Nhu cầu dinh dưỡng trong thức ăn cho bò sữa
Nghiên cứu về thức ăn và nuôi dưỡng
Nghiên cứu về tiêu chuẩn khẩu phần ăn cho bò sữa là một nội dung khó vì ta thiếu điều kiện thí nghiệm đáp ứng yêu cầu thí nghiệm nuôi dưỡng. Một vài nghiêm cứu nuôi dưỡng tiến hành tại các Trung tâm nghiên cứu và các trại chăn nuôi lớn trong thời gian qua cũng rút ra những kết luận có ý nghĩa thực tiễn phục vụ sản xuất.
Đinh Văn Cải, 1995, đã tính toán và đề xuất được tiêu chuẩn các chất dinh dưỡng chủ yếu cho bò lai 50% và 75%HF có khối lượng từ 300-550kg và năng suất sữa từ 5-25kg/ngày dựa trên phương pháp xác định tiêu chuẩn ăn của NRC, AFRC và từ thực tế chất lượng các loại thức ăn và khẩu phần địa phương (qm).
Về nuôi dưỡng bê, Vũ văn Nội và ctv, 2000 khảo sát chế độ nuôi dưỡng bê cái lai HF tại TP. HCM đã đề nghị bê lai HF nuôi với chế độ trung bình 4lít sữa/ngày. Tập ăn lúc 14-15 ngày. Cám hỗn hợp và hèm pha loãng trong nước, đến cai sữa bê tiêu thụ được 0,2-0,7kg cám và 1-3kg hèm bia. Cai sữa sau 4 tháng. Khối lượng 6 tháng đạt 106kg. Tác giả nghiên cứu tại Ba Vì đề nghị nuôi bê cái lai HF thâm canh, với lượng sữa 550kg, thời gian cai sữa 6, khối lượng cai sữa 129kg, nhưng không chỉ ra số lượng thức ăn tinh tiêu thụ.
Đinh Văn Cải và Hoàng Thị Ngân, 2008 nghiên cứu trên 27 bê cái lai HF với 9 chế độ nuôi dưỡng khác nhau, mức sữa tươi nguyên bơ từ 220-280 và 350kg, thức ăn tinh hỗn hợp có hàm lượng protein thô 16%; 18% và 20% cho ăn tự do, cai sữa bê ở 12 tuần tuổi. Kết quả cho thấy, nuôi bê lai HF với 280kg sữa, 85kg thức ăn tinh có 18% protein thô, cai sữa 12 tuần tuổi, bê lai đạt khối lượng 96,4kg, tăng trọng trên 785gam/ngày, đạt yêu cầu làm giống. Hiện nay, trong sản xuất, Công ty sữa Tương lai (Tuyên Quang) nuôi bê cái thuần HF với tổng lượng sữa 320kg và thức ăn tinh tự do, cai sữa bê lúc 10 tuần tuổi, không có số liệu chi tiết về khối lượng cai sữa và lượng thức tinh tiêu thụ.
Vũ văn Nội và ctv, 2000, khảo sát chế độ nuôi dưỡng bê cái lai HF tại TP. HCM đã đề nghị tiêu chuẩn, khẩu phần nuôi bê lai HF từ 7-15 tháng tuổi như Bảng 5. Trong một nghiên cứu khác tại Ba Vì tác giả đề nghị nuôi bê hậu bị giai đoạn 16-24 tháng tuổi với trung bình chất dinh dưỡng tiêu thụ (con/ngày) như sau: DM 7,3kg; ME 15563 Kcal và 787 gam CP. Với mức dinh dưỡng này lúc 18 tháng tuổi bê đạt 228,3kg và 24 tháng tuổi đạt 266kg.
Bảng 5. Yêu cầu chất dinh dưỡng ăn vào của bê cái lai HF tại các tháng tuổi
Chỉ tiêu |
ĐVT |
6 tháng |
9 tháng |
12 tháng |
15 tháng |
Chất khô ăn vào |
Kg/ngày |
4,44 |
6,21 |
6,50 |
6,83 |
Năng lượng (ME) |
Kcal |
7758 |
10343 |
11719 |
11995 |
Mật độ năng lượng |
Kcal/kgDM |
1747 |
1665 |
1802 |
1756 |
Protein thô (CP) |
gam |
558 |
742 |
859 |
880 |
Hàm lượng protein thô |
g/kgDM |
125,6 |
119,5 |
132,1 |
128,8 |
Khối lượng cuối kì |
kg |
108,1 |
149,2 |
179,9 |
224,7 |
Nguồn: Vũ Văn Nội và ctv, 2000.
