Kinh tế - Thị trường
Gia nhập TPP, thách thức cho ngành sữa Việt Nam
Thúc đẩy xuất khẩu
Những nội dung cuối cùng trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vào ngày 5/10, qua đó Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 12 thành viên của TPP.
Sự kiện này mở ra chương hợp tác, hội nhập mới cho Việt Nam, đồng thời các ngành kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tác động từ Hiệp định này.
Theo Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế - Trung tâm WTO và Hội nhập, lợi ích ở thị trường các nước đối tác TPP mà Việt Nam có thể tận dụng từ TPP thể hiện ở 2 hình thức chủ yếu: Lợi ích thuế quan (đối với thương mại hàng hóa) và lợi ích tiếp cận thị trường (đối với thương mại dịch vụ và đầu tư).
Với Việt Nam, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu TPP mang đến lợi ích có thể tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ với mức thuế suất thấp thậm chí bằng 0 điều này sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho nhiều ngành hàng của chúng ta.
Kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu đặc biệt ở những nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu (như dệt may, giầy dép…).
Với TPP, Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít rào cản và điều kiện hơn. Tuy vậy, trên thực tế, dịch vụ của Việt Nam hầu như chưa có đầu tư đáng kể ở nước ngoài do năng lực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém. Trong tương lai, tình hình này có thể thay đổi đôi chút (với những nỗ lực trong việc xuất khẩu phần mềm, đầu tư viễn thông…).
Ngoài ra, với TPP, Việt Nam cũng có các lợi ích khai thác được tại thị trường nội địa, như các lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP; từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Mỹ và các nước đối tác TPP; từ những thay đổi thể chế hay cải cách để đáp ứng đòi hỏi chung của TPP; từ việc mở cửa thị trường mua sắm công; từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường…
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức liên quan sức ép cạnh tranh, mở cửa thị trường hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, môi trường lao động...
Sức ép cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu được lo ngại nhiều nhất ở nông nghiệp như chăn nuôi, sữa. Trong 12 nước tham gia TPP, có 3 nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Australia. Trong đó New Zealand và Australia là những "cường quốc" về chăn nuôi bò thịt bò sữa, đến năm 2018 các sản phẩm sữa nhập từ các nước này vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0. Điều này đặt ra thách thức cho ngành sữa trong nước.
Thách thức ngành sữa
Trong khoảng 5 năm trở lại đây thị trường chăn nuôi bò thịt, bò sữa có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên đáng chú ý như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn TH true MILK, Nova Group...
Sau khi tuyên bố chuyển hướng đầu tư chăn nuôi bò, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ra mắt công ty con: Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Năm 2015, HAGL Agrico thí điểm nuôi 10.700 con bò sữa. HAGL Agrico dự định, bò sữa sẽ đóng góp khoảng 7% lợi nhuận năm 2015 và 13% trong năm 2016.
Nhưng trước đó, từ giữa năm 2014, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức đã bắt tay với NutiFood thực hiện dự án nuôi bò sữa. Phía bầu Đức nuôi 120.000 con bò sữa để cung ứng nguyên liệu, đảm bảo cho công suất hoạt động nhà máy chế biến 500 triệu lít của NutiFood đặt tại Gia Lai.
Sau 16 tháng hợp tác, 2 bên vừa đưa sản phẩm sữa tươi, sữa chua ra mắt thị trường. Bầu Đức cho biết, trang trại HAGL hiện đã có 10.000 con bò sữa, trong đó 5.000 con đã cho sữa.
Trong khi đó với Tập đoàn TH true Milk, sau khi tung ra thị trường sản phẩm sữa đầu tiên vào cuối năm 2010, với định hướng rõ ràng tấn công vào thị trường sữa tươi sạch, TH true MILK liên tục phát triển đến nay trang trại của doanh nghiệp nghiệp này tại Nghệ An đang có 45.000 con bò sữa, và dự kiến nâng tổng đàn lên hơn 200.000 con khoảng năm 2020.
Trong số doanh nghiệp sữa trong nước, Vinamilk tiếp tục cho thấy sự lớn mạnh khi đầu tư mạnh mẽ xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại, đẩy mạnh phát triển đàn bò. Đến nay, đàn bò của doanh nghiệp đã khoảng 110.000 con. Đó là chưa kể việc hợp tác với 7.200 hộ trang trại, thu mua 60% sữa sản xuất trong nước.
Thị trường sữa trong nước năm qua chứng kiến sự tham gia của Nova Group, một tập đoàn được biết đến với bất động sản và nông nghiệp, cũng tuyên bố đầu tư vào sữa. Thương vụ hợp tác trị giá 50 triệu USD với Kerry đặt nhà máy sản xuất tại Ireland, cũng đã cho ra mắt sản phẩm sữa bột cho trẻ trong tháng 8/2015.
Ngay thời điểm này, khó có thể thấy tác động TPP. nhưng sau năm 2018 khi sản phẩm sữa các nước New Zealand và Australia vào thị trường với mức thuế suất bằng 0 chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường sữa và doanh nghiệp sữa trong nước. Lúc này doanh nghiệp sữa trong nước cần chủ động nắm giữ thị trường, đầu tư mạnh mẽ, bài bản với công nghệ cao mới cạnh tranh được sản phẩm sữa nhập.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR), ngành chăn nuôi Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, chiếm đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.
Riêng với ngành sữa và bò thịt, VEPR cho rằng thách thức TPP nhưng cũng sẽ có cơ hội phát triển, tuy nhiên cần phải tái cấu trúc đẩy nhanh hơn chất lượng và sức cạnh tranh. Theo VEPR Việt Nam cần tăng nhập khẩu giống bò, đầu tư quy mô trang trại tập trung, tăng diện tích trông cây làm thức ăn chăn nuôi khu vực thích hợp.
Cùng với đó VEPR cũng cho rằng, thị trường sữa Việt Nam cần minh bạch thông tin các sản phẩm sữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời giúp giá sữa về với thực tế hơn, giúp người dân tiếp cận sữa có chất lượng sát với giá thành, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sữa tăng cường đầu tư, tăng sản lượng sữa tươi trong nước, giảm phụ thuộc và nhập khẩu.
Mai Anh