Người tiêu dùng sữa
Nhập nhèm sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng
Thực trạng này là một thiệt thòi cho nhiều trẻ em Việt khó được tiếp cận với nguồn canxi dồi dào từ các sản phẩm sữa. Cụ thể, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia.
Giá sữa giảm, nhiều trẻ có cơ hội uống sữa hơn Tín hiệu đáng mừng là giá bán lẻ một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trong tháng 5.2015 đã giảm từ 1 - 5,5% so với tháng trước sau khi Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp loại trừ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành.
Như vậy, tính đến hết tháng 5.2015, đã có 715 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Để tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý về chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1.6.2015 đến hết ngày 31.12.2016.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước về giá đã tăng cường các biện pháp quản lý giá, nhưng so với các thị trường trong khu vực, giá sữa tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Theo số liệu được cung cấp bởi Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao), giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nếu giá bán trung bình sản phẩm sữa bột trẻ em (bước 1 đến bước 4) ở Việt Nam là 16 USD, thì ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines: 12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD và Indonesia chỉ có 9,5 USD. Người Việt còn chọn sữa theo cảm tính dẫn đến bị… ép giá Tại sao lại có sự chênh lệch giá này trong khi mức sống của người Việt so với một số nước trong khu vực cũng còn thấp.
Một số chuyên gia lý giải do hiện tại sữa nguyên liệu đến từ hai nguồn: nội địa và nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng hoạt động chăn nuôi lại phần lớn là manh mún - sản xuất nhỏ, năng suất thấp - vì thế lượng sữa nguyên liệu vẫn không đủ đáp ứng cho công nghiệp chế biến sữa cũng như nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước và phần lớn phải nhờ vào các loại sữa nguyên liệu nhập từ nước ngoài, chủ yếu là từ New Zealand (32%) và EU (30%), Úc (10%) và Mỹ (9%).
Bên cạnh đó, lý do quan trọng do người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của sữa đối với sức khỏe, vì vậy họ sẵn sàng mua những loại sữa “tốt nhất” cho trẻ em.Chính vì nhu cầu và tâm lý đó, các nhà sản xuất rất thuận lợi trong việc định giá. Khi giá tăng, khách hàng thường than phiền nhưng vẫn chấp nhận và mua. Một đặc điểm khác của người tiêu dùng là tâm lý chọn sữa có chất lượng và có thương hiệu, và đôi lúc họ đánh đồng chất lượng với sự nổi tiếng. Các vụ sữa tươi làm từ sữa bột, sữa có chứa melamin, hay sữa không đúng như chất lượng công bố ngoài bao bì... đã làm cho khách hàng cũng như các cửa hàng tẩy chay những loại sữa không rõ nguồn gốc.
Chính vì vậy, sản phẩm của những công ty có tên tuổi, hay nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là những sản phẩm được quảng cáo là sản phẩm chất lượng cao, thường là mục tiêu quan tâm của các bà nội trợ. Khi đã chọn cho mình một loại sữa đáng tin cậy, họ có khuynh hướng trung thành với nó.
Tâm lý chuộng hàng ngoại của khách hàng cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Họ chọn mua sữa ngoại nhập vì tin rằng sẽ tốt và an toàn hơn sữa nội, cho dù hai loại sữa được sản xuất theo cùng một công nghệ. Mập mờ sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng về sữa cũng còn hạn chế nên nhiều nhà sản xuất đã cố tình quảng cáo không đúng về sữa khiến cho người tiêu dùng luôn nghi ngờ khi tiếp cận những loại sữa mới hay những thương hiệu mới. Người mua thường nhầm lẫn các khái niệm sữa tiệt trùng và sữa UHT (ultra heat treatment - sữa được xử lý ở nhiệt độ cao) trong khi cả hai khái niệm này đều được các công ty sữa sử dụng để ám chỉ là sữa tươi. Do đó, một số nhà sản xuất đã tận dụng để quảng cáo các sản phẩm của họ là sữa tươi tiệt trùng và UHT, trong khi một số nhà sản xuất sữa lại sử dụng sữa bột hoàn nguyên để sản xuất loại sản phẩm này.