Đề xuất này sai khác nhiều so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi (Bảng 6). Tại Trung tâm nghiên cứu bò sữa Bình Dương trên 27 bê cái sau cai sữa chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 9 con được nuôi bởi 3 loại khẩu phần khác nhau về tỷ lệ tinh thô, mật độ năng lượng và protein theo lô thí nghiệm và giai đoạn tuổi. Thời gian kéo dài đến phối giống lần đầu. Kết quả thí nghiệm đã đề xuất khẩu phần nuôi bê như Bảng 6. So với khuyến cáo của Vũ Văn Nội và ctv, 2000, chất khô ăn vào thấp hơn, năng lượng (ME) ăn vào cao hơn, vì vậy hàm lượng chất dinh dưỡng như ME trong 1kg chất khô cao hơn. Đến 15 tháng tuổi bê đạt 301kg đủ tiêu chuẩn phối giống.
Bảng 6. Khẩu phần nuôi bê cái lai 75%-87,5%HF từ sau cai sữa đến phối giống lần đầu
Chỉ tiêu |
ĐVT |
Giai đoạn tuổi (tháng) |
|||
|
|
4-6 |
7-9 |
10-12 |
13-15 |
Khối lượng cuối kỳ |
kg |
155 |
209 |
255 |
301 |
Tăng trọng cần đạt |
g/ngày |
650 |
600 |
500 |
500 |
Tỷ lệ thức ăn tinh khẩu phần |
%DM |
53-54 |
42-43 |
34-35 |
29-30 |
Tỷ lệ protein thô (CP, min) |
%DM |
14,0 |
13,5 |
13 |
12,5-13,0 |
Mật độ năng lượng (ME) |
Kcal/kgDM |
2350 |
2350 |
2350 |
2350 |
Chất khô ăn vào |
Kg/ngày |
3,6-3,7 |
4,7-4,8 |
5,5-5,7 |
5,6-5,8 |
Năng lượng ăn vào (ME) |
Mcal/ngày |
8,4-8,5 |
10,5-11,0 |
12,0-13,0 |
14,0-15,0 |
Protein thô ăn vào (CP) |
Gam/ngày |
510-520 |
660-670 |
700-720 |
730-750 |
Nguyễn Ngọc tấn và ctv, 2005, thí nghiệm trên bò lai 75%-87,25% HF về các chỉ tiêu hàm lượng urea trong máu (BUN) và trong sữa (MUN) cho thấy: khẩu phần bò sữa có hàm lượng protein thô cao hơn 25% so với khuyến cáo của NRC cho năng suất sữa cao hơn và không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu BUN và MUN.
Đinh Văn Cải, 2001 nghiên cứu về số lượng thức ăn tinh cho 1kg sữa sản xuất ra đối với bò lai 50%HF đã nhận xét: với bò lai 50%HF cho ăn thức ăn thô là cỏ trồng và rơm ủ urea thì thức ăn tinh hỗn hợp chỉ cần 16% protein cho ăn với lượng 0,4 kg cho một kg sữa là phù hợp. Cho ăn với mức 0,6kg thức ăn tinh cho 1kg sữa cũng không làm tăng sản lượng sữa. Trên cả hai nhóm bò F1 có năng suất sữa khác nhau (9kg và 15kg/ngày) đều ghi nhận thấy rằng: khi mật độ năng lượng từ 2069-2088Kcal và hàm lượng protein thô từ 117-122gam/kgDM, chất khô ăn vào đạt >=3,5% khối lượng cơ thể là phù hợp để đạt hiệu quả sản xuất sữa cao.
