Kinh tế - Thị trường

Ngậm ngùi HanoiMilk: Thương hiệu sữa vang bóng một thời

Từng là 1 trong 3 doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam nhưng đến nay, Hanoimilk đành ngậm ngùi nhìn Vinamilk không ngừng lớn mạnh và các hãng sữa mới lần lượt xuất hiện còn mình thì ngày càng trở nên xa lạ với người tiêu dùng.

 Từng "trảm tướng" vì kinh doanh bết bát

 

Được thành lập năm 2001 và đi vào hoạt động năm 2003, công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk - mã chứng khoán: HNM) từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk.

 

Tại báo cáo thường niên năm 2016, doanh nghiệp này vẫn khẳng định mục tiêu chủ yếu là “trở thành 1 trong 3 công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam và là công ty số 1 về các sản phẩm sữa dành cho trẻ em”. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện nay chỉ có giá trị về mặt khẩu hiệu.

 

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HNM ngày càng bết bát. Theo báo cáo mới nhất của HNM về kết quả kinh doanh quý III/2017, trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu bán hàng của công ty chỉ đạt 128,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 là 176,4 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 442 triệu đồng (cùng kỳ năm 2016 là 1,8 tỷ đồng).

 

Với số lượng nhân sự hiện tại khoảng 390 người, những chỉ số kinh doanh này là vô cùng khiêm tốn. Trong khi đó chi phí lãi vay đã chiếm đến hơn 7 tỷ đồng.

 

Tại báo cáo thường niên 2016 của HNM cũng ghi nhận tình hình các năm trước không mấy sáng sủa. Năm 2016, doanh thu bán hàng của hãng sữa này là 231 tỷ đồng, bằng 82,5% so với năm 2015 và đạt 71% so với kỳ vọng của ban lãnh đạo. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái cũng chưa bết bát bằng năm nay, đạt 2,2 tỷ đồng, song đã là “thảm” so với 2015 vì đã giảm 11% và chỉ đạt 56,5% mức độ kỳ vọng của chính doanh nghiệp.

 

Tính đến năm 2016, HNM đã có 6 năm liên tiếp lợi nhuận quanh quẩn trong mức từ 1 - 3 tỷ đồng. Với đà 9 tháng chỉ đạt hơn 400 triệu lợi nhuận này có thể dự báo được năm 2017 sẽ là năm mà bức tranh kinh doanh của HNM ảm đạm hơn cả.

 

Còn nhớ tại buổi họp hội đồng quản trị ngày 9/5/2016, công ty đã phải “trảm tướng” do không đảm bảo chỉ tiêu bán hàng. Theo đó, ông Phan Mạnh Hòa, Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT công ty bị miễn nhiệm vì lý do không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

Đến giờ, khi kết quả kinh doanh tiếp tục lao dốc, có ý kiến cho rằng việc ông Hòa (nhân sự cấp cao, từng là Giám đốc bán hàng tại Unilever Việt Nam, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Phú Thái, Imexco Việt Nam) bị miễn nhiệm không hoàn toàn là lỗi của ông.

 

Sai lầm từ chiếc vỏ hộp

 

Cho đến giờ, trong các lý do dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả thì lý do đến từ chiếc vỏ hộp vẫn là một bài học sâu sắc đối với HNM. Đã nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên, điệp khúc “vỏ hộp sữa” được các cổ đông nhắc đi nhắc lại.

 

Chuyện bắt đầu từ sáng kiến “độc, lạ” của đối tác bao bì Tetra Park về mẫu hộp Wed cho Hanoimilk nhằm tạo dấu ấn khác biệt với các sản phẩm sữa khác. Ngay lập tức, vỏ hộp này đã được lãnh đạo HNM áp dụng cho sữa IZZI – sản phẩm chủ lực, tạo nên danh tiếng cho Hanoimilk.

 

Thực tế cho thấy hình dáng hộp Wed (hình tam giác) tạo ra sự khác lạ, song khi sử dụng dễ gây trào sữa ra ngoài và khi xếp trên kệ, tủ thì tốn diện tích nên một thời gian sau khách hàng quay trở lại sử dụng loại hộp Brik (hình khối chữ nhật) của các hãng sữa khác.

 

Chính việc đầu tư cùng một lúc 7 máy rót hộp Wed khi xây dựng nhà máy đã gây ra hậu quả cho đến nay. Suốt một thời gian dài, HNM chỉ có thể bán được sản phẩm sữa hộp Brik, trong khi chỉ có 3 máy rót hộp Brik, dẫn đến việc nhà máy chế biến sữa thừa công suất chế biến nhưng thiếu công suất rót.

 

Kết quả là HNM phải dừng sản xuất sản phẩm IZZI hộp Wed từ đầu năm 2015, đồng nghĩa với 7 dây chuyền máy rót hộp Wed “đắp chiếu” (được tiết lộ mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy). Lãnh đạo HNM sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận trước cổ đông về sai lầm của mình khi vội vàng quyết định sai chiến lược kinh doanh.

