Không chỉ phải đương đầu với sữa ngoại, ngay trong nội địa, cuộc cạnh tranh của các hãng sữa cũng không kém phần nóng bỏng nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Khốc liệt nhất là cuộc chiến trên các dòng sản phẩm sữa nước, gồm: Sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên (sữa được pha từ bột) và vùng nguyên liệu sữa tươi. Trong cuộc nội chiến “vàng trắng” này đã không ít lần, người nông dân và người tiêu dùng (NTD)... khóc ròng!
Gia tăng “đối trọng”
Khi thực hiện loạt bài viết này, ngay từ ban đầu, các tuyến điều tra của PV đều nhận được những cảnh báo từ các chuyên gia cùng quan điểm rằng, cuộc chiến “vàng trắng” trên thị trường sữa bột, các nhãn hãng sữa ngoại hiện nay thực sự diễn ra tại phân khúc sữa nước.
Cũng theo đánh giá từ các chuyên gia, điều này có yếu tố “lịch sử”, vì thị trường sữa Việt Nam khởi phát đã định vị bằng sữa được pha từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu (thường gọi là sữa hoàn nguyên). Điều đó cũng trả lời câu hỏi vì sao trên thị trường sữa hiện nay có hàng trăm nhãn mác sữa nước các loại với nhiều mức giá, dung lượng, kiểu dáng khác nhau. Chính nó đã “kích nổ" cuộc đua về vùng nguyên liệu sữa tươi từ các trang trại bò sữa.
Thu thập dữ liệu qua các cuộc hội thảo, trên website nội bộ; từ những giải trình của các hãng sữa mỗi khi thực hiện áp giá, hoặc thay đổi giá... cho thấy, các doanh nghiệp về sản xuất kinh doạnh sữa nội đang không ngừng đầu tư để mở rộng quy mô đàn bò. Trong đó, phát triển với tốc độ "chóng mặt" phải kể đên TH true Milk, khi chỉ sau gần 5 năm, số lượng đàn bò mà thương hiệu này sở hữu đã lên đến 45.000 con. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò sẽ tăng lên 137.000 con và năm 2020 sẽ là 203.000 con.
Đối với Vinamilk, chiến lược phát triển đàn bò cũng đang được doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất này đẩy mạnh trong năm 2014, khi liên tục nhập về hàng nghìn con bò, nâng tỷ lệ sở hữu bò tại các trang trại lên tới 15.000 con. Giai đoạn 2017 - 2020, Vinamilk cũng công bố kế hoạch phát triển đàn bò lên mức tương ứng là 100.000 con và 140.000 con.
|
Phát triển trang trại bò sữa là cuộc chiến ngầm giữa các hãng sữa nội |
Những con số trên đã phác thảo bức tranh về thị phần sữa nội và cho thấy một điều, Vinamilk và TH true Milk không chỉ là "đối trọng" của nhau mà còn liên tiếp nhắm đến các đối tác khác để gia tăng sức mạnh. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển "nóng" về số lượng đàn bò cũng đang đặt ra vấn đề là nhu cầu thị trường liệu đã bắt kịp với tốc độ phát triển?
Điều này khiến cuộc cạnh tranh của sữa nước ngày càng khốc liệt hơn và doanh nghiệp có nguy cơ thừa nguồn cung so với nhu cầu. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc người dân vùng nguyên liệu đổ sữa ra đường?
Theo phân tích từ chuyên gia marketingcủa hai hãng sữa trên thì: Giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu liên tục giảm sâu trong thời gian qua, giá sản phẩm trong nước phần lớn chỉ trượt nhẹ tạo nên chênh lệch hấp dẫn, "vô tình" góp thêm lý do gạt người nông dân ra và là nguồn gốc sâu xa của chuyện họ đổ sữa.
Chuyên gia cũng đưa ra một bài học xương máu khi doanh nghiệp “nhảy vào” định “giải cứu” vụ nhiều hộ dân nuôi bò sữa đổ sữa ra đường (năm 2013 tại Ba vì, Hà Nội - PV). Sau khi đã bỏ ra một khoản “kha khá” để đầu tư lại vào vùng nguyên liệu này, thanh khoản các hợp đồng với doanh nghiệp trước đó đã ký với các hộ dân, đến kỳ thu mua nguồn sữa, các hộ dân lại tự ý phá cam kết, đem sản phẩm bán ra ngoài vì được trả giá cao hơn. Bên cạnh đó, đối thủ dùng mọi cách (thuê cả xã hội đen-PV) để ngăn cản xe bồn vào vùng nguyên liệu thu mua sữa của các hộ dân. Kết cục, doanh nghiệp này đành phải “ngậm đắng” rút ra ngoài.