Nghiên cứu kỹ thuật nuôi dưỡng, chuồng trại để tăng năng suất, chất lượng sữa, giảm tỷ lệ bệnh viêm vú, bệnh sinh sản trên đàn bò sữa (Đinh Văn Cải và ctv, 1998; Đoàn Đức Vũ và ctv, 2000; Chung Anh Dũng và ctv, 2002…). Nghiên cứu ảnh hưởng của stress nhiệt lên bò sữa nuôi trong môi trường nóng ẩm và giải pháp khắc phục (Đinh Văn Cải và ctv, 2002; Đoàn Đức Vũ và ctv, 2005; Vũ Chí Cương và ctv, 2006). Kết quả nghiên cứu đã từng bước xây dựng và hoàn thiện dần chế độ nuôi dưỡng bò sữa đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao của con lai được cải tiến di truyền. Năng suất sữa và các chỉ tiêu sinh sản cải thiện rõ qua các năm.
Trong quá trình nghiên cứu thức ăn và nuôi dưỡng bò sữa cho thấy, với nguyên liệu thức ăn như hiện nay, rất khó để xây dựng khẩu phần ăn cho bò sữa cao sản. Có rất ít cỏ họ đậu, cỏ khô có chất lượng cao. Phần lớn các loại cỏ hoà thảo đang dùng phổ biến để nuôi bò sữa có vật chất khô (DM) rất thấp, 13-17% (83-87% là nước). Nghĩa là cần từ 6-7kg cỏ tươi mới được 1kg chất khô. Giá trị năng lượng ME tính trên 1kg chất khô khoảng trên dưới 2000Kcal/kgDM. Thức ăn tinh hỗn hợp khoảng 2600Kcal/kg. Nếu thức ăn chỉ có cỏ xanh và cám hỗn hợp như đang sử dụng phổ biến hiện nay, để đạt 2300Kcal/kgDM khẩu phần thì tỷ lệ cám hỗn hợp và cỏ tính theo chất khô là 50%-50%. Thí dụ bò 25kg sữa/ngày chúng cần 20kg chất khô thức ăn thì chất khô từ thức ăn hỗn hợp là 10kg (50%) và chất khô từ cỏ xanh là 10kg (50%). Quy ra dạng tự nhiên là 11,5kg cám hỗn hợp và 67kg cỏ xanh. Khi bò cho 30kg sữa, mỗi ngày cần ăn 3kg cám và 75kg cỏ. Với số lượng thức ăn như trên mới đủ dinh dưỡng cho sản xuất sữa. Tuy nhiên, do thể tích của cỏ xanh quá lớn so với dung tích dạ cỏ và do trời nắng nóng, bò không muốn ăn, bò sẽ không ăn hết một khối lượng cỏ xanh như vậy, để bù lại lượng dinh dưỡng thiếu hụt phải lựa chọn: hoặc tăng cám, hoặc chấp nhận ít sữa. Nếu tăng cám, kết quả là tỷ lệ thức ăn tinh cao trên 70% chất khô khẩu phần sẽ có nguy cơ rối loạn tiêu hoá dạ cỏ, rối loạn sinh sản, bệnh về chân móng và không kinh tế.
Chúng ta không cỏ cỏ họ đậu, không có cỏ khô, cỏ ủ chất lượng cao như những nước chăn nuôi tiên tiến thì rất khó nuôi được bò có năng suất sữa trên 25kg/ngày! Điều kiện thức ăn và nuôi dưỡng chính là cơ sở để lựa chọn giống bò sữa với năng suất sữa thích hợp. Ở châu Âu, một bò sữa khi đạt đỉnh sữa cao nhất 25kg/ngày thì dự đoán năng suất sữa của nó sẽ đạt 5000kg/chu kì. Khi đỉnh sữa đạt 30kg/ngày thì dự đoán năng suất đạt 6000kg/chu kì. Nước ta với dinh dưỡng khẩu phần thấp nên ngay cả khi bò đạt đỉnh sữa 25kg thì cả chu kì vẫn chưa đạt 5000kg. Nếu chúng ta đặt mục tiêu nâng năng suất sữa lên 5000kg/chu kì thì điều cần quan tâm hơn là chất lượng thức ăn, dinh dưỡng khẩu phần và nuôi dưỡng chứ không phải là tiềm năng sản xuất sữa của con giống. Nếu chúng ta không giải được bài toán chất lượng thức ăn, dinh dưỡng khẩu phần trong mối quan hệ với hiệu quả kinh tế sản xuất sữa thì hãy chấp nhận phương án nuôi bò 3000-4000kg/chu kì bằng thức ăn hiện có. Đây là các phương án cho mỗi trại, mỗi vùng lựa chọn, vì mục tiêu cuối cùng phải là hiệu quả sản xuất sữa.
