Kinh tế - Thị trường
Việt Nam nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa mỗi năm
Phát biểu tại “Đối thoại ngành sữa Việt Nam – Hướng tới phát triển bền vững” diễn ra ngày 4/12, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vấn đề tồn tại lớn nhất của ngành sữa Việt Nam (VN) là thiếu nguyên liệu sữa tươi. Hiện lượng sữa sản xuất sử dụng nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, chất lượng sữa chưa được đảm bảo theo yêu cầu do nguồn cung chủ yếu là từ các hộ chăn nuôi nhỏ, có năng suất thấp, sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp là chính.
Đầu vào thiếu nên việc sản chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, đưa VN vào nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm VN nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại chủ yếu là sữa và kem cô đặc pha chế. Trong đó, dòng sữa nước có 70% là sữa hoàn nguyên. Đây là nguyên nhân khiến giá sữa hoàn nguyên đắt hơn sữa tươi sạch.
Ông Dương cho biết, để để hạn chế nhập khẩu nguyên liệu sữa và thúc đẩy phát triển ngành sữa trong nước thì Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công thương sẽ xem xét đặt hạn ngạch cho doanh nghiệp, ví dụ doanh nghiệp phải mua một khối lượng nguyên liệu sữa trong nước nào đó thì mới được nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
“Nếu doanh nghiệp ko chịu phát triển vùng nguyên liệu mà chỉ nhập sữa hoàn nguyên thì sẽ xem xét bàn với Bộ Công thương để đặt ra lượng hạn ngạch nhập khẩu sữa.”
Trên thực tế, ngành bò sữa Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2012 tổng đàn bò sữa của nước ta đạt khoảng 167.000 con với sản lượng sữa đạt khoảng 381.000 tấn, tăng 17% về số lượng con bò và tăng trên 10% về sản lượng so với năm 2011. Đến 01/4/2013 tổng đàn bò sữa đạt trên 174.000 con, sản lượng sữa đạt trên 222.000 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngành bò sữa Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển
Đàn bò sữa Việt Nam tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ 89.700 con, chiếm trên 53% tổng đàn bò sữa cả nước, trong đó thành phố HCM chiếm gần 50% tổng đàn. Các tỉnh có đàn bò sữa lớn nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Sơn La, Hà Nội, Long An, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, và Bình Dương.
Điều này chứng minh rằng đầu tư vào giống, công nghệ và dinh dưỡng trong chăn nuôi bò sữa sẽ quyết định thành công ngay trên những vùng khí hậu ấm nóng như Đông Nam Bộ chứ không nhất thiết là chỉ ở vùng cao như Mộc Châu (Sơn La). Chúng ta hoàn toàn có thể chuyển những diện tích trồng trọt ven sông Hồng, sông Mã sang trồng cỏ nuôi bò.
Bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước trên đầu người hiện nay là 4,2 kg, chiếm khoảng trên 26% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm. Nếu bình quân sữa tiêu dùng đầu người năm 2000 là 8kg sữa/năm thì năm 2008 là 14,8kg/người và năm nay là 16kg sữa các loại/người, thấp so với các nước trong khu vực như TQ (25 lít), Thái Lan (35 lít), nên thị trường sữa của ta còn rất lớn.
Cũng theo ông Dương, năng suất bò sữa VN đạt 4.600 kg/chu kỳ, cao nhất khu vực ASEAN, cao hơn Thái Lan, TQ (chỉ hơn 4.000 kg/chu kỳ), nhiều doanh nghiệp đã đạt 6.000-8.000kg/chu kỳ, tương đương với các nước phát triển như Hà Lan, Đài Loan, Israel. Tuy nhiên tính trung bình thì năng suất sữa của Việt Nam chỉ bằng hơn 50% của thế giới.
Ông Sử Thanh Phong, Khoa thú Y, ĐH Nông Nghiệp Hà Nội cho rằng: Ngành sữa chỉ phát triển khi số lượng người chăn nuôi bò sữa giảm và số lượng đầu bò sữa/trang trại tăng vì với số lượng cao thì họ mới áp dụng KHCN và công nghệ cao vào chăn nuôi. Nên duy trì quy mô nông hộ với trên 40 con bò bởi khi áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi bò sữa, chỉ người có nhiều tiền mới làm được. Hiện nay quy mô 3-5 con bò sữa/nông hộ là quá nhỏ, và sắp tới tăng lên 10-15/hộ vẫn không đảm bảo sản xuất bền vững.
Theo đại diện của tổ chức Fresh Studio (Hà Lan), để đạt được mục tiêu sản xuất 1 tỷ lít sữa vào năm 2020, tăng từ 0,42 tỷ lít năm 2011 thì mỗi năm nước ta phải sản xuất thêm hơn 60 triệu lít nguyên liệu. Đây quả là thách thức cho ngành sữa.
Để đạt được mục tiêu trên cần tăng năng suất sữa bằng cách chọn giống phù hợp với Việt Nam và áp dụng kỹ thuật công nghệ phù hợp với nông hộ nhỏ; đồng thời tăng số lượng bò sữa bằng cách khuyến khích thêm nông dân tham gia vào chăn nuôi bò sữa và mở rộng quy mô trên mỗi trang trại. Điều quan trọng là làm sao tăng sản lượng sữa không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng sữa và an toàn vệ sinh sữa.
Thảo Nguyên