Kinh tế - Thị trường

Bầu Đức đưa công ty nuôi bò lên sàn chứng khoán

(Dairy Việt Nam) - HAGL Agrico sẽ theo “mẹ” lên sàn chứng khoán vào ngày 20/07– sự kiện được các nhà đầu tư lưu tâm trong tuần qua. Mặc dù vẫn chịu chi phí tài chính khá lớn, trong bối cảnh công ty mẹ HAGL cũng đang trong giai đoạn nỗ lực tái cơ cấu khoản 4.200 tỷ đồng trái phiếu, hy vọng mã HNG sẽ không chỉ là “trào lưu” đầu tư nông nghiệp hiện nay.

Theo đó, từ ngày 20/07/2015, toàn bộ hơn 708 triệu cổ phiếu HAGL Agrico với mã chứng khoán HNG (tương đương vốn điều lệ 7.081 tỷ đồng) sẽ chính thức giao dịch từ trên HOSE với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng, biên độ dao động giá trong ngày đầu tiên là +/-20%.

Đầu tư vào nông nghiệp, xu thế hay trào lưu?

Là kết quả của cuộc “đại phẫu” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, HAGL Agrico được thành lập để hội tụ các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trước đó tại 3 nước Đông Dương như công ty TNHH Hoàng Anh Attapeu, CTCP Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Công ty TNHH Hoàng Anh Rattanakiri, CTCP Hoàng Anh Đăk Lăk….

Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của HAGL Agrico đạt gần 485 tỷ đồng.

Năm 2014, công ty bước sang lĩnh vực mới là chăn nuôi bò thịt và sữa, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Việt Nam, thông qua các đối tác tiêu thụ trong nước, nổi bật là Vissan.

Với bò sữa, HNG cung cấp sữa nguyên liệu cho nhà máy Nutifood.

Việc bầu Đức – chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào nông nghiệp không phải là chủ đề mới, với việc đưa HAGL Agrico lên sàn chứng khoán có thể coi là bước ngoặt trong bối cảnh thị trường có hàng loạt đại gia cũng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực này như Vingroup với VinEnco, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên hay Vinamilk…

Tiềm lưc của HAGL Agrico có thể coi là “bom tấn niêm yết” thời điểm này với việc sở hữu quỹ đất 88.000 hecta tại Việt Nam, Lào, Campuchia dành cho đầu tư cao su, mía đường, cọ dầu, bò thịt, bò sữa.

Tổng tài sản tính đến tháng 3/2015 là 18.237 tỷ đồng. Doanh thu năm 2014 đạt 2.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 759 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 dự kiến 1.500 tỷ đồng, năm 2016 là 3.100 tỷ đồng, cổ tức 10-15%.

Theo bản cáo bạch niêm yết của HAGL Agrico, năm 2015, công ty dự kiến đạt doanh thu khoảng 6.174 tỷ đồng, tăng 179% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 95%.

Năm 2016 dự kiến doanh thu sẽ đạt 9.685 tỷ đồng, 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Mặc dù bức tranh niêm yết HNG khá tươi sáng và có thể ảnh hưởng tích cực đến HAG nhưng giới chuyên môn vẫn tỏ ra thận trọng. Nhiều năm qua, kỳ đại hội cổ đông nào HAGL cũng đều công bố lĩnh vực kinh doanh mới: từ khu phức hợp Myanmar đến cọ dầu, bắp, rồi đàn đại gia súc.

Chấp nhận thách thức để săn lùng cơ hội là tố chất cần thiết của doanh nghiệp, thế nhưng mảng nông nghiệp quy mô lớn đã ngốn dòng vốn đáng kể trong nhiều năm, dòng tiền trả về chưa tương xứng. Đây là điều cần phải cải thiện vì bung sức ở nhiều mặt trận có thể bị quá tải.

Áp lực chi phí tài chính lớn

Từ khi thành lập năm 2010 với số vốn 485 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của HAGL Agrico tăng liên tục qua các năm.

Riêng trong năm 2015, vốn điều lệ của công ty đã tăng mạnh 77% từ 3.990 tỷ đồng lên 7.081 tỷ đồng.Một điểm đáng chú ý là tại thời điểm cuối năm 2014, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico lên tới 92,13%.

Tuy nhiên mới đây tỷ lệ này đã giảm xuống còn 79,52% và số lượng cổ đông của công ty tăng vọt lên 404 cổ đông để phù hợp với điều niêm yết cổ phiếu (tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông nắm giữ).

Theo bản cáo bạch niêm yết của HAGL Agrico, công ty chịu rủi ro lãi suất do đầu tư phát triển các dự án với xấp xỉ 50% cơ cấu vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, giai đoạn kiến thiết ban đầu thường kéo dài từ 3-5 năm trước khi dự án có thể thu về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Chi phí tài chính được ghi nhận trong các năm gần đây lần lượt là 237 tỷ (năm 2013), 269 tỷ (năm 2014) và 82 tỷ vào quý I/2015, thường chiếm trên 20% tổng chi phí. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hang cũng tăng qua các năm. Giai đoạn 2015-2017, HAGL dự kiến chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang mảng chăn nuôi (hiện tại mía đường đang là “mỏ vàng” chủ yếu) nhưng chăn nuôi thịt bò đòi hỏi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vốn vay ngắn hạn cho nuôi bò vỗ béo, vay dài hạn cho đầu tư bò sinh sản.

Chi phí tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất sinh lời và làm chậm kế hoạch phát triển đàn bò sinh sản, làm giảm sự chủ động của công ty đối với nguồn cung ứng cho mảng chăn nuôi. Theo đó, biên lợi nhuận gộp năm 2014 giảm do tốc độ tăng chi phí cao hơn tốc độ tăng doanh thu. Tống chi phí năm 2014 chiếm 70,36% tổng doanh thu, tăng 9,67% so với năm 2013 (chiếm 60,7% doanh thu).

Việc bầu Đức quyết định đưa HAGL Agrico lên sàn chứng khoán đúng thời điểm bản thân công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn cơ cấu 4.200 tỷ đồng trái phiếu được coi là “cú hích” cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nguồn: soha.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác