Kinh tế - Thị trường
Cuộc thi độc đáo trên thảo nguyên xanh
Cuộc thi vì lòng tự hào nghề nghiệp
“Cuộc thi đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của những người chăn nuôi bò trên cao nguyên này", ông Trương Thi Khanh (khu Vườn Đào - thị trấn nông trường Mộc Châu) chủ nhân của gần 40 con bò sữa tâm sự.
Chủ nhân của “hoa hậu” bò sữa năm 2007, tỷ phú Nguyễn Văn Hải (trại 8, khu Vườn Đào), cho biết, khởi nghiệp năm 2002 với tám con bò, đến nay, trang trại của Hải có tổng số 70 con, dự tính sẽ phát triển đàn lên 100 con. Năm nay Hải mang hai con bò đẹp nhất đi tranh giải, trong đó, một con bò là con của hoa hậu bò năm 2007. Còn một con đạt giải bò cho sản lượng sữa cao nhất với 54 kg sữa/ngày năm 2014.
Để luyện tập được một con bò ra trước đám đông và biểu diễn những bước đi nhuần nhuyễn là quá trình không đơn giản. Sau khi lựa chọn những chú bò, bê tốt nhất trong đàn, người chủ cần có khoảng thời gian dài làm quen trước khi bắt đầu luyện tập. Sau đó, sẽ tách bò ra khỏi đàn, cho ra đường cái ngắm nhìn, làm quen chốn đông người. Chỉ cần tiếng động lạ là bò lồng lên chạy, bởi thế, thời gian đầu, cần tới ba người vừa dỗ dành, vừa “cướp ép”, rê dắt, huấn luyện bò đi được quãng đường dài, vì chân của bò rất yếu, do cung cấp lượng sữa nhiều, thân hình nặng. Chưa kể các công đoạn chăm sóc, tắm, chải lông... đều cần tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Đối với những chủ nhân có bò được tham dự vòng chung kết, ai nấy đều hân hoan, náo nức. Họ cho rằng, huấn luyện, đem bò đi thi là vì doanh nghiệp và cộng đồng, vì lòng tự hào, tự trọng đối với nghề nghiệp. Bởi 10 năm nay, từ ý tưởng của Mộc Châu milk, sự tần tảo sớm khuya của người nông dân đã góp phần hình thành nên một bản sắc văn hóa riêng của những người chăn nuôi bò sữa, một ngày hội độc đáo của người dân huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung. Hơn nữa, chính những con bò này đã nuôi sống và biến họ trở thành những tỷ phú trên cao nguyên, vì vậy chúng cần được nhận những phần thưởng xứng đáng.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cộng đồng
Với gần 600 trang trại bò quy mô từ 20 đến 200 con bò, cao nguyên Mộc Châu mát lành đã tạo dựng nên tầng lớp nông dân triệu phú, tỷ phú, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Ông Lâm Thanh Trân, chủ nhân “hoa hậu” bò năm 2005 cho biết, để có được đàn bò ngày càng phát triển về quy mô cũng như chất lượng sữa là nhờ sự hỗ trợ tuyệt vời của Công ty Mộc Châu milk, từ kỹ thuật chăn nuôi, phối giống, bảo hiểm giống vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ giá thức ăn, con giống… Nhiều năm qua, những hộ chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu mạnh dạn ứng dụng quy trình VietGap, nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm sữa vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sức cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp. Ông Trân nói, đó là phương thức để hộ nuôi bò sữa cùng công ty xây dựng thương hiệu sữa Mộc Châu uy tín, bền vững.
Trò chuyện với chúng tôi, tỷ phú Nguyễn Văn Hải tâm sự: “Tôi đã từng tới các vùng nuôi bò sữa của đất nước như: Củ Chi, Lâm Đồng… Đến đâu, tôi cũng nói với bạn bè, với những đồng nghiệp: Nông dân ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần bà đỡ của doanh nghiệp, mới tồn tại được”. Còn Tổng Giám đốc Mộc Châu milk Trần Công Chiến thì nói: “Đối với các doanh nghiệp cổ phần, cổ tức luôn là số 1, nhưng đối với Công ty Mộc Châu, chủ nhân của gần 600 trang trại bò mới là số 1.
Tuy nhiên, hiện, chúng tôi “bao bọc” nông dân của mình nhiều quá. Để những chủ trang trại thích ứng, nhạy bén hơn với cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ giảm sự hỗ trợ về giá, phối giống.
Để nông dân chăn nuôi bò sữa không chỉ mạnh dạn trong áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các quy trình chăn nuôi, làm chủ máy móc hiện đại, mà còn giỏi về quản trị, quản lý đàn bò. Có như vậy mới mong ngày càng phát triển quy mô đàn bò. Cùng với triển khai VietGap, năm 2013, Mộc Châu milk được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt quy hoạch vùng dự án phát triển chăn nuôi cho các năm 2015-2020-2030, với diện tích 17 nghìn ha đất nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, đưa đàn bò sữa Mộc Châu lên 35 nghìn con, với sản lượng sữa đạt hơn 150 nghìn tấn/năm”.
Cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu tổ chức đầu tiên năm 2004. Sau 11 năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân cao nguyên Mộc Châu, là điểm đến thú vị với khách du lịch thập phương. “Hoa hậu bò sữa” năm 2015 sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-10 tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, với sự tham gia của 110 con bò, tổng trị giá các giải thưởng lên tới hơn một tỷ đồng. Cuộc thi là cơ hội để người chăn nuôi có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau, với nhà khoa học, nhằm tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa, trở thành một ngành chăn nuôi công nghệ cao.
Thùy Chi