Kinh tế - Thị trường

Giá sữa: 2 lần điều chỉnh tăng 14%

Sau khi Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) chính thức lên tiếng về nghi án sữa ngoại chuyển giá, bắt đầu từ ngày 1-3 tới, giá sữa lại tiếp tục tăng thêm 7%.
Tăng giá lần thứ 2

Các đại lý sữa ở phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết, thông tin sữa đồng loạt tăng thêm 7% đã được các hãng sữa gửi thông báo từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thời điểm áp dụng mức tăng giá thêm 7% vào ngày 1.3. 2014.

Chị Nguyễn Dung, chủ đại lý một hãng sữa trên đường Đại Cồ Việt cũng khẳng định nhà sản xuất của các dòng sữa similac, pedia sure,...  tăng quanh mức 5-7%, áp dụng cho một tất cả các nhãn hàng, bao gồm cả hàng dành cho trẻ em lẫn người lớn,sữa chua...

Như vậy, từ ngày 1-3 tới, Enfa Grow 3A+ loại hộp 900g có giá  880.000 đồng thay vì mức giá hiện nay là 835.000 đồng, sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus, hộp 400g, tăng lên 225.000 đồng/hộp thay vì 205.000 đồng/hộp như hiện nay.

Tính ra từ đầu năm Giáp Ngọ đến nay, sữa đã tăng giá 2 lần liên tiếp của các hãng sữa. Trước đó vào 1-1-2014 giá nhiều dòng sản phẩm sữa bột nhập khẩu của hãng Mead Jonhson và Abbott đã tăng  thêm 4-7%.

Nguyên nhân của việc tăng giá sữa cũng được các nhà sản xuất chỉ ra: Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa. 

Đại diện của Vinamilk – đơn vị  ưu thế của những năm trước là ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm, thì năm nay Vinamilk cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cả năm. Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 usd/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 usd/tấn lên 4.900 usd/tấn), tương đương tăng 34%; Bột sữa béo tăng khoảng 1.555 usd/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ khoảng 3.600 usd/tấn lên 5.155 usd/tấn), tương đương tăng 43%; Dầu bơ tăng khoảng 2.096 usd/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 usd/tấn lên 5.746 usd/tấn), tương đương tăng 57%. Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng, Vinamilk tính đến đầu năm 2014 đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013 (từ 11.175đ/kg lên 13.700đ/kg).

Vinamilk cho biết, do tình hình nguyên liệu sữa trên thế giới biến động, khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tất yếu đến các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Vì vậy việc điều chỉnh giá bán sữa trong nước là vấn đề tất yếu không tránh khỏi.



Sữa liên tục tăng giá, nỗi lo của người tiêu dùng

Chuyển sang cơ chế kiểm soát giá

Vậy, câu hỏi đặt ra là giá sữa có thực sự được bình ổn hay không kể từ khi Thông tư 30 do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 20-11 năm ngoái. Dù liên tiếp được cơ quan quản lý "nắn”, nhưng giá  sữa vẫn tăng, diễn ra theo kiểu "đến hẹn lại lên”? Phản ứng tăng giá của các hãng sữa phải chăng cho thấy sự bất lực trong quản lý giá, hay việc tăng giá được chấp nhận là hợp lý? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính cho biết theo quy định luật giá, nếu DN làm đúng, thì không thể bắt bẻ được.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, luật Giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng rõ ràng là bất cập bởi vì Thông tư 30 chỉ là cơ sơ pháp lý để DN đăng ký giá chứ không phải là cơ chế để Nhà nước kiểm soát giá của doanh nghiệp. Rõ ràng đây chỉ là hình thức chứ không mang tính hiệu quả. Thậm chí, nhờ có Thông tư 30, được đưa vào mặt hàng bình ổn, giá sữa lại càng dễ tăng hơn, vì nó đã được hợp lý hóa bằng cách chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã đủ trách nhiệm, sau đó tha hồ tăng giá với cái cớ đã đăng ký, đã được chấp nhận mà không sợ bị soi, không sợ bị ai "túyt còi” cả. 

Ông Phong nhấn mạnh hãy chuyển sang cơ chế kiểm soát giá, đưa ra quy chuẩn về quản lý, mức lợi nhuận bình quân mà DN được hưởng khi kinh doanh sữa, hay nói cách khách là áp mức trần cho giá sữa theo tỷ lệ lợi nhuận. Có như vậy, giá sữa mới thực sự được quản lý, người tiêu dùng mới không bị móc túi. Còn không, hãy để giá sữa cạnh tranh theo thị trường, chứ đừng bình ổn nửa vời kiểu này.

Hồ Hương
Nguồn: daidoanket.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác