Kinh tế - Thị trường
Thị trường sữa tươi: “Lập lờ đánh lận con đen”
Người tiêu dùng đang uống sữa “giá tươi”!
Chỉ khi báo chí đề cập đến khái niệm sữa tươi và sữa hoàn nguyên thì người tiêu dùng (NTD) mới đặt câu hỏi thế nào là sữa tươi sạch, thế nào là sữa thanh trùng, tiệt trùng? Có gì khác nhau giữa các loại sữa này?
Có thể thấy rằng, trên thị trường hiện nay đang tràn lan những loại sữa bột không rõ nguồn gốc, đóng trong các túi nilon tạm bợ, không tem mác, không rõ thành phần, xuất xứ và không hạn sử dụng được bán công khai tại các chợ. Không chỉ sữa bột, sữa tươi đang được bày bán trên thị trường cũng trong tình cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Sự thiếu minh bạch thông tin trên bao bì sản phẩm khiến NTD phải uống sữa “giả tươi” từ sữa hoàn nguyên trong một thời gian dài.
Theo Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, sự mất niềm tin vào thị trường sữa nội không chỉ dừng lại ở loại sữa “giả tươi” mà kể cả là sữa tươi.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, nước ta thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế. Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập và chất lượng không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên, sữa pha đôi khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch. Thực tế phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, và Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.
Phải chuẩn từ khâu chăn nuôi
Sữa tiệt trùng còn gọi là sữa hoàn nguyên là sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi để thiết lập lại tỉ lệ nước và chất khô thích hợp.
Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi nguyên chất thanh trùng được chế biến từ sữa tươi, không bổ sung bất kỳ thành phần nào của sữa, phụ gia đã được thanh trùng, tiệt trùng. Sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng được làm chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, có thể bổ sung đường, nước quả, ca cao…
Hiện nay, nhiều DN đã lợi dụng sự lập lờ này để đánh tráo khái niệm về sản phẩm khiến NTD bị nhầm lẫn, không biết sữa nào là sữa tươi sạch, từ đó hoang mang không biết nên tin dùng loại nào.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166,99 ngàn con, trên 120 ngàn con đang nuôi chủ yếu tại các nông hộ, quy mô 5 -7 con/hộ, năng suất sữa thấp và tận dụng các sản phẩm phụ trong trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu chưa đảm bảo. Với nhiều DN thu mua từ hộ nông dân, mặc dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao, nhưng vẫn có từ 20 - 50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, chúng ta chưa quy hoạch đồng bộ và chưa xây dựng được quy chuẩn cho ngành chăn nuôi bò sữa, cụ thể hóa tiêu chuẩn về chăn nuôi bò sữa trên dây chuyền công nghệ cao. Như vậy, câu hỏi đặt ra là sữa nguyên liệu, sữa tươi như thế nào là tốt nhất? Các chuyên gia quốc tế cùng các nhà quản lý trong nước đã nhận định, con đường tạo ra sự phát triển bền vững của ngành sữa và chăn nuôi bò sữa Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khẳng định, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những yếu tố tiên quyết cho định hướng phát triển sữa tươi sạch toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển chăn nuôi bò sữa của Việt Nam phải thực sự chuyển sang giai đoạn mới, phải có bước đột phá về phương thức và quy mô chăn nuôi./.