Tài liệu tham khảo chính:
1) Bộ NN-PTNT: Báo cáo Hiện trạng và định hướng phát triển bò sữa Việt Nam thời kỳ 2002-2010
2) Bộ NN-PTNT, 2008: Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
3) Cục Chăn nuôi 2006: báo cáo đánh giá tình hình chăn nuôi bò sữa 2001-2005, định hướng phát triển 2006-2010 và 2015
4) Cục Chăn nuôi, 2007 Thống kê đàn bò sữa và sản xuất sữa. (Trích từ trang Web Dairyvietnam).
5) Đinh Văn Cải, 2003. Một số đặc điểm sản xuất của nhóm bò lai 50% và 75% HF nuôi tại Trung tâm Huấn luyện bò sữa Bình Dương.
6) Đinh Văn Cải, Vương Ngọc Long, 2003. Điều tra hiện trạng sử dụng tinh và bò đực giống sữa tại phía Nam. (Trích từ trang web của Dairyvietnam, 2009).
7) Đinh Văn Cải, Hoàng Thị Ngân, 2007. Nghiên cứu chế độ nuôi dưỡng bê cái lai HF làm giống. (Trích từ trang web của Dairyvietnam, 2009).
8) Đỗ Kim Tuyên, Bùi Duy Minh- Công ty giống bò sữa Mộc Châu (2004). Một số chỉ tiêu giống của bò Holstein Friesian tại Công ty giống bò sữa Mộc Châu
9) Đoàn Đức Vũ, Phạm Hồ Hải, Nguyễn Huy Tuấn, 2005. Nghiên cứu giải pháp làm giảm tress nhiệt cho bò sữa có tỷ lệ máu HF cao. (Trích từ trang web của Dairyvietnam, 2009).
10) Hội nghị Phát triển chăn nuôi bò sữa toàn quốc ngày 03-01-2002 tại thành phố Hồ Chí Minh
11) IFCN, 2008: Dairy Report 2008.
12) Nguyễn Quốc Đạt, Vũ Văn Nội, Bùi Thế Đức, Nguyễn Thanh Bình, 2000. Khả năng sản xuất chủa đàn bò lai HF trong điều kiện chăn nuôi trang trại ở Thành phố Hồ Chí minh. Báo cáo tổng kết đề tài cấp nhà nước KHCN-08-05.
13) Phạm Văn Giới, Nguyễn Văn Đức, Trần Trọng Thêm…2006. Nghiên cứu một số tính trạng sinh trưởng, phát triển, chất lượng tinh và tỷ lệ phối có chửa của bò đực lai ¾ và 7/8HF (Trích từ trang web của Viện Chăn nuôi, 2008).
14) Phạm Văn Giới, Nguyễn Văn Đức, Trần Trọng Thêm. 2006. Khả năng sản xuất sữa của bò lai hướng sữa Việt nam. (Trích từ trang web của Viện Chăn nuôi, 2008).
15) Vũ Chí Cương, Vương Tuấn Thực, Nguyễn Thạc Hoà, Nguyễn Thiện Trường Giang, 2006. Ảnh hưởng của Nhiệt độ, ẩm độ, chỉ số nhiệt ẩm THI đến một số chỉ tiêu sinh lí của bò lai F1, F2 nuôi tại Ba Vì trong mùa hè. (Trích từ trang web của Viện Chăn nuôi, 2008)
16) Vũ Văn Nội, Trần Trọng Thêm, Nguyễn Hữu Lương… 2005. Xác định khả năng sinh trưởng, sinh sản, sản xuất sữa của bò lai hướng sữa 75%HF cố định ở thế hệ thứ nhất. (Trích từ trang web của Viện Chăn nuôi, 2008).
PGS. TS. Đinh Văn Cải -Viện KHKTNN Miền Nam
Nguồn Viện chăn nuôi