Kinh tế - Thị trường
TPP ảnh hưởng thế nào đến ngành sữa Việt Nam?
Đây là chia sẻ của TS. Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hanoimilk trong Tọa đàm trực tuyến “TPP ảnh hưởng thế nào đến ngành sữa và Hanoimilk?”
Sữa Việt đủ sức cạnh tranh quốc tế
- Được biết Hanoimilk đang trong quá trình triển khai trang trại trồng cỏ nuôi bò sữa, trong khi đó ngành chăn nuôi lại bị ảnh hưởng không nhỏ khi Hiệp định TPP được ký kết. Vậy doanh nghiệp đã có phương án dự phòng gì trước tác động này chưa, thưa ông?
Nhiều người Việt Nam thích uống sữa tươi do vậy nhu cầu về sữa tươi của người Việt còn rất lớn. Sữa tươi sau khi vắt sữa cần được bảo quản lạnh và chế biến trong 24h, do vậy các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó vận chuyển sữa tươi vào Việt Nam để cạnh tranh.
Vì vậy, mặc dù ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi ký kết TPP nhưng riêng chăn nuôi bò sữa thì không bị ảnh hưởng nhiều, trái lại còn có cơ hội nhập khẩu thức ăn và giống tốt với thuế nhập khẩu về 0%.
Tuy vậy, vẫn cần đề phòng cạnh tranh với sữa thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Chúng tôi dự kiến sử dụng nguồn sữa tươi tự nhiên từ trang trại để sản xuất sữa chua, sữa nước, sữa thanh trùng là các dòng sản phẩm cần phải bảo quản lạnh trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, các DN nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh các dòng sản phẩm này.
- Nhận xét của ông về thị trường sữa Việt Nam hiện tại, theo ông các doanh nghiệp sữa nội như Hanoimilk, Vinamilk có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp sữa ngoại không? Nhất là khi TPP được ký kết thì sữa ngoại còn có nhiều cơ hội hơn?
Thị trường sữa Việt Nam có quy mô rất lớn, sau thời gian dài phát triển và tăng trưởng liên tục, phần lớn các DN sữa Việt đã đủ lớn mạnh sánh ngang tầm các công ty sữa quốc tế. Sau khi gia nhập TPP ngành sữa sẽ là một trong số ít ngành có DN Việt đủ khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài.
Không thể chủ quan, song với sự am hiểu thị trường, trình độ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế và với tổng mức đầu tư của ngành sữa lên tới nhiều tỷ USD cho các nhà máy, trang trại, hệ thống phân phối, thương hiệu... như hiện nay, không thể có chuyện các DN sữa trong nước bị co cụm mà thậm chí còn lớn mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài.
DN nội có thể làm chủ trên sân nhà
- Các sản phẩm sữa của Hanoimilk sẽ gặp ảnh hưởng gì khi TPP chính thức có hiệu lực?
Sau khi gia nhập TPP, ngành sữa trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Theo đó, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em.
Với những sản phẩm khác như sữa tươi, sữa nước, sữa chua... doanh nghiệp sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên sân nhà. Đây cũng là các dòng sản phẩm chính mà Hanoimilk đang sản xuất. Do vậy các sản phẩm chính của chúng tôi sẽ ít bị ảnh hưởng sau khi gia nhập TPP.
- Tôi có cô con gái 4 tuổi, con tôi chỉ thích uống sữa của New Zealand chứ nhất định không chịu uống sữa nội vì nó bảo “sữa ngoại thơm hơn”. Ở Việt Nam các vị còn cạnh tranh trầy trật, liệu những công ty sữa nội có sức mà giành giật thị phần trước hàng bơ sữa của những công ty nổi tiếng toàn cầu đến từ New Zealand và Úc?
Chúng tôi không phủ nhận chất lượng của các hãng sữa ngoại nổi tiếng, nhưng xin lưu ý rằng: Do mức thu nhập bình quân ở nước ta chưa cao nên phần lớn các hãng sữa nước ngoài định vị sản phẩm cho thị trường Việt Nam là phân khúc giá rẻ.
Với giá cạnh tranh tại Việt Nam, sau khi trừ đi các chi phí vận chuyển, bảo quản, đặc biệt là quảng cáo và bán hàng… thì các hãng sữa ngoại sẽ không còn nhiều chi phí để đầu tư đủ hàm lượng dinh dưỡng và vi chất cần thiết có trong từng hộp sữa cho con bạn.
Chúng tôi cạnh tranh bằng cách hợp tác cùng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia để nghiên cứu và cung cấp những hộp sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế và có thành phần dinh dưỡng, vi chất và khoáng chất phù hợp tối ưu với trẻ em Việt hơn so với sữa ngoại. Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia đã thực hiện nghiên cứu trong phạm vi toàn quốc và cho kết quả 87%- 95% số cháu được hỏi đánh giá sữa IZZI S+ của chúng tôi là rất ngon và ngon hơn sữa khác.
- Khi tham gia TPP, giá sữa trong nước sẽ có điều chỉnh gì không?
Nhà máy khi mua sữa từ các hộ chăn nuôi có điều chỉnh giá mua theo không? Khi tham gia TPP thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm từ 5% về 0% chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5% - 1%.
Trong khi đó các chi phí sản xuất khác vẫn đang tăng nên giá sữa trong nước khó có thể giảm. Việc điều chỉnh giá thu gom sữa tươi từ các hộ chăn nuôi có thể xảy ra, nhưng đây là câu chuyện khác không liên quan đến TPP. Hiện tại các Công ty sữa cạnh tranh đẩy giá thu gom sữa tươi lên khá cao khoảng trên 14.500 đồng/lít.
Dự báo, trào lưu các doanh nghiệp sữa và các đại gia nhảy vào đầu tư trang trại với quy mô hàng ngàn và hàng chục ngàn con bò sữa sẽ làm tăng nhanh nguồn cung sữa tươi trong ngắn hạn và sẽ điều chỉnh giảm giá thu gom sữa tươi.
Nguyễn Thảo