Kinh tế - Thị trường

Bỏ trần giá sữa: Doanh nghiệp phải minh bạch

Tại thời điểm này, vấn đề được dư luận hết sức quan tâm đó là việc Bộ Tài chính đang xem xét dỡ bỏ giá trần áp dụng đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày 1/7/2016.

 “Bỏ giá trần… dân lo”

Sau khi có thông tin về việc bỏ trần giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, nhiều người tiêu dùng lo lắng về đợt tăng giá sữa mới. Lo ngại của người tiêu dùng là có căn cứ, vì trên thực tế thị trường sữa vừa mới ổn định, việc dỡ trần sẽ làm xáo trộn về giá, nhất là đối với các loại sữa công thức.

Nhìn lại những năm qua, thị trường sữa luôn trong tình trạng loạn giá, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu nhiều và người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Hiện giá sữa ở Việt Nam vẫn khá cao so với các nước trong khu vực. Với thực tế trên, Chính phủ đã thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016. Phải thừa nhận khi thực hiện quyết định áp giá trần đối với sản phẩm sữa của Bộ Tài chính đã giúp giá sữa trên thị trường bớt “nhảy múa” và người tiêu dùng được mua sữa với mức giá hợp lý. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, đã có khoảng 800 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá trần.

Mặc dù đến ngày 1/7/2016, việc bỏ giá trần mới có thể thực hiện, nhưng đa số người tiêu dùng đều lo lắng, chị Hà Thu (Giảng Võ - Hà Nội) - cho hay: “Khi nhà nước bỏ quy định về bình ổn giá sữa, tôi lo giá sữa sẽ tăng trở lại, hậu quả lại đè nặng lên vai người tiêu dùng”.

Đổi mới biện pháp quản lý

Theo Hiệp hội doanh nghiệp (DN) sữa Việt Nam, động thái bỏ trần giá sữa vào thời điểm này là phù hợp với tình hình kinh tế thị trường, theo đó các DN sẽ điều chỉnh giá uyển chuyển, linh hoạt, trọng tâm là bảo vệ người tiêu dùng.

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, điều mà người tiêu dùng mong muốn là Bộ Tài chính nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa sau khi dỡ bỏ giá trần. Cụ thể, các nhà quản lý cũng cần xem xét kỹ các vấn đề như giá trên thị trường có cạnh tranh minh bạch hay không, loại sữa mới nào sẽ vào thị trường trong nước, có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm hay không…?

Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chia sẻ, Việt Nam hiện có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, đây là đối tượng rất nhạy cảm và cần được quan tâm. Thêm vào đó, thu nhập người dân cũng chưa cao so với khu vực và thế giới. Việc bỏ giá trần cần đảm bảo cạnh tranh, hài hòa lợi ích giữa DN, nhà nước và người tiêu dùng. Các DN cũng phải đảm bảo sự minh bạch về chi phí cho nguồn nguyên liệu, chi phí như thế nào để sản xuất ra sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó phải tính chính xác chi phí quảng cáo, khuyến mại và nhiều chi phí khác đi kèm…

Để Chính phủ sớm đi đến quyết định bỏ áp giá trần với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em, DN sản xuất, kinh doanh sữa cũng phải nỗ lực xây dựng chiến lược giá minh bạch, hợp lý để xác định mức giá tối đa cho sản phẩm của mình chuẩn bị đưa ra thị trường. Nói cách khác, cần phải tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh để người tiêu dùng có quyền lựa chọn sữa rẻ và chất lượng. Đó mới là biện pháp căn cơ và hiệu quả để quản lý giá sữa hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Để kiểm soát thị trường sữa, không thể trông chờ vào sự tự giác của DN mà các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực giám sát.

Lan Anh

Nguồn: baocongthuong.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác