Kinh tế - Thị trường
Ngành sữa quý II: Biên lợi nhuận gộp Sữa Quốc Tế vượt Vinamilk
Trong năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ ngành sữa ghi nhận mức giảm 6%, theo số liệu của AC Nielsen. SSI Researh đánh giá ngành sữa dù được coi là mặt hàng thiết yếu nhưng xu hướng tiêu thụ có thể bị giảm trong năm 2021 dưới tác động dịch bệnh. Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng thu nhập thấp có thể thay đổi do dịch Covid-19 đã gây thiệt hại đến thu nhập của nhóm này, hoặc đối với những người tiêu dùng nhạy cảm về giá.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sữa, đặc biệt là giá đường. Trong tháng 6, giá đường duy trì mức cao từ 16.000-17.400 đồng/kg tùy loại, giảm nhẹ so với thời điểm cuối tháng 3 nhưng tăng từ 23-28% so với cuối năm 2020.
“Ông lớn” lãi giảm
Trước bối cảnh này, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sữa quý II và nửa đầu năm khá phân hóa. Trong khi lợi nhuận Vinamilk ( HoSE: VNM ) và mảng sữa của Đường Quảng Ngãi suy giảm thì nhiều doanh nghiệp sữa khác tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, Vinamilk – doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần sữa trong nước báo cáo doanh thu quý II đạt 15.716 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Song biên lãi gộp tiếp tục ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 4 năm 43,6% và giảm so với mức 46% cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp sữa giảm 7,7% xuống 2.835 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành sữa ghi nhận doanh thu 28.906 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 5.411 tỷ đồng; lần lượt giảm 2,5% và 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, mảng xuất khẩu tăng trưởng hai chữ số trong quý II với doanh thu thuần đạt 1.606 tỷ đồng, tăng 17.2% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Đông tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và duy trì đà tăng trưởng. Đối với các chi nhánh nước ngoài, doanh thu thuần đạt 859 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này được dẫn dắt bởi sự phục hồi của Driftwood với doanh thu đạt tăng trưởng hai chữ số sau khi các trường học tại Mỹ dần mở cửa trở lại sau hơn một năm đóng cửa do Covid-19. Angkor Milk tiếp tục tăng trưởng dương trong quý II dù mức tăng này thấp hơn mức tăng của quý trước do Campuchia chịu nhiều ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 mới giống như các quốc gia Đông Nam Á khác.Hoạt động kinh doanh của Vinamilk ghi nhận khả quan ở thị trường xuất khẩu nhưng giảm ở thị trường nội địa. Doanh thu nội địa nửa đầu năm đạt 24.429 tỷ đồng, giảm 4%; xuất khẩu 4.476 tỷ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận gộp trong nước giảm 10% trong khi xuất khẩu tăng 2,8%.
Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng doanh thu nội địa của Vinamilk phục hồi từ cuối quý III khi vaccine Covid-19 được triển khai toàn dân vào cuối tháng 8 và đại dịch được kiểm soát triệt để hơn. Ở mảng xuất khẩu, ngoài thị trường hiện hữu, doanh nghiệp sữa cũng tăng cường mở rộng khi thành lập liên doanh tại Philippines và xuất khẩu sữa hạt vào Trung Quốc. Ngoài ra, mảng kinh doanh bò thịt – đầu tư thông qua công ty con Vilico ( UPCoM: VLC ) sẽ là động lực tăng trưởng của Vinamilk trong tương lai khi thị trường sữa chững lại.
Đường Quảng Ngãi ( UPCoM: QNS ) cũng cho biết hiệu quả hoạt động kinh doanh của mảng sữa đậu nành, nước khoáng… trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mảng đường tăng trưởng đã bù đắp và giúp lợi nhuận đơn vị tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu quý II đạt 2.031 tỷ đồng, tăng 11%; lãi ròng 360 tỷ đồng, tăng 12,5%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 14,7% đạt 3.670 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 19% đạt 437 tỷ đồng.
Đường Quảng Ngãi nổi tiếng với thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy, thị phần trong ngành sữa đậu nhiều năm trên 80%, riêng năm 2020 đạt 85,8%, theo số liệu Nielsen. Doanh thu từ sữa đậu nành năm qua ghi nhận giảm 10% so với năm 2019 và đóng góp 58% tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp giảm 10,5% và đóng góp 85% tổng lợi nhuận gộp.
Sữa Quốc tế, Hà Nội Milk, Mộc Châu Milk cải thiện lợi nhuận
Theo BCTC quý II vừa công bố, Sữa Quốc tế ( UPCoM: IDP ) ghi nhận doanh thu quý II tăng 26% đạt 1.252 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 549 tỷ đồng, tăng 35%. Biên lãi gộp cải thiện từ 40,9% lên 43,9%, vượt qua Vinamilk. Không chỉ vậy, chi phí bán hàng của doanh nghiệp sữa cũng giảm giúp cho lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa 6 tháng, doanh thu đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 41%; lãi sau thuế 406 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.
Kể từ sau khi về tay Chứng khoán Bản Việt ( HoSE: VCI ) và Blue Point, lợi nhuận Sữa Quốc Tế - được biết đến với sữa KUN liên tục được cải thiện, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Mộc Châu Milk ( UPCoM: MCM ) cũng ghi nhận doanh thu quý II tăng 8% lên 790 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 29,6% lên 32%, lợi nhuận gộp tăng 17% lên 253 tỷ đồng nhờ thỏa thuận được giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tốt hơn với nhà cung cấp khi là thành viên của Vinamilk. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sữa đạt 87 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, Mộc Châu Milk đạt doanh thu 1.411 tỷ đồng, tăng 3,2%; lãi sau thuế 137 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay đến Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) cũng có sự phục hồi đáng kể trong quý vừa qua. Doanh thu Hanoimilk tăng 80% lên 97 tỷ đồng; lãi sau thuế 6,5 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 19,4% lên 20,5%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đơn vị tăng 51% lên 141 tỷ đồng; lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 109 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Hanoimilk lý giải doanh thu bán hàng và gia công trong nước đều tăng, ngoài ra có thêm doanh thu xuất khẩu, trong khi chi phí giá vốn giảm do lượng sản xuất tăng chi phí khấu hao giảm.