là Mai Kiều Kiên sinh tại Paris.
Theo tiếng gọi trực tiếp của Bác Hồ, hai ông bà đã nhất quyết trở về Tổ quôc tham gia xây dựng đất nước. Điều đặc biệt hơn,trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bác sỹ Mai Văn Thông đã tinh nguyện vượt Trường Sơn về miên nam chiến đấu. Kết thúc cuộc kháng chiến, ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, và được đề bạt là Phó Cục trưởng Cục bảo vệ sức khỏe TW.
Cũng chính trong những năm tháng kháng chiến này, trước ngày ông lên đường trở về quê hương chiến đấu, khi chia tay cô con gái yêu quý của mình sắp tốt nghiệp phổ thông, lại sắp được chọn đi học nước ngoài, thì vị bác sỹ luôn nghĩ đến nhân dân và có tầm mắt xa rộng này khi nghe con hỏi ba ơi con nên theo học ngành gì đã ngay lập tức khuyên con: Hãy theo học ngành chế biến sữa con ạ. Vì sao ư? Vì lúc ấy có thể đã hết chiến tranh, dân mình cần có sữa để cải thiện sức khỏe, trẻ em phải có sữa để chống tình trạng suy dinh dưỡng.
Người đàn ông thứ hai của Mai Kiều Liên chính là nhà nghiên cứu vật lý Nguyễn Hiệp, cùng là bạn học của mái trường Trưng Vương Hà Nội sơ tán tại xã Hồng Châu, Thường Tín Hà Đông (cũ). Tình yêu của họ bắt đầu sau nhiều năm tạm xa nhau đi du học nước ngoài, và khi về gặp lại họ hiểu rằng không thể xa nhau được nữa. Và cũng từ đấy, có một chàng trai rất thông minh có thể gọi là uyên bác nữa đã hy sinh tất cả cho người vợ yêu quý của mình. Bắt đầu bằng việc anh giã từ Hà nội và một công việc rất hứa hẹn để vào Nam sống với vợ, chấp nhận cuộc sống âm thầm của một nhà khoa học để có nhiều thời gian hơn chăm sóc vợ con.
Và như một đất nước có tiền tuyến, có hậu phương, có tuyến trước và có tuyến sau, anh chấp nhận làm một hậu phương vững chắc, săn sóc nhà cửa con cái chu đáo…để chị như một người lính ra trận, làm tốt những sứ mệnh cao cả của mình, dành trọn cả tuổi thanh xuân, cả những năm tháng đẹp nhất và có thể nói là cả cuộc đời cho Vinamilk, cho sự nghiệp sữa của Việt Nam. Khi nói về người chồng thân yêu của mình, Mai Kiếu Liên bao giờ cũng nói bằng những lời trìu mến nhất, nồng nàn nhất và bao giờ cũng khẳng định một điều: Chị có được sự nghiệp và hạnh phúc hôm nay, bởi vì có một người chồng thật tuyệt vời, đã hy sinh và hiến dâng tất cả cho sự nghiệp của chị và cho gia đình.
Còn người đàn ông thứ ba? Vâng, đấy chính là Nguyễn Hiệp Hoàng, người con trai thân yêu của chị. Cao 1m77, tính tình nhã nhặn và tinh tế và đang là một tài năng y học. Chàng trai này thật sự là thiên thần của mẹ. Khi bên những người con của mình, người đàn bà mạnh mẽ này lại bỗng dịu dàng và trìu mến xiết bao…
Là một nữ doanh nhân quyền lực, vậy mà trong đời sống tình cảm cũng hết sức thú vị đấy nhỉ. Ai cũng cho chị là người được cả, cả sự nghiệp, cả quyền lực, cả tình yêu và hạnh phúc gia đình. Một nữ doanh nhân vừa thành đạt, lại vừa rất hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, có lẽ không hẳn thật nhiểu trong cuộc sống hôm nay...
Trong một lần trả lời phỏng vấn của bạn trẻ về bí quyết hạnh phúc của mình, nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á bật mí: “Luôn cảm thấy cần nhau và luôn sợ… mất nhau”. Tiếng vỗ tay nổi lên dạt dào. Ngắn gọn, súc tích và khúc chiết... Tưởng không còn bí quyết tình yêu nào tuyệt vời hơn, và cũng không thể bình luận gì hơn… Đất nước có những phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, thương chồng thương con như người nữ doanh nhân này. Bản lĩnh, phẩm hạnh của phụ nữ Việt chính là đây.