Kinh tế - Thị trường
Trang trại châu Âu nơi miền Tây xứ Nghệ
Điều “lạ ùng” trên đất miền Trung
Một khung cảnh rất “Tây”, rộng lớn, thoáng đãng và đẹp lạ lùng thường chỉ thấy trên phim ảnh xứ Âu - Mỹ, nay bỗng hiện hữu nơi vùng quê thuần nông miền Trung đầy nắng gió đã thực sự hút hồn du khách qua lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi bên sông Sào, một cảnh tượng chưa từng có ở nơi đây: Từng đôi trai thanh gái lịch nô nức tới thưởng ngoạn và chụp ảnh bên cánh đồng hoa hướng dương vàng rực trải dài tít tắp nơi miền Tây xứ Nghệ (Nghĩa Đàn). Xen kẽ với hoa hướng dương là bạt ngàn cao lương, cỏ và ngô lai giống Mỹ xanh mướt mát. Những cánh tay tưới nước tự động khổng lồ dài tới nửa cây số chốc chốc lại vừa dịch chuyển, vừa phun nước, tịnh không thấy một bóng người.
Các giống cỏ trồng tại đây đều được nhập khẩu từ Nam Mỹ và rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất Tây Bắc Nghệ An, cho doanh thu trung bình tới hàng tỷ đồng/ha/năm. Hàng ngàn ha cánh đồng nói trên đều được đồng bộ vào hệ thống bản đồ và google map để định hướng di chuyển tối ưu cho máy canh tác công suất lớn.
Toàn bộ việc gieo trồng, chăm bón và thu hoạch sử dụng công nghệ làm nông tiên tiến hàng đầu thế giới - công nghệ Israel. Tất cả các công đoạn từ lúc làm đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước cho tới thu hoạch đều được thực hiện bằng máy với mức độ tự động hóa rất cao. Máy xới đất, làm cỏ, vun gốc với bề rộng làm việc 7 hàng của Israel. Máy gieo hạt của Mỹ và Pháp; máy bón phân của Tây Ban Nha…
Để tưới nước tiết kiệm và tối ưu nhất cho cả ngàn ha đã có hệ thống tưới nước được lập trình tự động của hãng PIVOT, cho phép tưới theo nhu cầu cây trồng và độ ẩm đất mong muốn. Tới mùa gặt đã có các máy thu hoạch đa năng với năng suất lên tới 1,5 tấn mỗi phút. Sở dĩ phải kể chi tiết đến vậy, để bạn đọc hình dung một cách tường tận sức người đã được giải phóng thực sự trên đồng đất Việt nơi đây ra sao.
Nhìn những chiếc máy thu hoạch ngô, hướng dương hay cao lương chạy băng băng trên cánh đồng rồi nhả vào thùng chiếc xe tải chạy đồng bộ bên cạnh nguyên liệu đã được nghiền mịn, tôi lại nhớ tới cảnh tượng y hệt thế này khi tới thăm trang trại của một “lão nông” Mỹ chính hiệu vào năm 2008. Anh là Brad Tucker, nông dân Mỹ đời thứ 5 của dòng họ Tucker ở ngoại ô thị trấn Paris (bang Illinois). Chỉ một mình Brad làm nông mà dư dả nuôi vợ và 2 con, nhà đẹp như biệt thự ở ta.
Khi ấy, ngồi trên chiếc máy thu hoạch ngô tối tân của người nông dân Mỹ, tôi thầm ước ao bao giờ nền nông nghiệp Việt hiện đại và hiệu quả cao đến vậy? Thật bất ngờ, chỉ sau đó có dăm năm, trên mảnh đất miền Trung vốn nghèo khó của Việt Nam đã xuất hiện những trang trại rộng gấp hàng chục lần của gia đình Brad Tucker, với công nghệ còn hiện đại hơn.
Những bánh cỏ khô được máy thu hoạch nén chặt lại nằm rải rác trên đồng cỏ rộng lớn vừa thu hoạch trên đất Nghĩa Đàn này, khiến người ta liên tưởng tới khung cảnh của những cánh đồng lúa mỳ sau mùa gặt tại Đức và nhiều nước châu Âu khác… Hóa ra, trong thời đại thế giới phẳng này, không có gì là không thể! Một cơ chế tốt, một ý tưởng mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể ngay lập tức biến một vùng đất nghèo khó với “con trâu đi trước, cái cày theo sau” từ ngàn đời thành một trang trại “kiểu Mỹ”, một cánh đồng “kiểu Đức” với tốc độ chóng mặt.