Lập lờ như...sữa nước
Như vậy, có thể thấy, để cố thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa bột ngoại nhập, các doanh nghiệp sữa trong nước đã tập trung đầu tư mở rộng nguồn nguyên liệu. Song, theo tìm hiểu của PV, sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước vẫn bị “cản trở”, bắt nguồn từ một nguyên nhân quan trọng từ chính Thông tư 30 của bộ Y tế về quy chuẩn sữa dạng lỏng.
Khảo sát thực tế của PV cho thấy, hiện nay, hầu hết NTD đều nghĩ rằng, sữa nước - có nghĩa đó là sữa tươi. Song, có một điểm quan trọng mà ít NTD để ý là trên bao bì sản phẩm hiện tồn tại hai loại sữa là “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng”.
Dẫn chứng, khi mua một chủng loại sữa đóng hộp 180ml của một vài hãng sữa để đối chiếu, so sánh, PV nhìn thấy trên sản phẩm của nhãn hãng sữa M.C. ghi trên bao bì là “sữa tươi tiệt trùng”, còn sản phẩm D. của F.C. lại chỉ ghi là “sữa tiệt trùng có đường”. Sự khác nhau ở đây chính là nằm ở chữ “tươi” - có nghĩa, đó là nguồn sữa được vắt ra từ chính con bò sữa, rồi qua quá trình chế biến tiệt trùng để thành sản phẩm sữa; còn loại sản phẩm chỉ ghi là “sữa tiệt trùng”, thực chất thành phần chính là sữa bột pha lại để thành sữa dạng lỏng. Đây chính là điểm mà một số hãng sữa mập mờ, khiến nhiều NDT bị lẫn lộn, thậm chí không phân biệt được khi mua sản phẩm.
Từ tìm hiểu, tổng hợp các dữ kiện và phân tích, PV phát hiện ra, để quản lý chất lượng sữa, từ năm 2009, bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Tại bộ tiêu chuẩn TCVN 7029:2009 ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng.
Trong đó, định nghĩa sữa hoàn nguyên tiệt trùng là sản phẩm thu được bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết vào sữa dạng bột hoặc sữa cô đặc để thiết lập lại tỷ lệ nước và chất khô thích hợp đã qua xử lý ở nhiệt độ cao.
Thế nhưng, tại Thông tư 30, ngày 2/6/2010, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng của bộ Y tế (QCVN 54:2010/BYT) lại “bỏ” đi các từ ngữ quan trọng để phân biệt với sữa tươi thật là “hoàn nguyên” và “pha lại”. Cụ thể, tại mục 1.3.5, chỉ nêu một khái niệm chung chung là “sữa tiệt trùng”.
Chính sự không rõ ràng này đã tạo khe hở lớn cho không ít doanh nghiệp sữa lợi dụng, thay vì gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột là hoàn nguyên, họ chỉ ghi chung chung “sữa tiệt trùng”. Tên gọi này không gọi thẳng vào nguyên liệu sản xuất (sữa bột hay sữa tươi) mà chỉ là tên phương pháp chế biến, dùng chung cho cả sữa bột và sữa tươi.
Cũng từ đó, nhiều doanh nghiệp không chịu đầu tư phát triển, thu mua nguồn nguyên liệu sữa trong nước mà chọn cách “lệ thuộc” vào nguồn sữa bột nhập khẩu về pha lại nhằm thu lợi nhuận “siêu khủng”, tạo môi trường cạnh tranh không sòng phẳng, thiếu công bằng.
Liên quan đến vấn đề về cách thức ghi nhãn mác của các dòng sữa nước, đại diện cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp nhận định có sự vênh nhau giữa bộ tiêu chuẩn TCVN và QCVN. Theo đó, việc chỉ quy định là " sữa tuyệt trùng" như trong Thông tư 30 của bộ y tế là chưa đủ. Cần phải hiểu, tiệt trùng chỉ là một khái niệm chung để chỉ về phương pháp chế biến sữa, còn đó là sữa gì thì phải ghi rõ ra. Theo vị này, trên bao bì sản phẩm, cần phải yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ và dùng cỡ chữ như " tươi", " hoàn nguyên", "pha lại".
Thông tin từ cục An toàn thực phẩm, theo quy định tại Điều 13, Nghị định 89/2006 về nhãn hàng hóa: Trường hợp tên cấu tạo được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa, thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng. Điều đó có thể hiểu, doanh nghiệp công bố sản phẩm có chứa sữa tươi thì phải thể hiện rõ ràng hàm lượng sữa tươi là bao nhiêu tại mục thành phần cấu tạo trong hồ sơ công bố và trên nhãn sản phẩm. Song, khảo sát trên thị trường, nhiều sản phẩm không thực hiện hoặc thực hiện chưa hết ý của Điều 13.
Vi Hoàng