Nhu cầu dinh dưỡng trong thức ăn cho bò sữa

Chế biến và sử dụng thức ăn TMR như thế nào?

Thức ăn phối trộn hỗn hợp TMR là loại thức ăn tỏ ra phù hợp với chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa.

 Thức ăn TMR (Total Mixed Ration) là gì?

 

Thức ăn hỗn hợp TMR là loại thức ăn hỗn hợp được phối trộn sẵn theo khẩu phần đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng đối với từng nhóm bò.

 

Thức ăn TMR có nhiều ưu điểm

 

- Khắc phục được sự mất cân đối trong các loại thức ăn hỗn hợp khác như thức ăn tinh hỗn hợp thì thiếu chất xơ, premix thì thiếu tinh và thô trong khẩu phần. Điều này thuận tiện trong sử dụng cho người chăn nuôi.

 

- Tận dụng được nhiều loại nguyên liệu để sản xuất: cỏ khô, cỏ ủ, ngũ cốc, ...nhất là các loại phụ phế phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm mà nếu cho ăn riêng lẻ bò khó thể ăn được vì không hợp khẩu vị (do mùi vị hoặc quá cứng,…); khi được trộn chung vào một khẩu phần thật đều, bò không thể chọn lựa loại nguyên liệu này bỏ loại khác. Do vậy bò ăn được nhiều loại thức ăn.

 

- Thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng do đã được phối trộn một cách hợp lý.

 

- Thức ăn có tỷ lệ tiêu hóa cao hơn do thức ăn đã được chế biến và thức ăn tinh do được trộn loẫn với thức ăn thô nên qua đường tiêu hóa chậm hơn.

 

- Kiểm soát được hiệu quả sử dụng thức ăn: dễ dàng phát hiện những vấn đề do khẩu phần thức ăn gây ra nhờ theo dõi biến động lượng sữa hàng ngày của từng cá thể, từ đó điều chỉnh bổ sung cho phù hợp nhu cầu; giúp bò kéo dài độ bền cho sữa, khai thác được nhiều kỳ sữa, nhất là bò cao sản không bị suy kiệt phải loại thải sớm, lãng phí.

 

- Loại thức ăn TMR tốt với nhiều quy mô chăn nuôi nhưng đặc biệt phù hợp với quy mô chăn nuôi tập trung, công nghiệp hóa, con giống có năng suất sữa cao.

 

- Giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động do tăng cơ giới hóa, từ đó tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi bò sữa.

 

Nhược điểm của loại thức ăn hỗn hợp TMR

 

- Phải sử dụng một số máy móc có tiêu tốn năng lượng (máy thái, máy nghiền, máy trộn…).

 

- Các bò cá biệt (năng suất rất cao, gầy yếu, bệnh nặng…) không được quan tâm thực sự phù hợp và đầy đủ.

 

- TMR được sản xuất và sử dụng trong ngày nên khó lưu trữ, bảo quản được lâu vì dễ bị lên men, thối hỏng, mốc…

 

Sản xuất và sử dụng thức ăn TMR như thế nào?


Các điều kiện để sản xuất thức ăn TMR

 

- Phân loại nhóm bò

 

Căn cứ theo sản lượng sữa sản xuất hàng ngày để phân loại nhóm bò nhằm xây dựng khẩu phần hợp lý và sản xuất được chính xác loại thức ăn TMR. Thường có 3 nhóm chính:

 

+ Nhóm đang vắt sữa: Gồm nhóm có sản lượng ngữa/ ngày cao hơn bình quân toàn đàn và nhóm có sản lượng sữa/ ngày thấp hơn bình quân toàn đàn.

 

+ Nhóm cạn sữa.

 

+ Nhóm bò cái tơ (bò hậu bị).

 

Nếu không phân nhóm thì khi sử dụng TMR những cá thể ở cuối chu kỳ cho sữa, sắp cạn sữa có khuynh hướng quá mập, dễ gặp khó khăn khi sinh sản.

 

Phân loại nhóm bò nhằm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn vì những nhóm bò không sản xuất sẽ cho ăn khẩu phần rẻ tiền hơn.

 

- Điều kiện chuồng trại

 

Thiết kế chuồng 1 mái, 2 mái theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật chung và hợp lý với điều kiện chăn nuôi thực tế.

 

Đặc biệt chú ý thiết kế đường nội bộ để dễ di chuyển ghép bò vào trong nhóm mà không gây stress cho bò làm ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng, thể trọng và năng suất sữa của bò.

