Kinh tế - Thị trường
Ngành sữa có thêm thị trường 1,4 tỉ dân
Theo Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nước này chỉ chấp nhận sữa có nguồn gốc nguyên liệu từ Việt Nam hoặc quốc gia được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Béo bở nhưng không dễ
Với dân số 1,4 tỉ người cùng chính sách cho phép sinh con thứ 2, Trung Quốc được các doanh nghiệp (DN) đánh giá là thị trường tiềm năng. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare (Hà Nội), sau bê bối melamine năm 2008, người Trung Quốc đổ xô mua sữa nước ngoài, Trung Quốc trở thành thị trường sữa béo bở của thế giới. Ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, nhìn nhận thị trường Trung Quốc rất lớn và không quá khó tính. Về thị hiếu, khách hàng này cũng như người Việt, tin cậy sữa ngoại hơn sữa nội địa. Hơn nữa, khoảng cách địa lý và cơ sở hạ tầng thuận lợi giúp DN Việt dễ đưa hàng vào Trung Quốc.
Sữa Việt Nam sắp xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Tiềm năng rất rõ nhưng theo Vinamilk, thị trường sữa Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt và phân mảnh, các thương hiệu chỉ mạnh ở một số khu vực nhất định. Nguồn cung dồi dào từ rất nhiều quốc gia cùng những nỗ lực từ các DN nội địa làm cuộc chiến trở nên gay gắt. Sữa Việt Nam muốn thành công tại thị trường này nhất định phải tập trung chuyên sâu ở phân khúc có lợi thế, sau đó từng bước mở rộng ra các nhóm sản phẩm, khu vực địa lý, đối tượng người tiêu dùng khác" - đại diện Vinamilk nhận định.
Về phía NutiFood, do các rào cản phi thuế quan như danh mục, quy chuẩn kỹ thuật riêng biệt của Trung Quốc, sự phân nhóm sản phẩm khác với Việt Nam buộc NutiFood phải sản xuất riêng sản phẩm dành cho thị trường này. Ngoài ra, việc thâm nhập, mở rộng hệ thống phân phối ở Trung Quốc rất khó dù NutiFood đã bán sản phẩm Nuti Sữa đậu nành và Nuti Café sang đây.
Theo TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), trước khi ký Nghị định thư, DN sữa Việt Nam đã có nhiều bước chuẩn bị nhưng để xuất khẩu chính thức vẫn còn nhiều việc phải làm. "Dự kiến tháng 10 tới sẽ có lô sữa đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc" - TS Quỳnh thông tin.
Người tiêu dùng nội địa có ảnh hưởng?
Theo VDA, tổng doanh thu ngành sữa năm 2018 đạt 109.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm (2010-2018). Sản lượng sữa từ nguồn chăn nuôi trong nước đạt 936.000 tấn vào năm 2018, tăng hơn 3 lần so với năm 2010, giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 15%/năm nhưng đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước nên vẫn phải nhập khẩu. Năm 2018, Việt Nam nhập 963 triệu USD sữa và sản phẩm từ sữa, tăng 2,7% so với năm 2017.
Theo PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch VDA, nhiều người vẫn có suy nghĩ "sữa không đủ cho dân ta dùng sao lại đem xuất khẩu, điều này không phù hợp với tình hình hiện tại. "DN phải đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường. Những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu sữa sang hơn 43 quốc gia, giá trị bình quân mỗi năm khoảng 300 triệu USD. Thị trường bây giờ rất mở, Mỹ sản xuất sữa rất nhiều, rất mạnh nhưng NutiFood Việt Nam vẫn xuất khẩu được sang thị trường này" - ông Trung dẫn chứng.
Theo ông Lê Nguyên Hòa, Nghị định thư xuất khẩu sữa Việt Nam - Trung Quốc quy định "Sữa nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc từ quốc gia được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, không nhất thiết nguyên liệu sản xuất chỉ từ trang trại Việt Nam.
Ngoài ra, giá thành sữa tươi nguyên liệu Việt Nam còn cao so với thế giới do chưa được đầu tư về vùng nguyên liệu phù hợp và công nghệ chăn nuôi tiên tiến, nếu có thị trường 1,4 tỉ dân chắc chắn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư vào chăn nuôi bò sữa với giá thành cạnh tranh nên cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng sữa tươi nội địa càng cao hơn" - ông Hòa dự báo.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH