Kinh tế - Thị trường
Nhiều tên sữa bỗng nhiên “mất tích”
Đổi tên, điều chỉnh giá
Sau khi tung ra thị trường dòng sản phẩm mới mang tên Enfamil A+ 360 độ Brain Plus, các sản phẩm mang tên Enfamil A+ của hãng Mead Johnson còn rất ít hàng. Đại lý sữa tại Đình Thôn (Mỹ Đình) cho biết dòng sữa cũ “tạm hết hàng”. Theo quan sát của phóng viên An ninh Thủ đô, giá sản phẩm mới cao hơn nhiều so với sản phẩm cũ. Cụ thể, Enfamil A+1 360 độ Brain Plus 400g có giá 253.000 đồng/hộp, hộp 900g có giá 525.000 đồng/hộp; trong khi đó, sản phẩm dinh dưỡng Enfamil A+1 400g cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi cũ 209.000 đồng/hộp 400g và 427.000 đồng/hộp 900g.
Tương tự, cũng là sản phẩm của Mead Johnson, tại một số siêu thị như: Oceanmart, Big C… dòng sữa Enfagrow A+ 360 độ Brain Plus đã được thay thế cho Enfagrow A+. Giá bán lẻ Enfagrow A+4 360 độ Brain Plus 900g là 383.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa cho sản phẩm Enfagrow A+4 nếu áp giá theo quy định của Bộ Tài chính là 339.700 đồng/hộp; Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus 900g là 448.000 đồng/hộp, trong khi sữa Enfagrow A+4 cũ chỉ được bán tối đa 355.400 đồng/hộp. Giá Enfagrow A+2 360 độ Brain Plus 900g là 507.000 đồng/hộp, trong khi mức cho phép đối với Enfagrow A+2 là 418.000 đồng/hộp. Những đại lý nào còn sản phẩm cũ thì bán song song cả hai dòng sữa cũ và mới.
Theo nhân viên bán hàng của đại lý sữa tại tập thể Thành Công, sữa cũ và sữa mới có thành phần dinh dưỡng tương tự nhau, nhưng dòng sữa mới có tỷ lệ DHA hợp lý hơn và được bổ sung thêm nhiều chất xơ. Bên cạnh đó, sữa mới đã thay đổi mẫu mã và điều chỉnh tên gọi. Với cách làm này, giá nhiều loại sữa bột mới trên thị trường đã cao hơn giá cũ từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng/hộp tùy loại.
“Lách luật” bằng cách khác, Pediasure B/A 900g cho trẻ từ 1-10 tuổi vừa đưa ra mẫu mã mới, giảm trọng lượng xuống còn 850g. Giá bán lẻ sữa mới là 565.000 đồng, thấp hơn 5.000 đồng so với hộp Pediasure B/A hộp 900g. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không những không được giảm giá mà còn phải chi thêm.
Người tiêu dùng vẫn băn khoăn
Chị Lê Thị Phượng (Vũ Thạnh- Đống Đa) cho biết: “Sữa liên tục được thay tên đổi họ và điều chỉnh giá khiến người tiêu dùng rất khó so sánh. Ngay cả về thành phần dinh dưỡng sữa mới so với sữa cũ, chúng tôi cũng chỉ đọc để biết, chứ khó mà nhớ nổi bao nhiêu thành phần được liệt kê, khác nhau thế nào. Và nếu có mang về nhà so sánh được thì cũng không biết thực hư chất lượng công bố có chuẩn không, muốn mua sữa cũ có còn không để mà chọn?”
Băn khoăn của người tiêu dùng xuất phát từ hai lý do. Một là sữa cũng như nhiều sản phẩm tiêu dùng khác: bột giặt, nước rửa chén bát, mì tôm… đã nhiều lần thay đổi bao bì để điều chỉnh giá bán, và thông thường là giá mới cao hơn giá cũ. Hai là, nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng được người mua phát hiện đặt ra nghi vấn về thực tế sản phẩm so với quảng cáo.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nếu dòng sữa mới có thêm thành phần dinh dưỡng và đảm bảo chất lượng đúng như công bố thì tăng giá cũng dễ chấp nhận. Nhưng ngược lại, “bình mới rượu cũ” thì người tiêu dùng luôn bị thiệt, dù cơ quan quản lý đã có biện pháp quản lý tích cực hơn. Ông này cũng cho biết thêm, Hội đã từng phát hiện sản phẩm gọi là sữa nhưng không đủ tiêu chuẩn chất lượng, mà chỉ là thực phẩm bổ sung.
Bên cạnh đó, mặc dù áp giá trần nhưng mức chênh lệch giá bán lẻ giữa các đại lý vẫn có khoảng cách lớn. Ví dụ, cùng loại sữa Pedia Plus cho trẻ từ 1-10 tuổi, có nơi bán 392.000 đồng/hộp, có nơi bán lẻ đến 412.000 đồng/hộp. Tại siêu thị Ocean Mart (đường Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa), sữa Pedia Plus cho trẻ từ 1-10 tuổi có giá bán niêm yết là 392.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, cũng loại sữa này ở một siêu thị lớn khác lại có giá niêm yết là 412.000 đồng/hộp. Friso Gold 1 900g có giá từ 456.900 đồng/hộp đến 466.000 đồng/hộp. Người tiêu dùng nào may mắn sẽ mua được cùng loại sữa với giá “mềm” hơn.
Hà Linh