 

- Điều kiện trang thiết bị

 

Cần phải được đầu tư đồng bộ các loại trang thiết bị chuyên dùng liên quan như máy trộn, hệ thống cân tự động, xe vận chuyển thức ăn, trộn di động, bồn trộn cố định, máy rải thức ăn…

 

- Điều kiện về nguyên liệu

 

Luôn có đủ nguồn nguyên liệu đồng bộ, ổn định. Giảm thiểu tối đa sự thay đổi thành phần nguyên liệu của khẩu phần vì nếu thay đổi thường xuyên sẽ làm thay đổi khẩu vị rất sâu sắc, bò thích ứng không kịp, ăn ít và giảm sản xuất sữa.

 

- Quy mô đàn bò

 

Để sử dụng tối đa hiệu quả TMR thì qui mô đàn bò cần từ 1000 con trở lên.

 

Đối với qui mô nhỏ (< 50 con) thì sử dụng TMR kém hiệu quả do lượng thức ăn cho từng nhóm bò quá nhỏ nên đẩy chi phí đầu tư cao, chăn nuôi không có lãi.

 

- Trình độ người chăn nuôi

 

Lao động trong chăn nuôi bò sữa nói chung và chăn nuôi bò sữa có sử dụng thức ăn TMR nói riêng đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật, quản lý khá. Khả năng sử dụng vi tính, các hệ thống phần mềm quản lý giống, thức ăn, tính tóan lập khẩu phần… đều phải khá và đồng đều. Từ đó mới có thể kiểm soát, phát hiện và điều chỉnh kịp thời những sai sót trong khẩu phần trộn hỗn hợp, giúp giảm thiểu thiệt hại và tăng hiệu quả chăn nuôi.

 

Quy trình công nghệ sản xuất TMR

 

- Bước 1: Phân loại thức ăn tinh, thô, bổ sung.

 

- Bước 2: Sơ chế các loại thức ăn thô (cắt nhỏ thức ăn thô xanh, nghiền bột các thức ăn thô khô).

 

- Bước 3: Xây dựng khẩu phần cho từng nhóm bò (thường sử dụng chương trình lập trên phần mềm vi tính)

 

- Bước 4: Phối trộn bằng máy

 

- Bước 5: Dùng máy rải thức ăn cho từng nhóm bò.

 

Thức ăn hỗn hợp TMR là loại thức ăn cân đối dinh dưỡng, đáp ứng tối ưu cho nhu cầu dinh dưỡng của bò sữa dựa trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn và xây dựng khẩu phần chính xác cho từng nhóm loại bò. Phương thức chăn nuôi công nghiệp tỏ ra đặc biệt thích ứng với loại thức ăn này.

 

So với phương thức chăn nuôi bò cho ăn riêng lẻ từng loại thức ăn, khi thừa khi thiếu chất dinh dưỡng này hoặc chất dinh dưỡng khác hoặc mất cân đối khoáng và vitamin thì loại thức ăn TMR khắc phục được tất cả các nhược điểm trên một cách hoàn hảo. Đặc biệt với những loại thức ăn TMR có sử dụng hệ đệm khoáng premix giàu Ca, P, Na, K thì hiệu quả rất rõ rệt qua khả năng tăng sản lượng sữa/ chu kỳ của bò vắt sữa. Chất lượng sữa được đảm bảo. Đồng thời bò sữa có nâng cao được sức đề kháng, giảm thiểu tối đa các bệnh về sinh sản.

 

Dù ở các nước tiên tiến có truyền thống chăn nuôi bò sữa lâu đời đã sử dụng công nghệ phối trộn tổng hợp để tạo TMR trong chăn nuôi bò, thậm chí nhiều nước đã có công ty, trạm, hợp tác xã phối trộn sẵn TMR cho nông dân trong làng đến mua về cho bò ăn…, nhưng ở nước ta hiện mới bắt đầu phổ biến TMR, phối trộn từng phần. Các nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến đại trà thức ăn TMR ở trong nước cũng chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do quy mô chăn nuôi bò sữa ở nước ta còn nhỏ, phân tán, nguồn nguyên liệu thức ăn gia súc không ổn định, chi phí đầu tư công nghệ, trang thiết bị cao so với khả năng đầu tư của đa số người chăn nuôi.

 

Vì vậy, để có thể sử dụng công nghệ phối trộn thức ăn hỗn hợp TMR có giá trị dinh dưỡng hoàn hảo cần phải nâng cao quy mô chăn nuôi, hướng tới phát triển công nghiệp hóa chăn nuôi bò sữa, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý, từ công tác giống, chuồng trại, thức ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc, thú y về vệ sinh môi trường.


Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác