Người tiêu dùng sữa
Giá sữa sẽ tiếp tục giảm do cắt giảm thuế
Theo lộ trình, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) có hiệu lực, 48,5% dòng thuế hàng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế về mức 0%.
Đối với các dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO. Trong các sản phẩm được xóa bỏ thuế, đáng chú ý là mặt hàng sữa sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 3-5 năm tới.
Cùng với đó, sữa cũng là một mặt hàng được cam kết xoá bỏ thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do ký giữa ASEAN và Úc, ASEAN và New Zealand, trong đó Việt Nam là một thành viên tham gia.
Theo các hiệp định này, lộ trình xoá bỏ thuế quan sữa nhập từ hai thị trường trên vào các nước ASEAN sẽ bắt đầu từ năm 2016-2018. Như vậy, trong 4-5 năm tới, sữa ngoại sẽ có thuế bằng 0% từ Úc, New Zealand và EU. Đây thực sự là tin vui đối với 10 triệu trẻ em đang dùng sữa, vì xóa bỏ thuế sẽ đồng nghĩa với chi phí cấu thành giá hạ, nên cơ hội được mua sữa với giá rẻ hơn đang sớm thành hiện thực.
Hiện nay, sữa ngoại ở Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và cả EU. Ưu đãi về thuế sẽ tạo nên sự cạnh tranh công bằng giữa các khu vực này, và rất có thể, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhâp khẩu sữa từ châu Âu nhiều hơn. Bộ Tài chính cho biết, thuế nhập khẩu sữa từ EU, Mỹ vào Việt Nam hiện đang là 10%, từ New Zealand là 5%.
Cùng với việc xóa bỏ thuế, theo số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, thị trường Việt Nam hiện có hơn 700 mặt hàng sữa đang chịu sự điều tiết theo cơ chế giá trần, kéo dài đến hết năm 2016. Trong đó, có nhiều nhãn hàng sữa châu Âu như các loại sữa bột cho trẻ em Celia, Gallia, Physiolac, Kandy, Nutriben nhập từ Pháp; sữa Aptamil, Hipp từ Đức; sữa Friso, Nan nhập từ Hà Lan...
Thực tế, việc áp giá trần trong thời gian qua dù còn chịu khá nhiều điều tiếng, nhưng rõ ràng mặt bằng chung của giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm đáng kể, mức giảm giá bán lẻ từ 0,1 - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng. Theo số liệu được Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương công bố, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12% - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc, với biên độ giảm từ 30% - 35% so với tháng trước.
Nguyên nhân của việc sữa nguyên liệu giảm được cho là do nguồn cung sữa hiện vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Úc, sản lượng sữa tiếp tục tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014, khiến nguồn cung sữa khu vực này dư thừa, giá sữa giảm mạnh.
Dự báo, nguồn cung sữa sẽ tiếp tục dồi dào cho đến hết năm 2015, đặc biệt áp lực dư cung ở châu Úc sẽ khiến giá sữa thế giới có thể tiếp tục giữ ở mức thấp trong tháng tới.
Trở lại thị trường Việt Nam, mặc dù theo số liệu của ngành Giá là thị trường sữa đã giảm, và thực tế, trong tháng 8-2015, giá sữa và các sản phẩm sữa tiếp tục ổn định so với tháng trước đó, tuy nhiên, giá sữa của Việt Nam vẫn đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới.
Cụ thể, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia
. Nguyên nhân của giá sữa cao thì có nhiều, trong đó không thể không kể đến biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi vậy, câu chuyện giá sữa giảm nhỏ giọt vẫn gây bức xúc cho người tiêu dùng. Vì thế, kỳ vọng giá sữa giảm được đặt ra trong bối cảnh nhiều yếu tố cộng hưởng là có cơ sở.
LỆ THỦY