 

Ngoài nguyên nhân đến từ chiếc vỏ hộp, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn khác dẫn đến kết quả kinh doanh sa sút.

 

Tại văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 20/10/2017, giải trình về lợi nhuận quý 3 năm này sụt giảm, Chủ tịch HĐQT Hanoimlik, ông Hà Quang Tuấn cho rằng, nguyên nhân là “do cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng khó khăn”.

 

Trước đó, tại báo cáo thường niên 2016, ông Tuấn xác nhận nguyên nhân khách quan là do “nền kinh tế khó khăn, mức chi tiêu của người tiêu dùng nói chung có xu hướng giảm trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái...”. Tuy nhiên bên cạnh đó, người đứng đầu doanh nghiệp cũng buộc phải thừa nhận HNM chưa thể bứt phá là do “ngân sách còn hạn chế”.


“Thần dược” nào giúp Hanoimilk hồi phục?

 

Ngoài lý do ngân sách hạn chế, nếu nhìn chi tiết hơn báo cáo tài chính của HNM, sẽ thấy thêm nhiều vấn đề về chất lượng tài sản cũng như độ an toàn tài chính mà công ty đang phải đối mặt.

 

Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản ngắn hạn của HNM là hơn 259 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm đến 112 tỷ đồng và hàng tồn kho chiếm đến 141 tỷ đồng.

 

 Dễ dàng nhận thấy riêng 2 khoản mục trên đã “ngốn” gần hết cơ cấu tài sản của HNM. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Từ đó cho thấy thanh khoản của công ty này là vô cùng thấp, hầu hết tài sản bị ngập trong hàng tồn kho và các khoản nợ. Tồn kho và phải thu chiếm gần hết tổng tài sản, trong khi doanh thu sụt giảm dẫn đến những lo ngại về việc hàng hóa sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm. Đối với loại hàng hóa có thời gian sử dụng ngắn như sữa (khoảng 3-6 tháng) thì rủi ro đến từ khối lượng hàng tồn kho này là vô cùng lớn.

 

Mặt khác, trong tổng số 272 tỷ đồng nợ phải trả thì đã có đến 249 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Cộng với tình trạng hàng tồn kho nhiều, hàng bán chưa thu được tiền lớn cho thấy sự mất cân đối trong dòng tiền hoạt động kinh doanh của HNM, rất dễ gặp rủi ro khi có biến động về sản xuất kinh doanh.

 

Ngoài ra, HNM còn gặp phải một vấn đề nan giải là do làm ăn bết bát, một số nhân viên đã nghỉ việc và không thanh toán các khoản tạm ứng trước đó. Tại bản thuyết minh báo cáo tài chính quý 3/2017 ghi nhận khoản phải thu tạm ứng lên đến 34 tỷ đồng. Không rõ trong số này có bao nhiêu tỷ đồng do nhân viên tạm ứng rồi nghỉ việc, song chắc không phải nhỏ.

 

Bởi tại công văn giải trình các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính 2016 gửi sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 9/11/2017, HNM dẫn ý kiến kiểm toán loại trừ của công ty TNHH Kiểm toán Grant Thorton Việt Nam khẳng định HNM có đủ năng lực thu hồi các khoản tạm ứng của các nhân viên đã nghỉ việc tại công ty và cam kết xử lý dứt điểm trong quý 1/2018.

 

Kinh doanh sa sút, tồn kho nhiều, phải vay lãi để tồn tại, kết quả là lãi mẹ đẻ lãi con, lãi vay gấp 4 lần lợi nhuận, đó là bức tranh kinh doanh hiện tại của HNM. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như chính lãnh đạo HNM thừa nhận, đối thủ lớn là Vinamilk đã tăng gấp 3 lần quy mô từ 2010 đến 2016, cùng với sự xuất hiện của nhiều hãng sữa mới, liệu HNM sẽ dựa vào đâu để tồn tại và trở thành hãng sữa dành cho trẻ em số 1 Việt Nam?

 

Đứng từ góc độ phân tích, một số chuyên gia tài chính cho rằng phát hành tăng vốn có lẽ là phương án tốt nhất cho HNM hiện nay, một mặt cải thiện chỉ số nguồn vốn, mặt khác đem lại dòng tiền. Tuy nhiên, phương án này bị đánh giá là khó thực thi trong bối cảnh cổ phiếu HNM đang nằm trong diện hạn chế giao dịch và thị giá thì khiêm tốn 4.500 đồng/cổ phiếu, thật khó để có thể thuyết phục cổ đông góp thêm tiền vào doanh nghiệp.

 

Các năm trước lợi nhuận quanh quẩn ở mức 1-3 tỷ đồng mà HNM đã không thể chi trả cổ tức thì năm 2017 chắc chắn cũng chẳng khá khẩm hơn. Điều này cũng sẽ khiến cổ tức trở thành câu chuyện xa vời đối với chính các cổ đông hiện hữu của HNM, chứ đừng nói đến những nhà đầu tư bên ngoài.  


Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác