Kinh tế - Thị trường

Sữa nội đang lấn lướt sữa ngoại

Sản lượng sữa trong nước tăng nhanh đã khiến kim ngạch nhập khẩu giảm và tạo nên một tín hiệu đáng mừng

 Nhập khẩu ngày càng giảm

 

Tỷ trọng nhập khẩu các sản phẩm sữa ngày càng giảm khi các công ty sữa nội địa mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu trong nước. Kết thúc năm 2017, ngành sữa đạt doanh thu 100.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016 theo thống kê của Hiệp hội Sữa Việt Nam. Động lực chính đến từ mảng sữa bột và sữa nước khi chiếm 75% tăng trưởng doanh thu cả ngành.

 

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng này được giữ vững nhiều năm nay. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sữa tại Việt Nam vẫn chưa thay đổi nhiều.

 

Về cơ cấu sản xuất, tỷ trọng nhập khẩu các sản phẩm sữa ngày càng giảm khi các công ty sữa nội địa mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu trong nước. Theo báo cáo của công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, Vinamilk vừa nâng công suất nhà máy sữa từ 400 triệu lít/năm lên 600 triệu lít/năm và sẽ tiếp tục tăng lên 800 triệu lít/năm trong năm 2018.

 

VDSC cho biết năm 2017, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm sữa dù tăng 2% lên 868 triệu USD nhưng chỉ chiếm 19% tổng giá trị cả ngành hàng, thấp hơn so với số liệu của năm 2016. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất trong nước tăng cường mở rộng các trang trại để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

 

Nâng cao chất lượng để cạnh tranh

 

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các thực phẩm có chất lượng cao, các công ty trong ngành lựa chọn phát triển những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, điển hình như sản phẩm sữa organic của Vinamilk. Ngoài ra, phát triển các sản phẩm sữa thay thế có nguồn gốc từ thực vật cũng là một hướng đi mới và được các công ty trong ngành nắm bắt như Đường Quảng Ngãi với sản phẩm sữa đậu nành mè đen, trà xanh hay CTCP Sữa Quốc Tế (IDP) với sản phẩm sữa bắp.

 

Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và cạnh tranh với các công ty trong nước và các tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam, những năm gần đây, Vinamilk chú trọng phát triển trang trại bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi. 


Hiện tại, các thị trường truyền thống của Vinamilk chủ yếu ở khu vực Trung Đông và ASEAN, Công ty đang tiếp tục khai phá thị trường châu Phi và tham vọng vào được các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản và Canada.
Vinamilk cũng hoàn tất thâu tóm Driftwood của Mỹ để đưa 2 sản phẩm là sữa đặc và creamer đặc ra thị trường mang thương hiệu Driftwood, liên kết với Miraka sản xuất sữa tại New Zealand và thành lập Công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan.

 

NutiFood bắt đầu thay đổi cục diện thị trường khi vươn lên nắm vị trí số 1 trong phân khúc dòng sữa đặc trị (giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chiều cao, cân nặng cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi) tại thị trường Việt Nam. Giữa tháng 2 vừa qua, bước ngoặt quan trọng với NutiFood là việc ký hợp đồng xuất khẩu sữa bột pha sẵn dành cho trẻ em biếng ăn Pedia Plus sang thị trường Hoa Kỳ với đối tác Delori.

 

Ông Trần Thanh Hải từng chia sẽ trong buổi ký kết: "Để vào thị trường Mỹ, NutiFood buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Nhà máy NutiFood được tổ chức độc lập Michelson Laboratories (Mỹ) kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn FDA".

 

Chia sẻ về NutiFood, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, NutiFood là doanh nghiệp thuần Việt, ngay từ đầu đã chọn hướng nghiên cứu, sản xuất sữa dinh dưỡng cung cấp cho người dân trong nước. Từ một doanh nghiệp bắt đầu với vai trò nghiên cứu, NutiFood bền bỉ ở thị trường sữa vốn khắc nghiệt và vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ngành sữa những năm qua tăng trưởng nhanh với trung bình 15 - 17%/năm và đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Để cạnh tranh, các công ty ngành sữa đã chú trọng khâu nghiên cứu, chế biến và đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm thay cho giai đoạn phụ thuộc vào nhập khẩu và phân phối.

 

Theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa tháng 3 đạt 102,7 triệu USD tăng 102,8% so với tháng 2. Tuy nhiên, tính chung quý 1, kim ngạch đạt 231 triệu USD, chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường nhập khẩu sữa chủ yếu là New Zealand và các nước Đông Nam Á, chiếm 47,4% tổng kim ngạch. Trong đó New Zealand đạt 76,7 triệu USD, tăng 340,71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái lại, kim ngạch nhập khẩu sữa từ thị trường Đông Nam giảm hơn 41%, tương đương 32,7 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu sữa từ các thị trường Bỉ, Ireland, Australia giảm lần lượt 63,78%, 60,23% và 57,68% xuống 407.800 USD, 4,3 triệu USD và 6,1 triệu USD.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác