Kinh tế - Thị trường

Kéo dài thời hạn bình ổn giá sữa đến hết quý I/2017

(TBTCO) - Tại Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2016 vừa được ban hành, Chính phủ thống nhất tiếp tục thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết quý I năm 2017.

 Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, đề xuất, báo cáo Chính phủ về biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại phiên họp thường kỳ tháng 3 ăm 2017.

 

Trước đó theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau hai năm rưỡi thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, hiện cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã thực hiện kiểm soát, quản lý đối với toàn bộ hơn 910 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chủ động đăng ký, kê khai giá bán ra sản phẩm trong phạm vi mức giá tối đa quy định.

 

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2017, việc quản lý đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ theo quy định chung tại Luật Giá, và thực hiện biện pháp kê khai giá theo đúng quy định. Cơ quan tiếp nhận và đối tượng thực hiện đăng ký giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công thương  quy định tại Thông tư 233/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trước đó vào đầu tháng 11/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 149/2016/NĐ-CP, trong đó có quy định chuyển việc theo dõi và giám sát thực hiện BOG sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương.
 

Bên cạnh đó, thời điểm tháng 4/2015, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn kê khai giảm giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (thuộc nhóm sản phẩm phải loại trừ chi phí quảng cáo theo Nghị định  100/2014/NĐ-CP) với mức giảm 0,4-4% so với mức giá kê khai liền kề trước đó.

 

Cũng theo Bộ Tài chính, khi Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp BOG, một số DN sản xuất kinh doanh nhập khẩu sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã chủ động đăng ký, kê khai giảm giá trước thời hạn quy định, đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường. Các DN sản xuất, kinh doanh thêm nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới có sự thay đổi về quy cách, mẫu mã, chất lượng đã xác định giá bán buôn tối đa theo đúng phương pháp hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện đãng ký giá, kê khai giá với cơ quan quản lý giá, như Công ty TNHH Mead Johnson Nutritions (Việt Nam), Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam...

 

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có biểu hiện DN đăng ký, kê khai là sản phẩm mới. Cơ quan quản lý giá đã yêu cầu DN thực hiện đúng quy định, đảm bảo các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi không có sự thay đổi về quy cách, mẫu mã, chất lượng vẫn được bán với mức giá đã công bố.

 

Nhìn chung, các DN đều đã thực hiện nghiêm túc công tác BOG sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Chính phủ. Theo báo cáo của các DN, giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 5,95% - 24% so với trước thời điểm thực hiện BOG và được giữ ổn định liên tục cho đến nay.

 

Trong đó, việc thực hiện BOG sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã tác động làm giảm giá đối với các sản phẩm sữa trên thị trường, chấm dứt tình trạng giá sữa biến động theo chiều hướng liên tục tăng trong thời gian trước, tác động tích cực đến đời sống của đại đa số người tiêu dùng. Người tiêu dùng được hưởng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm nhiều hơn so với thời gian trước khi bình ổn giá và đặc biệt, được giữ ổn định liên tục trong một thời gian dài.

 

Song song với các biện pháp quản lý, để việc BOG được triển khai đồng bộ, rộng khắp, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã triển khai các đợt kiểm tra đối với các địa phương, địa bàn và kịp thời chấn chỉnh các sai sót phát sinh.

 

Kết quả các đoàn kiểm tra cho thấy, nhìn chung các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thực hiện theo đúng quy định về xác định giá tối đa, đăng ký giá và niêm yết giá. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các lỗi như: Đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, giá kê khai; không công khai thông tin về giá; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; tẩy xóa và in lại hạn sử dụng; chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

 

Theo báo cáo cùa Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, tính từ thời điểm bắt đầu biện pháp BOG đến tháng 10/2016, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và BOG sữa với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 1,7 tỷ đồng; tiền truy thu chênh lệch giá bán so với giá kê khai 23,259 triệu đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là hơn 7,968 tỷ đồng./.

 

Hoàng Lâm
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác