Kinh tế - Thị trường
Sữa thế giới giảm giá, sao trong nước vẫn neo cao?
Cần công khai giá nguyên liệu
Hiện, mặt hàng sữa được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường Việt Nam là sữa nước. Sữa nước gồm 2 loại: Làm bằng sữa tươi từ bò sữa trong nước (được gọi là sữa tươi tiệt trùng) và loại được pha chế từ sữa bột nhập khẩu (sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên). Loại sữa đang tạo lợi nhuận lớn cho các đại gia ngành sữa chính là loại thứ hai (được pha chế từ sữa bột nhập khẩu về từng container).
Theo thông tin từ Global Dairy Trade (tổ chức thương mại sữa toàn cầu, chuyên tổ chức đấu giá sữa quốc tế), từ đầu năm 2014 đến nay, giá sữa bột giảm kỷ lục. Giá đầu năm 2014 là 5.000 USD/tấn, nay xuống dưới 2.500 USD/tấn; cá biệt, cuối tháng 12/2014, sữa bột rớt xuống còn hơn 2.200 USD/tấn. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột (chưa bổ sung đường hoặc các chất dinh dưỡng khác) vào đầu năm 2014 giá 12.000 đồng/lít; hiện nay còn khoảng 6.300 đồng/lít.
“Sữa bột là loại sữa mà người ta không dùng hết trong mùa đông nên làm thành sữa khô và dẫn đến những vi chất quan trọng như canxi, photpho, các vi chất quan trọng, axit amin, vitamin đều bị giảm đáng kể. Sữa bột pha lại mà thị trường Việt Nam quen gọi sữa hoàn nguyên, dù bổ sung các vi chất dinh dưỡng cũng không tốt bằng sữa tươi”.
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang
Khảo sát của PV Tiền Phongcho thấy, giá bán các loại sữa nước pha ra từ sữa bột đang cao gấp nhiều lần giá gốc. Chẳng hạn, ngày 27/1, tại siêu thị Metro (Hà Nội), sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan 20+ (gồm sữa bột, nước và các dưỡng chất bổ sung) loại 1 lít có giá 28.700 đồng (khuyến mại còn 27.500 đồng/lít); sữa tiệt trùng ADM+ (có bổ sung dưỡng chất) loại 180ml giá 25.900 đồng/4 hộp (tương đương gần 36.000 đồng/lít). Tại siêu thị Fivi Mart (quận Hoàng Mai - Hà Nội), sữa tiệt trùng có đường của Dutch Lady loại 220 ml được bán với giá 6.200 đồng/bịch (tương đương hơn 28 nghìn đồng/lít).
Hầu hết khách hàng được hỏi đều không biết đến việc giá sữa bột nguyên liệu giảm mạnh. Chị Nguyễn Thị Hằng (Sài Đồng - Long Biên) cho hay: “Giá nguyên liệu là bí mật riêng của các DN sữa; chúng tôi không biết được. Từ gần 1 năm nay, giá sữa tôi mua về uống không có gì thay đổi”.
Gần đây, với các biện pháp bình ổn giá của Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Y tế; giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được kéo giảm một phần (từ 0,3 đến 34%). Trong khi đó, đa phần các loại sữa nước được bán hiện nay với số lượng đặc biệt lớn lại không thuộc diện bình ổn giá.
Thống kê cho thấy, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 914 triệu lít sữa nước (trong đó 70% là sữa hoàn nguyên). Vì thế, với việc bán gấp 5 lần giá nguyên liệu gốc như trên, dù kinh tế đất nước khó khăn, nhiều “đại gia” ngành sữa, đặc biệt là các hãng nhập sữa bột về pha lại vẫn lãi lớn.
Vì đâu nông dân đổ bỏ sữa?
Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về hiện tượng một nông dân nuôi bò cho Dalat Milk ở Lâm Đồng phải đổ sữa tại trạm thu mua. Báo Tiền Phong cũng phản ánh hiện tượng nông dân tại xã Phù Đổng, Dương Hà (Gia Lâm - Hà Nội) đứng trước nguy cơ vắt sữa bò đổ đi hay cho lợn uống.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này chính là việc các DN sữa đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của sữa bột giá rẻ từ thế giới. “Sữa bột sau khi pha ra có giá khoảng 6.300 đồng/lít; trong khi giá sữa tươi của nông dân trong nước là 13.000 đồng/lít. Đứng trước sự lựa chọn đó, DN thích mua sữa bột hơn là sữa tươi của nông dân” - ông Vang nói.
Theo ông Vang, trong cơ chế thị trường, không ai cấm DN nhập sữa bột. Tuy nhiên, việc mỗi năm, nước ta đang mất hơn 1 tỷ USD để nhập sữa bột, nhưng nông dân đổ sữa là hiện tượng nghịch lý. Để giải quyết vấn đề này, cần sớm lập hội đồng quốc gia về sữa gồm 4 nhà (đại diện nhà nước, nhà chế biến, hội bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất sữa tươi nguyên liệu). Hội đồng này sẽ đứng ra điều tiết giữa các bên như cấp hạn ngạch nhập sữa bột; hướng dẫn cho nông dân chăn nuôi theo kế hoạch.
Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) Tống Xuân Chính cũng cho rằng, hiện tượng nông dân đổ sữa ra đường hiện nay là phản cảm, có nguyên nhân từ việc các DN sữa ham rẻ, nhập nhiều sữa bột, quay lưng lại với nông dân. Theo ông Chính, việc Bộ Y tế cho phép các DN sản xuất sữa nước từ sữa bột ghi trên bao bì là sữa tiệt trùng thay vì một khái niệm khác rõ ràng hơn (như sữa hoàn nguyên) đang làm người tiêu dùng nhầm lẫn.