Kinh tế - Thị trường
Cuối cùng cũng bán nốt 'con bò sữa tỷ đô'
Giá cao, nhiều người thèm
Thông tin Chính phủ bất ngờ quyết định cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) trị giá tới 2,5 tỷ USD gây chấn động trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Nhiều cổ phiếu ngay lập tức tăng trần. Vinamilk cũng đã có lúc tăng hết biên độ cho phép và tính tới cuối phiên 14/10 VNM vẫn tăng 3.000 đồng, lên 105.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của Vinamilk cũng tăng hơn gấp đôi so với các phiên thông thường, cho dù giá tăng mạnh.
Trên TTCK, VNM cùng với BMP,... là một trong số ít ỏi các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp. Cho dù đã chia tách khá nhiều lần, cổ phiếu VNM vẫn luôn là một thanh nam châm hút dòng tiền của các NĐT. Theo số liệu của SCIC, hiện tổng công ty này đang nắm giữ 45,1% vốn Vinamilk. VNM hiện có hơn 1,2 tỷ cổ phần.
Với giá mỗi cổ phiếu hiện ở mức 105.000 đồng, tổng giá trị vốn hóa của Vinamilk lên tới trên 126 ngàn tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ USD. Quyết định cho phép SCIC rút vốn lần này nếu thành công sẽ giúp Chính phủ thu về gần 2,5 tỷ USD - một con số rất lớn có thể giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.
Từ nhiều năm nay, Vinamilk là một trong số ít các DN lọt vào tầm ngắm của các nhà tài phiệt quốc tế, quỹ đầu tư và các đối tác tiềm năng. Cổ phiếu này luôn ở trong tình trạng hết room cho NĐT ngoại và không có cổ đông ngoại nào buông cổ phần của mình tại VNM. Một trong những yếu tố giúp Vinamilk trở thành cổ phiếu hàng đầu trên TTCK, mang tầm thương hiệu quốc tế là nhờ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận cao (30-50%) đều đặn trong hàng chục năm qua, không lún sâu vào nợ nần,...
Tính đến giữa 2015, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Vinamilk dưới 0,3. Theo Đề án tái cơ cấu SCIC, được phê duyệt hồi 2013, thì SCIC sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn lâu dài tại Vinamilk khiến không ít NĐT ngoại thất vọng.
Tuy nhiên, quyết định mới có thể lại đang nhen nhóm một cuộc đua tranh giành đầu tư mua cổ phần kiểm soát tại một trong các thương hiệu hàng đầu Việt Nam.
Sẵn sàng cho “cuộc chơi” lớn
Đầu tháng 7 vừa qua, Vinamilk đã chi tạm ứng cổ tức 2015 khoảng 4.000 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, người sở hữu 5 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Chỉ riêng tiền mặt, SCIC đã thu về 2.164 tỷ đồng trong đợt này. Năm 2013, số tiền cổ tức thậm chí còn lớn hơn khi đạt 2.597 tỷ đồng. Năm 2015, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2014.
Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp này đang xếp đầu bảng về cơ cấu tài sản, nguồn thu cổ tức của SCIC. “Con bò sữa” này mang hàng ngàn tỷ đồng lãi cổ tức mỗi năm cho SCIC. Với tỷ lệ cổ tức đều đặn 40-50% bằng tiền mặt và tỷ lệ cổ phiếu thưởng tổng cộng cũng khoảng 140-150% trong 5 năm qua, Vinamilk thực sự làm giàu cho rất nhiều các cổ đông của mình.
Đây là điều khiến không ít người giật mình khi Chính phủ bất ngờ cho phép SCIC rút hết vốn tại Vinamilk. Tuy nhiên, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng quyết định SCIC thoái vốn là một tín hiệu tốt đối với thị trường. Sự thoái vốn tại các công ty lớn - trong đó có VNM - sẽ tạo ra một chỗ trống mà ở đó dòng tiền từ NĐT nước ngoài có cơ hội tiếp cận DN tốt và tiềm năng.
Câu chuyện thoái vốn Vinamilk cho thấy một thực tế là: nếu Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần ở Vinamilk, thì Nhà nước cũng sẽ sẵn sàng hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhiều DN tầm cỡ khác, nơi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối và tham gia điều hành. Vinamilk là một DN đầu ngành.
Hiện các NĐT nước ngoài vẫn giữ kín room, đơn giản là bởi đây là một trong những DN làm ăn tốt nhất hiện tại và tác động quan trọng tới nền kinh tế. Hơn thế, bao nhiêu năm nay, chưa nghe nói ai đầu tư VNM lỗ cả,... dù kinh tế hay TTCK có đôi lúc thăng trầm. Giá trị của Vinamilk nằm ở sự tăng trưởng bền vững và quy mô ngày càng to lớn, có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong giai đoạn từ 2006-2011, doanh thu của Vinamilk tăng bình quân 29%/năm và lợi nhuận tăng 50%/năm.
Đến năm 2011, doanh thu của công ty đã đạt trên 1 tỉ USD và dự kiến là gần 2 tỷ USD cho năm 2015. Động thái thoái vốn Vinamilk còn có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, cải cách DNNN, vốn đang có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2015 do số lượng đơn vị phải cổ phần hoá còn nhiều.
Ông Lê Quang Trí cho rằng, tính tổng thể VNM là một lựa chọn đầu tư tốt. Và về triển vọng giá có thể bán được trong ngắn hạn, mức độ sinh lợi có thể lên tới 20%. Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VAFI, nhìn nhận, việc thoái vốn các DN như Vinamilk, FPT Telecom,... là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của các DN. Tuy nhiên, việc thoái vốn nên thông qua bán lô lớn cho các NĐT chiến lược, vừa được giá và đảm bảo thực hiện nhanh chóng.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, việc thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamilk là quyết định hợp lý, đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đã chấp nhận tham gia TPP - “cuộc chơi” vốn không có sự độc quyền hay sự bảo hộ cạnh tranh trong ngành sữa nói riêng và các ngành theo cam kết giữa các nước nội khối nói chung. Một mũi tên trúng nhiều đích: Nhà nước có tiền, Vinamilk tăng trở nên năng động và tăng khả năng cạnh tranh đồng thời thúc đẩy cổ phần hoá DNNN triệt để hơn tại Việt Nam.
M. Hà