Bên trong “nhà bếp” cho bò
Đàn bò sữa cả nước hiện có khoảng 170 ngàn con thì riêng TH có tới 45 ngàn con giống New Zealand, trong đó có 45-50% bò cho sữa thường xuyên với sản lượng bình quân 30- 40 lít/con/ngày. Mỗi tháng ở trang trại này cho ra đời 1.500-2.500 con bê. Những cánh đồng hàng chục ngàn ha kể trên chính là nguồn cung cấp thức ăn cho đàn bò khổng lồ này. Mỗi ngày tại Trung tâm chế biến thức ăn hay còn gọi là khu “nhà bếp” của bò, 700 tấn thức ăn thành phẩm được ra lò phục vụ cho 45 ngàn con bò ấy. Đoàn nhà báo chúng tôi có mặt tại “nhà bếp” cho bò, trong phòng điều khiển tự động để quan sát công đoạn phối trộn thức ăn trên máy vi tính, mới thấy khẩu phần dinh dưỡng cho bò cũng lắm công phu.
Thức ăn cho bò được chia thành 4 loại khác nhau. Thức ăn thô đã ủ chua dùng công nghệ ủ yếm khí, bao gồm các loại như ngô, cây cao lương, bã mía, rơm tươi, bã sắn và cỏ ghi nê Mombasa, cỏ Alfalfa… Riêng loại cỏ Alfalfa - một loại cỏ ngọt có mùi thơm, độ đạm lên tới 22% giúp bò tiết sữa nhiều hơn - anh Ngô Huy Hân, Chánh VP Cty cổ phần sữa TH tiết lộ, hiện công ty vẫn phải nhập. Còn 50 ha cánh đồng hoa hướng dương ngoài kia sẽ được nghiền nhỏ cả cây lẫn hoa và trở thành món “khoái khẩu” lạ miệng cho các nàng bò sữa với hàm lượng protein tăng từ 6 đến 16% so với ngô.
Các kỹ sư chăn nuôi của TH bật mí, đây chính là một trong những bí quyết giúp đàn bò TH cho dòng sữa tươi, sạch dồi dào mang hương vị tinh túy riêng có. Mọi công đoạn trong “nhà bếp” cho bò đều được thực hiện tự động hóa qua phần mềm có tên gọi One-One của Israel.
Anh Hân cũng cho biết, từ khi có đàn bò sữa TH, rơm sau mùa gặt của nông dân quanh vùng đều được trang trại thu mua, không phải đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường như nhiều nơi khác. Riêng năm ngoái lượng rơm thu mua lên tới 30 tỷ đồng. Để phục vụ nước uống cho 45 ngàn con bò, mỗi một cụm trại có một nhà máy nước hiện đại với công nghệ lọc nước Amiad tối tân công suất 3.000m3/ngày đêm bên dòng sông Sào.
Dòng nước sạch và tinh khiết này đảm bảo tiêu chuẩn cho cả bò và người cùng sử dụng. Ngoài ra mỗi cụm trại cũng có một nhà máy xử lý nước thải hiện đại công suất 1.500m3/ngày đêm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Bò tắm mát, nghe nhạc và… xếp hàng đi vắt sữa
Bò tại trang trại TH được đeo chip điện tử có tên Afitag vào chân từng con. Chip này không đơn thuần làm nhiệm vụ nhận diện từng con bò, mà chúng còn đo được một loạt các thông số khác như trọng lượng, số bước chân bò di chuyển trong ngày, qua đó biết được con bò nào khỏe hay yếu, có trong chu kỳ động dục hay không.
Tất cả các thông tin này cùng với các thông số trong quá trình vắt sữa đều được truyền về trung tâm và hệ thống máy chủ. Máy tính sẽ phân tích và đưa ra quyết định con bò đó có được chấp nhận vắt sữa hay không.
Hệ thống này còn có khả năng phát hiện sớm bệnh viêm vú của bò trước 4 ngày, đảm bảo dòng sữa sạch không bị nhiễm máu và mủ từ tuyến vú bị viêm. Có tận mắt thấy cảnh đàn bò TH được tắm mát, được sấy khô, rồi tự giác xếp hàng đi vắt sữa trong tiếng nhạc du dương mới thấy câu nói cửa miệng “ngu như bò” có lẽ phải xem lại.
