Kinh tế - Thị trường
CEO FrieslandCampina VN: "2014, thị trường sữa sẽ cạnh tranh gay gắt"
Thị trường sữa Việt Nam trong những năm qua chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của thương hiệu sữa nội. Hàng loạt dự án, nhà máy sữa của doanh nghiệp sữa trong nước được xây dựng và đi vào hoạt động tạo hiệu ứng cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường này.
Năm 2013, thị trường sữa nước ước đạt 670.000 tấn, tương đương 18.000 tỉ đồng và dự tính đạt hơn 1.000 tấn, tương đương 34.000 tỉ đồng vào năm 2017. Thị trường sữa bột năm 2013 cũng đạt 70.000 tấn, tương đương 28.000 tỉ đồng và sẽ tăng lên mức 90.000 tấn (tương đương 48.000 tỉ đồng) vào năm 2017.
Cũng trong năm 2013, nhiều thương hiệu sữa Việt tăng tưởng mạnh mẽ, đầu tiên phải kể đến Vinamilk. Su khi đi vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước hiện đại tại Bình Dương, Vinamilk tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 121 triệu NZD (tiền New Zealand) lên gần 148 triệu NZD để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 19,33% vốn tại Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand.
Ngoài ra, Vinamilk cũng nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho khoản góp vốn trị giá 7 triệu USD vào Công ty Driftwood tại Mỹ, tương đương 70% vốn chủ sở hữu tại công ty sữa này. Năm 2014, Vinamilk dự kiến sẽ mở thêm một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng. Với chiến lược mở rộng kinh doanh toàn cầu, Vinamilk kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017.
Trong khi đó các hãng sữa ngoại liên tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tháng 6/2013 Nutifood khởi công xây dựng với tổng công suất 50.000 tấn sữa bột/năm, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 600.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm, từ đầu năm 2014.
Có thể thấy với những chiến lược kinh doanh riêng của các hãng sữa, thị trường sữa Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá sẽ diễn ra cạnh tranh mạnh mẽ. Nhưng liệu sự cạnh tranh đó có giúp người tiêu dùng được sử dụng sữa chất lượng có giá thành hợp lý? Và các doanh nghiệp sữa phải làm gì để chiếm được sự tin tưởng và giành được thị phần ổn định trên thị trường?
Đánh giá về tiềm năng thị trường sữa Việt Nam, ông Trương Văn Toàn - Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, nổi tiếng với thương hiệu sữa Dutch Lady, sữa Cô gái Hà Lan… cho rằng: Trước khi FrieslandCampina vào Việt Nam (trước năm 1995), mức tiêu thụ sữa trên đầu người của người Việt Nam là dưới 3 lít/người/năm. Đây là mức tiêu thụ sữa trên đầu người ở mức thấp.
Tuy nhiên sau khi FrieslandCampina tham gia thị trường sữa Việt Nam cùng với các thương hiệu sữa khác đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, nâng dần mức tiêu dùng sữa của người Việt Nam lên khoảng 10 lít/người/ năm. Đến nay, mức tiêu thụ của người Việt Nam khoảng 15 lít/người/ năm.
“Mức tiêu thụ này vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng vì mục đích cho việc tiếp tục cải thiện sức khỏe, tầm vóc của người Việt Nam. Do vậy thị trường sữa Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng”, ông Toàn cho biết.
Song song với việc tăng lượng sữa tiêu thụ, theo ông Toàn thị trường sữa Việt cần có nhiều sản phẩm thực sự có chất lượng cao được sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Trương Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp Lý của FrieslandCampina Việt Nam |
“Người tiêu dùng hiện nay kỹ tính và đặt yêu cầu cao vào sản phẩm mà họ tiêu thụ. Các sản phẩm có uy tín và thương hiệu lâu năm luôn chiếm được sự tin dùng của khách hàng. Chính vì thế, sự cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cũng gay gắt nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng cao nhất cho người tiêu dùng”, ông Toàn đưa ra đánh giá.
Nhấn mạnh yếu tố chất lượng sữa sẽ làm nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, vị giám đốc đối ngoại của FrieslandCampina Việt Nam cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian qua FrieslandCampina Việt Nam thường xuyên đầu tư vào con người, công nghệ và hệ thống đảm bảo những sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm sữa chất lượng và an toàn nhất.
“Việc sản xuất ra một sản phẩm, từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều bước kiểm định chất lượng của công ty và các trung tâm kiểm định được Bộ Y Tế ủy quyền (Quatest) chứng nhận. Bên cạnh đó Tập đoàn FrieslandCampina trên toàn cầu còn áp dụng riêng một quy trình kiểm soát nội bộ là FoQuS với đầy đủ các qui định chặt chẽ về những tiêu chuẩn trong an toàn thực phẩm, chất lượng, an toàn lao động và môi trường sản xuất”, ông Toàn giới thiệu.
Theo ông Toàn, năm 2013 là năm thành công của FrieslandCampina Việt Nam, với việc đưa tới người tiêu dùng 2 dòng sản phẩm mới là Dutch Lady 20+ và Dutch Lady Complete, sản phẩm sữa Chọn - 100% sữa tươi được tuyển chọn khắt khe được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.
Với đà phát triển này, năm 2014 FrieslandCampina Việt Nam sẽ không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, đồng thời gợi mở và xây dựng những chương trình cần thiếtcho dinh dưỡng của người Việt Nam trong những năm tới.
Trong khi đó, đánh giá về đàn bò sữa và lượng sữa cung cấp ra thị trường hàng năm ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thì dù cho đàn bò sữa dự kiến sẽ tăng lên 400.000 con vào năm 2020 với tổng sản lượng sữa tươi tăng lên 1 triệu tấn nhưng cũng chỉ đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng sữa tươi trong nước. Từ đó có thể thấy tiềm năng vẫn còn rất lớn tại Việt Nam.