Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ công thương, ngày 3/10, ông Nguyễn Xuân Chiến, phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước cho biết: "Quản lý giá sữa không tốt, quy định về ghi nhãn các sản phẩm sữa còn nhiều bất cập, nhiều đầu mối nhập khẩu là nguyên nhân đẩy giá sữa tăng phi mã".
Bộ công thương: Giá sữa bán lẻ chênh 500% giá nhập
Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, giá nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường như Nestle, Enfa, Abbott đều cao gấp 5 - 6 lần so với giá nhập khẩu.
Cụ thể, giá nhập khẩu sữa bột Similac Advance (hộp 658 gr) là 119.700 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 540.000 đồng/hộp (chênh 351%); sữa bột Gallia số 1 (900 gr) có giá nhập 119.700 đồng/hộp, nhưng bán lẻ là 560.000 đồng/hộp (tăng 367%)...Thậm chí, có loại sữa có giá bán lẻ chênh lệch so với giá nhập khẩu lên tới 507%, như Enfamil Infant, Enfagrow Older Todder.
Ông Chiến cho rằng, có doanh nghiệp tăng giá đến 15%, song các cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp, gánh nặng chỉ đổ lên vai người tiêu dùng.
"Quy định quản lý giá sữa đang rất yếu. Sắp tới, các mặt hàng sữa, sản phẩm sữa công thức, sữa dinh dưỡng cũng phải đưa vào danh mục bình ổn giá, chịu sự quản lý về giá của Nhà nước", ông Chiến nhấn mạnh.
|
Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, giá nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường đều cao gấp 5 - 6 lần so với giá nhập khẩu. |
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công thương và các cơ quan liên quan, trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, để quản lý giá.
Doanh nghiệp phủ nhận "mua 1 bán 6", chỉ lãi 10.000đ/1 hộp
Trước hiện trạng trên, ông Đỗ Thái Vương – Giám đốc Đối ngoại Abbott Việt Nam khẳng định, không có chuyện DN này nhập khẩu giá thấp như vậy rồi sau đó lại “đẩy” giá bán trong nước lên cao. Chuyện đẩy giá sữa tăng lên gấp 5 -6 lần là của nhà phân phối chính thức và duy nhất của Abbott tại Việt Nam – Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A.
Theo đại diện Abbott, hiện giá bán sản phẩm này trên thị trường hiện đang ở mức 478.000 VND/hộp, thấp hơn cả giá đã đăng ký với cơ quan điều hành giá là 548.000đồng/hôp. So sánh hai mức giá này, vị đại diện Abbott Việt Nam nhấn mạnh, giữa giá nhập khẩu và giá bán trên thị trường các sản phẩm của Abbott do Công ty 3A phân phối không hề "ăn dày", trung bình mức chênh chỉ hơn 10.000 VND/sản phẩm/tùy loại.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khẳng định rằng: “dù giải thích cách nào thì các hãng sữa đang ứng xử không công bằng với người tiêu dùng”.
Thường theo thông lệ thì một hãng phân phối chiếm 30% thị phần thì được coi là độc quyền, và hiện thị trường sữa Việt Nam đang bị chi phối bởi và phụ thuộc vào vài ba hãng sữa lớn. Mỗi năm các DN sữa ngoại đều công bố điều chỉnh giá 3- 4 lần mặc cho giá nguyên liệu thế giới tăng hay giảm.
Ông cho biết thêm: “Có đầy đủ công cụ điều hành giá trong tay nhưng giá sữa lúc nào cũng trong tình trạng nhảy múa, mọi thiệt hại về giá người tiêu dùng gánh chịu hết".
Bộ tài chính: Truy thu khoản tiền chênh lệch giá sữa
Cuối tháng 8, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiến hành truy thu khoản tiền chênh lệch mà doanh nghiệp kinh doanh sữa được hưởng ưu đãi thuế nhưng không chịu giảm giá.
Đợt thanh tra nhằm kiểm tra các yếu tố hình thành giá, các khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.
Kết quả kiểm tra là cơ sở để Liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, đồng thời xem xét các yếu tố cấu thành giá để bằng mọi cách ổn định giá bán các sản phẩm sữa từ nay đến cuối năm.
Nếu phát hiện đơn vị nào được hưởng chính sách ưu đãi thuế nhưng không chịu giảm giá bán sẽ bị truy thu khoản tiền chênh lệch.
|
An Nhiên (Tổng hợp)