Hóa ra, bò cũng biết tự giác xếp hàng lần lượt, tuyệt nhiên không hề chen lấn xô đẩy nhau, chúng lần lượt vào vị trí vắt sữa theo thứ tự một cách gọn gàng, ngăn nắp và đều tăm tắp. Từng đàn bò mỗi đợt đúng 120 con từ chuồng của mình xếp hàng ngay ngắn đi vào khu vắt sữa tự động, tìm đúng đến lượt ô của mình, 4 núm vú chân không lần lượt chụp vào.
Sau khi vắt xong, hệ thống vắt sữa tự mở ra và bò lại tự đi về chuồng của mình một cách trật tự, hàng ngũ chỉnh tề y như lúc đi vậy. Điều lạ là, toàn bộ quá trình kể trên diễn ra trong một không gian chỉ có bò với bò, không hề có sự can thiệp hay có mặt của con người. Tôi chợt nghĩ, vị nào có thói quen xấu hay “chen ngang”, hay láu cá kiểu “đi tắt đón đầu” mà một lần được tới trang trại bò TH này sẽ tự cảm thấy xấu hổ, không chừng lại sửa được một thói quen kém văn minh trong cuộc sống.
Đổi mới lần 2 của nền nông nghiệp Việt Nam
Sữa sau khi được vắt tự động được kiểm tra chất lượng rồi theo hệ thống ống lạnh chảy vào bồn chứa trung gian, qua bộ phận lọc đặc biệt rồi làm lạnh xuống dưới 4 độ C, tiếp đó được chuyển qua xe bồn bảo ôn để tới thẳng nhà máy chế biến sữa TH Mega (công suất 500 triệu lít sữa/năm) cách đó khoảng chục cây số.
Đây là nhà máy sản xuất và chế biến sữa tươi sạch hiện đại và lớn nhất châu Á hiện nay cả về quy mô lẫn công nghệ. Như vậy, kể từ khi sữa được vắt ra từ bầu vú của bò cho đến khi sữa tới tay người tiêu dùng không hề có một chút không khí nào lọt vào.
Điều đó có nghĩa là các vi khuẩn có hại không thể thâm nhập vào sữa, các sản phẩm sữa được chế biến nơi đây luôn tươi sạch và vẹn nguyên hàm lượng dinh dưỡng là vì thế. Đó chính là sự khác biệt giữa chăn nuôi bò sữa tại trang trại tập trung và nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình, sự khác biệt giữa sữa tươi đích thực và sữa nước làm từ sữa bột.
Một dây chuyền khép kín, từ việc trồng vùng nguyên liệu để làm thức ăn cho bò, tạo giống bò, nuôi bò, vắt sữa cho đến chế biến sữa đã hình thành trên quy mô công nghiệp, với sự ứng dụng thành công hàng loạt công nghệ cao hàng đầu thế giới như sinh học, tin học hóa, tự động hóa
Được biết từ khi trang trại bò sữa mọc lên nơi đây, các em nhỏ của 4 trường tiểu học ở 4 xã quanh vùng này cứ đều đặn mỗi tuần 2 lần được uống sữa tươi miễn phí do chính tay các cán bộ nhân viên TH mang đến. Từ một Nông trường 19-5 nghèo nàn với cách làm cũ, tư duy cũ còn vương vấn từ thời bao cấp, chỉ sau dăm năm vẫn đồng đất ấy nay đã thay da đổi thịt, đã thành một cụm trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á.
\Vẫn con em những người nông dân ấy, nay đã bấm nút điều khiển máy móc nhoay nhoáy, đã tự tin làm chủ toàn bộ dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Tổng thống Israel, ngài Simon Peres khi tới thăm nơi đây nhận xét: “Dự án TH true MILK đã khởi xướng ra một cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam và khu vực”.
Đúng như ông Peres nói, nhưng với một đất nước xuất phát điểm là thuần nông như Việt Nam, thành công của dự án này còn gợi mở ra biết bao điều mới mẻ về con đường đi lên cho nông nghiệp nước nhà. Nếu coi “khoán 10” là cuộc Đổi mới lần thứ nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam, thì ắt hẳn việc làm nông quy mô lớn với một quy trình khép kín từ trồng trọt tới chăn nuôi rồi chế biến đạt đẳng cấp quốc tế, đi thẳng vào công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, sẽ phải là cuộcĐổi mới lần hai.
Và TH chính là một trong những đơn vị khởi xướng, lĩnh ấn tiên phong trong lần Đổi mới này. Đến hôm nay, khi hàng loạt tập đoàn tư nhân Việt khác tuyên bố đầu tư mạnh vào nông nghiệp trên quy mô lớn, cho thấy một hướng đi đúng đắn, một thế mạnh nông nghiệp tiềm tàng đã được khơi thông.