Kinh tế - Thị trường

Vinamilk đạt nhiều điểm sáng trong xuất khẩu sữa

Doanh thu xuất khẩu sữa 6 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 37%, tiếp nối đà tăng từ 2023, đóng góp tích cực cho hoạt động của Vinamilk.

 Đến nay, ông lớn ngành sữa đã có hơn 26 năm đưa sản phẩm ra nước ngoài, tổng kim ngạch lũy kế đạt hơn 3,3 tỷ USD, với hơn 300 mã sản phẩm thuộc các ngành hàng sữa đặc, sữa bột, sữa chua. Đơn vị liên tiếp gia tăng thị trường xuất khẩu, sản phẩm đa dạng, đạt nhiều tiêu chuẩn của thế giới, khẳng định sữa "made in Vietnam" có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

 

Theo doanh nghiệp, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh quốc tế là kết quả của quá trình xúc tiến thương mại, tăng hiện diện thương hiệu, tìm kiếm cơ hội và phát triển nhóm khách mới.

 

Nói rõ hơn về chiến lược này, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế là hoạt động thường kỳ. Tại đây, doanh nghiệp tập trung giới thiệu với các đối tác về sản phẩm, dịch vụ.

 

"Nhiều đối tác bất ngờ khi biết Việt Nam có thể làm được các sản phẩm sữa với hàng loạt các tiêu chuẩn cao, thơm ngon và giá lại rất cạnh tranh", ông Hiếu nói.

 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trong danh sách 61 thị trường xuất khẩu của Vinamilk, xuất hiện nhiều cái tên mới đến từ khu vực châu Đại dương, Nam Mỹ hay châu Phi. Bên cạnh thị trường mới, các đối tác chiến lược, hợp tác lâu năm được doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu. Đơn cử như tại Trung Đông, nơi có các đối tác đã làm việc với Vinamilk 10-20 năm.

 

Từ một sản phẩm xuất khẩu đầu tiên là sữa bột trẻ em Dielac, đến nay Vinamilk đã phát triển gần 400 loại sản phẩm ra thị trường quốc tế. Mới đây, đơn vị đã xuất khẩu sữa chua ăn sang thị trường Mỹ, ngay sau khi đạt được chứng nhận của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho sản phẩm này.

 

Trong hoạt động xuất khẩu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm luôn là hàng rào lớn nhất với mọi thị trường, nhất là với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống. Nhiều quốc gia lại có các hệ tiêu chuẩn đặc thù, đây cũng là rào cản mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua.

 

Lợi thế để "mở khóa" thị trường của Vinamilk là hệ thống 13 nhà máy đạt các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ xuất khẩu. Một số tiêu chuẩn nổi bật như: FSSC 22000 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý an toàn thực phẩm quốc tế - Hà Lan), BRC (Tiêu chuẩn Anh), Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SMETA, FDA (Mỹ), Tiêu chuẩn cho các quốc gia Hồi giáo HALAL, Organic EU (Tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu), GMP (hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Mỹ).

 

Ông Mai Bá Dũng, Giám đốc nhà máy Sữa Sài Gòn (Vinamilk) cho biết, nơi đây sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi những thị trường "khó tính" là Australia và New Zealand. Nhà máy đáp ứng 683 triệu sản phẩm lạnh phục vụ xuất khẩu mỗi năm, quy trình kiểm soát gồm hơn 9 tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

 

"Với đặc thù là nhà máy sản xuất sản phẩm lạnh, chúng tôi đầu tư từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, chế biến, đến hệ thống các kho lạnh thông minh, cảm ứng nhiệt độ... Các yếu tố này đảm bảo điều kiện bảo quản, giúp sản phẩm có chất lượng tốt nhất", ông Dũng nói.

 

Ông Inam Ahmad Zia Ahmad, đối tác của Vinamilk tại khu vực Trung Đông, cho biết "ấn tượng" khi đến thăm nhà máy sản xuất sữa bột trẻ em của Vinamilk. Ông nhận xét quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra đều được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và tự động hóa. Ông cũng đánh giá cao các loại bao bì thân thiện với môi trường của Vinamilk. Các vỏ hộp sữa thường được người tiêu dùng tái sử dụng rất nhiều tại thị trường Trung Đông.

 

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác