Kinh tế - Thị trường

Niềm say mê mới của đại gia Việt: Trồng cỏ nuôi bò

Những đại gia ngân hàng, bất động sản (BĐS) như Đoàn Nguyên Đức, Thái Hương... đang dồn sức, đổ cả tỷ USD vào niềm say mê mới là trồng cỏ nuôi bò, cao su, mía đường.

 

  Đặt cược vào nông nghiệp?

 

   Tại đại hội cổ đông 2014 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), doanh nghiệp này cho biết, nông nghiệp sẽ thành ngành đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu với tỷ trọng 50% đến từ mía đường, cao su và hạt bắp với con số hàng ngàn tỷ đồng.

 

  Những con số này cao gấp nhiều lần so với doanh thu BĐS cho dù HALG từng là doanh nghiệp BĐS bậc nhất tại Việt Nam. Thực tế, HAGL đã dịch chuyển trọng tâm kinh doanh từ BĐS sang nông nghiệp nhiều năm qua, với hàng chục nghìn ha đất đã được trồng cao su, mía đường, cọ dầu và các nhà đi vào hoạt động cho thu nhập. Chính vì thế, ông Đoàn Nguyên Đức rất tự hào với quyết định bỏ BĐS đi làm nông nghiệp của mình, và tiết lộ sẽ nuôi bò công nghệ cao ở Campuchia và Gia Lai.

Niềm say mê mới của đại gia Việt: Trồng cỏ nuôi bò - Ảnh 1

 

 Nông nghiệp sẽ thành ngành đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu của HAGL, và cũng là trọng tâm của doanh nghiệp này.

 

  Đầu tháng 4, sau lời gợi mở của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, bà chủ TH True Milk Thái Hương cho biết, sẵn sàng đầu tư vào Tây Nguyên nếu có được quỹ đất đủ lớn và kết nối được giao thông. Những ai từng giật mình về dự án trị giá cả tỷ USD của TH sẽ tin rằng, phát ngôn của bà Hương mang tính cam kết rất cao. Bởi chỉ sau hơn 3 năm theo đuổi dự án nuôi, trồng và chế biến sữa công nghệ cao tai miền Tây Nghệ An, TH đã biến nơi đây thành vùng nuôi bò và chế biến sữa lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

 

  Với đàn bò sữa hàng chục nghìn con, vùng trồng thức ăn gần 10 ngàn ha, TH đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam, doanh thu 1 tỷ USD vào 2017.

 

  Trước đó, Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) cũng đã dốc tiền cho cao su, cho dù ngành nghề chính là khai cảng, logistics và cho thuê văn phòng. Cuối 2013, Gemadept đã bán Gemadept Tower - một thời mang là "nồi cơm" của doanh nghiệp này. Gemadept cho biết, tập đoàn đã được Campuchia cấp đất với diện tích gần 30.000 ha để trồng cao su.

 

  Gần đây, khá nhiều đại gia khác cũng đã chuyển hướng hoặc quay trở về hoặc có ý định thâm nhập vào nông nghiệp, như nguyên chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành quay về với mía đường; ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House phát triển thêm ngành mới xuất khẩu nông lâm sản; BĐS Phát Đạt cũng thêm lĩnh vực trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi; An Dương Thảo Điền góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong khi đó liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nông nghiệp...

 

  Cuộc chơi lớn nhưng không dễ ăn

 

  Với HAGL, việc chuyển sang nông nghiệp từ năm 2008, khi mà BĐS đang nóng bỏng khiến không ít nhà đầu tư lo lắng, bởi đây là lĩnh vực không phải là sở trường của bầu Đức và nông nghiệp thường gắn với rủi ro rất lớn.

 

  Lo lắng của cổ đông và giới đầu tư thực sự là rất bình thường. Theo chuyên gia kinh tế Adam Khoo từ Singapore, trong 30 năm qua, ngành kiếm lời nhất là chứng khoán và BĐS, bởi lạm phát và dân số tăng giúp giá cổ phiếu và BĐS luôn đi lên. Đây cũng là các ngành có nhiều tỷ phú thế giới nhất. Mức sinh lời của 2 ngành này ở rất nhiều nền kinh tế điển hình nằm trong khoảng 10-30%/năm.

Niềm say mê mới của đại gia Việt: Trồng cỏ nuôi bò - Ảnh 2

Bà chủ TH True Milk Thái Hương cho biết sẵn sàng đầu tư vào Tây Nguyên nếu có được quỹ đất đủ lớn và kết nối được giao thông.

 

  Tuy nhiên, những gì mà bầu Đức công bố gần đây cho thấy, nông nghiệp cũng hấp dẫn không kém. Tỷ suất lợi nhuận của mảng nông nghiệp của HAGL rất cao. Dự báo trong năm nay, biên lợi nhuận đến từ 3 nhóm mặt hàng cao su, mía đường và bắp khoảng từ 60-70%. Đại gia BĐS như HAGL mà giờ đây có doanh thu 50% từ nông nghiệp và tỷ lệ này sẽ còn tăng trong thời gian tới khi HAGL thoái gần hết khỏi BĐS, trong khi diện tích trồng cao su, mía, bắp đang tăng dần.

 

  Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia và cả những người trong cuộc đều cho rằng, nông nghiệp thực sự không phải là một ngành dễ ăn, không thể kiếm tiền được từ lĩnh vực này nếu làm ăn không chuyên nghiệp và đầu tư lớn.

 

  Nhìn vào các dự án hàng chục nghìn ha mà bầu Đức đang triển khai, hay cả tỷ USD được bà Thái Hương đổ vào trồng cỏ, nuôi bò và chế biến sữa... có thể thấy chỉ có "làm thật mới được ăn thật".

 

  Thực tế hàng chục năm gần đây cho thấy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là thường gặp rất nhiều khó khăn, bởi không có được diện tích đất lớn, đầu ra không ổn định, thiếu công nghệ, dịch bệnh nhiều và tốc độ tăng giá các loại cho phí đầu vào cao... Tuy nhiên với trường hợp của TH và HAGL, cuộc chơi nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn đã cho thành công hơn dự kiến.

 

  Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đã vươn lên top đầu trên thế giới về sản lượng như gạo, cà phê, hạt tiêu... nhưng đây cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp và người lao động khó khăn nhất. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có nhiều nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, năng suất thấp, kỹ thuật kém và quan trọng hơn là không mấy ai có đủ tâm huyết và tiền đi theo đuổi cuộc chơi lớn và dài hạn.

 

  Vấn đề mấu chốt có lẽ nằm ở tài lèo lái của doanh nhân như bà Thái Hương, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đặng Văn Thành...

 

  Tuy nhiên, khi đã có nhưng thành công lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn không khỏi lo lắng bởi khi doanh nghiệp đổ dồn vào cùng một lĩnh vực thì lợi thế sẽ rơi vào người mua. Gần đây nhiều người lo ngại giá cao su có thể giảm do lượng cung tăng dồn dập. Kể từ đầu năm tới nay, giá cao su đã giảm hơn 20%, xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Hay như trên thị trường sữa, cuộc cạnh tranh sữa tươi với TH đi đầu nay có thêm nhiều đối thủ.

 

Theo Vietnamnet

Nguồn: nguoiduatin.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác