Kinh tế - Thị trường
Hà Nội xây dựng 8 chuỗi liên kết chăn nuôi
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư kết hợp các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, Hà Nội đã hình thành được hàng loạt vùng chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Cụ thể, đến năm 2013 đã xây dựng và phát triển ổn định được 12 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm thuộc các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Đan Phượng, Quốc Oai, Đông Anh và Phúc Thọ với tổng đàn hơn 10.000 con/2500 hộ, chiếm 81,5% tổng đàn bò sữa toàn thành phố. Sản lượng sữa bình quân mỗi ngày là 79,3 tấn, chiếm 82,1% toàn thành phố.
So sánh số liệu chăn nuôi bò sữa các xã trọng điểm thời điểm năm 2010 đến thời điểm hiện tại cho thấy bước tiến mạnh mẽ trong việc quy hoạch chăn nuôi của Hà Nội.
Nếu như năm 2010, tổng đàn bò sữa tại các xã mới chỉ là 5.435 con/2166 hộ, quy mô 2,5 con/hộ và sản lượng sữa 14.600 tấn thì đến tháng 8/2013, tổng đàn bò đã tăng trên 87%, số hộ tham gia chăn nuôi tăng 16,2%, quy mô chăn nuôi tăng từ 2,5 con/hộ lên 4,05 con/hộ, song sản lượng sữa đạt tới 29.000 tấn, tức là tăng xấp xỉ 100% so với 2010.
Cùng với bò sữa, bò thịt cũng có bước phát triển vượt bậc khi hình thành lên 15 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt, so với 2011 đã quy hoạch thêm được 5 xã mới là Bắc Sơn (Sóc Sơn), Thụy Hương (Chương Mỹ), Minh Quang, Tòng Bạt (Ba Vì), Sơn Công (Ứng Hòa), nâng tổng đàn bò thịt toàn thành phố hiện có lên xấp xỉ 23.000 con.
Từ khi triển khai đến nay, số bê lai F1 các giống bò thịt hướng ngoại có chất lượng cao, khối lượng lớn đang dần chiếm tỉ trọng cao khi số bê lai giống bò Brahman và Droughtmaster, BBB sinh ra ở các xã trọng điểm là 2.000 con.
Tính riêng giá trị của giống bê lai này cao hơn so với giống lại Sind trên địa bàn Hà Nội từ 1,5 - 2,5 triệu/con nên giá trị bê sinh ra tăng thêm 3 - 5 tỉ đồng/năm.
Với chăn nuôi lợn, Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng, 13 xã và 6 khu chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi lớn tập trung ngoài khu dân cư tại các huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai và TX Sơn Tây.
Chăn nuôi gia cầm hình thành rõ nét và phát triển mạnh tại 6 vùng thuộc các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây… với xấp xỉ 3 triệu con/975 hộ, góp phần lớn vào việc hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường đối với các khu dân cư.
Cũng theo ông Tường, song song với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư theo xã, vùng trọng điểm, Hà Nội rất tích cực trong việc xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết giết mổ và xúc tiến thương mại.
Một điểm sáng khác trong tiêu thụ gia cầm khi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ trứng gà Tiên Viên gồm 12 hộ chăn nuôi vệ tinh tại huyện Chương Mỹ và 90 cửa hàng tiêu thụ với sản lượng bình quân 70.000 quả/ngày.
Về lợn, hiện Hà Nội đã bắt đầu xây dựng và đi vào vận hành chuỗi liên kết tiêu thụ thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) với 10 cửa hàng tiêu thụ tại các quận nội thành và thông qua Sàn Giao dịch rau quả thực phẩm an toàn Hà Nội
“Từ những thành công bước đầu, năm 2013 ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai 8 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gồm : Gà đồi Ba Vì, Gà đồi Sóc Sơn, Vịt cỏ Vân Đình, Trứng vịt Liên Châu, Vịt Đại Xuyên, Gà Mía Sơn Tây, Thịt bò Hà Nội và Thịt lợn hữu cơ Bảo Châu.
Tiến hành thành lập các Chi hội và Hội Chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm liên kết tại các xã chăn nuôi trọng điểm cùng giúp đỡ nhau phát triển. Hiện đã xây dựng xong dự thảo điều lệ hoạt động", theo ông Tạ Văn Tường.