Kinh tế - Thị trường
IDP, Nutifood... bứt phá, không chịu dưới trướng "đàn anh" Vinamilk
Đàn em bứt phá
Gần đây, thị trường sữa ghi nhận nhiều thông tin khá tích cực. Đó là việc Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) soán ngôi Vinamilk về tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, khi lần đầu tiên có lợi nhuận hơn ngàn tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt mức 44,2%.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 của IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.214 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm liền trước. Công ty có lợi nhuận gộp đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp theo đó đạt đến 44,6%.
Đây là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp, đồng thời chính thức vượt qua công ty lớn nhất trong ngành. Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có chiều hướng đi xuống kể từ mức đỉnh 48,8% (đầu năm 2017) về 42,5% như hiện tại.
Trừ đi các chi phí, IDP ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 279 tỷ đồng, tăng 45% so với kết quả quý IV/2020. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp. Lũy kế năm 2021, Công ty báo doanh thu tăng trưởng 26%, lên 4.827 tỷ đồng. Biên lãi gộp cả năm đạt 43,2%, vừa đủ vượt qua con số 43,1% của Vinamilk. Lợi nhuận trước thuế của Công ty cũng lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 823 tỷ đồng, tăng 64% so với năm liền trước.
Theo kế hoạch đề ra hồi đầu năm, IDP đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 530 tỷ đồng. Như vậy, Công ty thực hiện 97% kế hoạch doanh thu và vượt hơn 55% chỉ tiêu lợi nhuận.
Một tên tuổi khác là Nutifood đã mua lại 51% cổ phần Công ty Sâm Ngọc Linh (Quasapharco). Thương vụ này chính thức đưa Nutifood đặt chân vào “lãnh địa” thảo dược, đặc biệt là thảo dược quý hiếm.
Tại thời điểm đó cũng chứng kiến việc ông Trần Bảo Minh về đầu quân cho Nutifood, trong vai trò là Phó chủ tịch HĐQT. Hai hành động đầu tiên của Nutifood khi tiếp quản Quasapharco là đưa ông Trần Bảo Minh lên làm Chủ tịch Công ty Quapharsaco và khởi động dự án nuôi bò bằng thảo dược.
Với việc sở hữu vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng lớn cùng vô số các loại thảo dược quý khác như đẳng sâm, quế Trà My, nấm lim xanh…, Nutifood dự kiến sớm tung ra những sản phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, đồng thời lên kế hoạch đưa sâm Ngọc Linh xuất khẩu.
Ông lớn tìm kiếm động lực tăng trưởng mới
Trong khi đó, Vinamilk đang tìm kiếm động lực tăng trưởng từ nhiều hướng như thị trường nước ngoài, dự án liên doanh với Kido, dự án bò thịt và cả chuỗi bán lẻ, hay vẫn tiến hành M&A nếu có mục tiêu phù hợp.
Được biết, trong năm 2021, Vinamilk tập trung đầu tư các dự án lớn để mở rộng quy mô. Cụ thể, Dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu (Sơn La), Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào, Dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico.
Diễn biến kết quả kinh doanh tại Vinamilk cho thấy “ông anh cả” trong ngành sữa đang hết dư địa tăng trưởng. Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Vinamilk, doanh thu tăng 10% lên 15.819 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp tương đương cùng kỳ đạt 6.725 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,2% về 42,5%, tiếp tục giảm so với quý III/2021 và về mức thấp nhất trong 5 năm. Doanh thu tài chính giảm gần phân nửa, xuống 323 tỷ đồng vì không còn khoản lãi do đánh giá lại theo giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào GTN Foods. Chi phí tài chính tăng 39%, chi phí bán hàng tăng 2,5% và chi phí quản lý giảm 44%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần như đi ngang ở mức 2.196 tỷ đồng.
Cả năm, doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng 2,2%, đạt 60.919 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 5% xuống 10.532 tỷ đồng. Vinamilk thực hiện được 97% kế hoạch doanh thu và 94,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Dữ liệu phân tích từ SSI Researh cho thấy, Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với mức thị phần khoảng 61% thì rất khó tăng trong bối cảnh nhu cầu yếu đi.
SSI Research cũng kỳ vọng, khi Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao và áp dụng biện pháp linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh thì nhu cầu sẽ phục hồi dần dần. Theo đó, Vinamilk có thể cải thiện lợi nhuận trong năm 2022, đặc biệt là nửa đầu năm khi so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm trước.
Vinamilk đang dần dịch chuyển sang các thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu và công ty con tại Mỹ, Campuchia, Philippines… Giới phân tích cho rằng, thị trường nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu của Vinamilk trong những năm tới, khi tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại.
Vinamilk cũng đang tìm kiếm động lực tăng trưởng ở những mảng mới như liên doanh nước giải khát với Kido - Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev, trong đó Vinamilk sở hữu 51% vốn. Liên doanh đã tung các sản đầu tiên từ giữa tháng 11/2021 và đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần ngành nước tươi với sản lượng 150 triệu chai/năm (tương đương 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.
Vinamilk cùng đơn vị thành viên là Vilico cũng hợp tác với Tập đoàn Sojitz để đầu tư dự án bò thịt với gần 500 triệu USD. Giai đoạn I dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 với công suất 30.000 con bò thịt/năm.
Ngoài ra, Vinamilk cũng có kế hoạch đẩy mạnh bán lẻ qua chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt. Tính đến nay, chuỗi đã có khoảng 600 cửa hàng, tăng thêm 135 cửa hàng so với cuối năm 2020.
Về triển vọng giá sữa năm 2022, trong báo cáo gần đây, Rabobank - công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Hà Lan, ước tính thị trường thế giới tiếp tục duy trì mức giá cao đối với mặt hàng sữa.
Nhu cầu mạnh do nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm tới do tồn kho tăng và hoạt động logistics toàn cầu cải thiện, cũng như kế hoạch mở rộng đàn bò của Trung Quốc để tăng nguồn cung trong nước bắt đầu đem lại sản lượng.