Kinh tế - Thị trường

“Cục Quản lý giá theo dõi sát diễn biến thị trường sữa"

“Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ có biện pháp can thiệp, bình ổn. Trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có định hướng của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá”, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ tháng 12-2013 đến nay đã có 2/6 công ty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính với mức tăng từ 5 đến 10%, trong đó có 1 công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 12/13 mặt hàng với mức tăng từ 5 đến 9%, chưa được Bộ Tài chính chấp thuận do nguyên nhân tăng giá chưa phù hợp.

Đối với Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), ngày 5-12-2013, Công ty này có văn bản kê khai giá gửi về Bộ Tài chính. Theo Biểu kê khai của Công ty, Công ty thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với 16 sản phẩm dinh dưỡng công thức và kê khai mới 2 sản phẩm dinh dưỡng công thức. Mức giá bán áp dụng từ ngày 12-12-2013. Tỷ lệ điều chỉnh tăng giá của các sản phẩm từ 5 đến 10%.

 


 

 

Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh giá bán của các sản phẩm thường được các doanh nghiệp đưa ra là do thời gian qua giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng, bên cạnh đó giá nhập khẩu nguyên hộp tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán.

 

 

Hoa hồng quảng cáo của một số doanh nghiệp qua thanh tra mới đây của Bộ Tài chính chiếm 5% giá thành.


Trong 16 sản phẩm Công ty thực hiện điều chỉnh tăng có 3 sản phẩm được điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2013 với mức tăng là 10%. Có 12 sản phẩm kê khai lần đầu (sản phẩm mới) với mức tăng từ 5 đến 7%. Còn lại 1 sản phẩm lần đăng ký điều chỉnh tăng giá gần nhất là từ tháng 5-2012 với mức tăng 5%.

Theo hồ sơ (hợp đồng, tờ khai hải quan) của Công ty Mead Johnson Nutrition gửi về Cục Quản lý giá, nguyên nhân tăng giá là do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ ngày 1-8-2013 với mức tăng từ 12,6 đến 12,8%. Ngoài ra, giá nhập khẩu tăng. Có 3 sản phẩm (Enfalac Lactose Free Powder 400g, Pregestimil Powder 400g Lipil và  Enfalac Premature Powder 400g) hiện giá bán trên thị trường thấp hơn chi phí sản xuất kinh doanh và Công ty đã trợ giá cho người tiêu dùng nhiều năm nay, do vậy cần phải cắt giảm lỗ.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra ngày 22-10-2013, giá nhập khẩu chiếm từ 49 đến 73% giá bán chưa thuế của Công ty vào thời điểm trước ngày 1-8-2013. Với tỷ lệ tăng giá nhập khẩu thực tế tăng 12,6-12,8% và tỷ lệ giá nhập khẩu trong giá bán nói trên thì mức giá bán tăng tương ứng khoảng 5-10%.

Theo tính toán sơ bộ của Cục Quản lý giá, nếu cố định các khoản chi phí khác không thay đổi thì các sản phẩm dinh dưỡng công thức do Công ty kê khai điều chỉnh giá là tương đối phù hợp. Công ty Mead Johnson Nutrition đã tăng giá các sản phẩm theo đăng ký kể từ ngày 1-1-2014.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, theo thông lệ hàng năm, giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định.

“Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ có biện pháp can thiệp, bình ổn. Trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có định hướng của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá”, ông Tuấn khẳng định.

“Diễn biến xấu” được Cục trưởng Cục Quản lý giá nhắc đến là khi giá tăng, tác động lên CPI, hoặc lên mặt bằng kinh tế- xã hội, lúc đó Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.

Dẫn chứng là vào thời điểm này cách đây 2 năm, sau khi những sản phẩm sữa nước tăng giá liên tục, Bộ Tài chính đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc tăng giá kèm theo giải trình chi tiết về tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá. Sau khi có báo cáo giải trình của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh tổng hợp, kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỷ lệ tăng giá bán.

Đồng ý sự tăng giá của Công ty Mead Johnson Nutrition là phù hợp, tuy nhiên, để xem xét Công ty này có dấu hiệu chuyển giá hay không, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị kiểm tra sau thông quan đối với các sản phẩm tăng giá nói trên của Công ty này. Hiện Cục Kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan đang tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam).

Thời điểm tháng 12-2013,  giá sữa tại các thị trường trên thị trường thế giới có xu hướng tăng so với tháng trước đó. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc ở mức 4.350- 5.100 USD/tấn, tăng 102 USD/tấn; tại thị trường Tây Âu ở mức 4.050- 4.700 USD/tấn, tăng 125 USD/tấn. Giá sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc ở mức 4.800-5.400 USD/tấn, tăng 137 USD/tấn; tại thị trường Tây Âu ở mức 4.850-5.225 USD/tấn, tăng 75 USD/tấn.

Trong những tháng đầu năm 2013, trước diễn biến một số doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ và Cục Quản lý giá phối hợp kiểm tra về thuế và giá năm 2012 và 9 tháng năm 2013 tại một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lớn tại Việt Nam. Qua kiểm tra đã thu phạt vào ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân do sai phạm.

 

 

 

Nhà nước thực hiện quản lý về giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan chủ quản (Cục Quản lý giá hoặc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố) trước 5 ngày.

Minh Anh

Nguồn: aohaiquan.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác