Kinh tế - Thị trường
Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TPHCM
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT TPHCM), hiện toàn thành phố có 91 xã, phường đang sản xuất rau với tổng diện tích hơn 14.700 héc ta, sản lượng đạt bình quân gần 336.000 tấn/năm, giá trị thu về là gần 1.848 tỉ đồng. Chỉ riêng năm 2013, ngành nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cho 84 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 90 ha rau đạt trên chuẩn an toàn VietGAP. Hiện TPHCM đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất rau tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn. Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM dẫn chứng cụ thể một mô hình đạt hiệu quả: “HTX Phước An được đầu tư 13 tỉ đồng không hoàn lại để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt cất được 14 nhà lưới để trồng rau, rồi xây 2 hồ để xử lý nước thải từ HTX ra. Chủ nhiệm HTX báo tới đây sẽ mở rộng diện tích trồng rau và hướng là xuất khẩu, không phải là nội địa không nữa”.
Nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân, năm 2014 diện tích trồng rau trên địa bàn TPHCM sẽ mở rộng thành 15.200 héc ta. Tuy vậy, do lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, TPHCM cũng lưu ý nhiều đến công tác quản lý. Ông Võ Ngọc Đẹp - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM cảnh báo: “Những hộ có chứng nhận VietGap tôi xin đề nghị cô bác không cho một doanh nghiệp nào mượn nữa hết vì họ lợi dụng. Nếu chỗ nào mua rau thì đưa giấy chứng nhận còn chỗ nào không mua, không ký hợp đồng thì không đưa. Có một năm họ vô mượn photo rồi lấy đi mua rau ở chỗ khác, như vậy thì thiệt thòi của người nông dân quá nhiều”.
Tương tự như các mặt hàng rau xanh, chăn nuôi bò sữa dù kéo theo nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng cũng được TPHCM đưa vào quy hoạch tổng thể, bởi nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân ngày càng gia tăng. Theo đó, TPHCM hợp tác với Israel xây dựng trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở huyện Bình Chánh. Tính đến nay, mô hình đã cho năng suất sữa đạt khoảng 6,3 tấn/con/chu kỳ, bằng gần 80% mục tiêu đề ra, trong đó, 35% đàn bò cái vắt sữa đạt trên 20 kg/con/ngày, tương đương 7,3 tấn/con/chu kỳ. Quan trọng hơn, quy trình chăn nuôi này đáp ứng nhiều yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh và môi trường. Đây là cách thức hợp lý để TPHCM duy trì đàn bò sữa lớn nhất nước với khoảng 90.000 con. Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung nhìn nhận: “Việc xây dựng trại trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, để nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng giống là một công việc hết sức ý nghĩa. Qua đó, người nông dân ở TPHCM và các tỉnh có thể học tập nâng cao năng suất chất lượng sữa và kể cả chất lượng đàn bò trong thời gian sắp tới”.
Trong số những ngành nông nghiệp mũi nhọn mà TPHCM tập trung đầu tư, lĩnh vực cung cấp giống cây con được xem là “non trẻ” về “tuổi đời” nhưng được TPHCM quan tâm phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Liên tiếp các Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học ra đời nhằm làm bàn đạp cho sự kỳ vọng này.
Tính riêng năm 2013, các cơ sở đã lai tạo ra 59 giống rau, hoa mới thành công và đưa vào phục vụ sản xuất. Bình quân những năm vừa qua, TPHCM cung cấp cho thị trường TPHCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước khoảng 900.000 con heo giống. Trong khi đó, gần 14.500 tấn hạt giống cũng được sản xuất cho trên 950.000 ha đất gieo trồng trên địa bàn TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCL và miền Trung. TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM nhấn mạnh: “Nhanh chóng thực hiện các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong vấn đề lai tạo giống cây con; nghiên cứu chế tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho canh tác cây trồng, cho vấn đề phòng chống dịch bệnh cũng như cung cấp giống cây con mới, trong đó có hoa cây kiểng, phục vụ cho sản xuất một cách hiệu quả”.
Trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp đô thị TPHCM hiện nay, sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua sinh vật cảnh - lĩnh vực đang từng bước chiếm ngôi vị dẫn đầu. Xu thế này sớm được UBND TPHCM nắm bắt và cụ thể hóa bằng đề án phát triển sinh vật cảnh TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Theo đó, chỉ tiêu giá trị sản xuất bình quân của sinh vật cảnh phải đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên, những mô hình tiên tiến đạt 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên - một hiệu quả kinh tế rất cao nếu tính riêng trong sản xuất nông nghiệp.
Diện tích sinh vật cảnh cũng sẽ được “ưu tiên” mở rộng lên đến 6.000 ha - 7.000 ha năm 2020 và 9.000 ha năm 2025, chiếm 21% diện tích đất trồng trọt của TPHCM và giải quyết việc làm cho 30.000 - 50.000 lao động. TPHCM cũng dự kiến lĩnh vực này sẽ đạt giá trị tổng sản phẩm vào năm 2020 là 3.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 100 triệu USD/năm trở lên; tốc độ tăng trưởng 15-20%/năm. Ông Võ Văn Cương - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM “phác thảo” ra tầm nhìn chiến lược cho ngành: “Vấn đề của sinh vật cảnh, khi người nông dân đã bắt đầu phát triển “lẻ tẻ thì họ tự sản tự tiêu được. Nhưng muốn phát triển quy mô lớn chúng ta cần phải tính đến phát triển các loại dịch vụ, mua bán sinh vật cảnh ở các quận huyện. Chẳng những TP chúng ta phát triển mà còn có ý nghĩa hơn, là góp phần phát triển sinh vật cảnh ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ”.
Nhìn tổng thể bức tranh nông nghiệp hiện nay, các ngành nghề tiếp tục phát triển bền vững góp phần nâng cao đời sống nông dân, vừa tạo bộ mặt mới cho nông thôn, giúp TPHCM phát triển hài hòa về công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Ngành nông nghiệp TP đang tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều giải pháp cũng như chính sách trong năm 2014 như tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây con chất lượng cao… Từ đây có thể khẳng định, việc tập trung đầu tư vào những ngành mũi nhọn sẽ giúp nông nghiệp TPHCM có được những chặng đường đầy hứa hẹn ở phía trước.