Theo đó kết quả doanh thu thuần năm tăng trưởng mạnh, đạt 6.252 tỷ đồng (tăng 104,7% so với năm 2014). Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 806 tỷ đồng, giảm 53,9% so với lợi nhuận năm 2014.
Theo Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, kết quả doanh thu năm 2015 có đóng góp rất lớn của ngành chăn nuôi bò thịt, chiếm tỷ trọng 40,7% tổng doanh thu và 40% lợi nhuận gộp của Tập đoàn.
Hoạt động chăn nuôi bò thịt đang đạt vượt mức kế hoạch của đại hội đồng cổ đông đưa ra.
Chăn nuôi bò thịt đóng góp đến 40,7% doanh thu thuần và 40% lợi nhuận cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. |
Tổng đàn bò Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xuất bán ra thị trường tới cuối năm 2015 là 66.337 con bò, mang lại doanh thu 2.541 tỷ đồng.
Với quỹ đất lớn để trồng cỏ, bắp và có nguồn phụ phẩm từ ngành sản xuất đường, dầu cọ, Hoàng Anh Gia Lai có thể tạo ra sản phẩm với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa hứa hẹn tạo ra nguồn doanh thu lớn, đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng cao thứ 2 sau ngành chăn nuôi bò thịt. Hoạt động này chủ yếu là dự án xây dựng sân bay tại Lào và trang trại bò. Dù là lĩnh vực triển khai giai đoạn ngắn khi có dự án nhưng cũng đã đóng góp 1.040 tỷ đồng (chiếm 17% trong tổng doanh thu).
Cụm nhà máy mía đường hoạt động ổn định cũng là một trong những lĩnh vực đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận cho Hoàng Anh Gia Lai. Doanh thu mía đường năm 2015 đạt 871 tỷ đồng (chiếm 14% tổng doanh thu).
Về bất động sản, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bán các căn hộ và thoái vốn các dự án tại Việt Nam để tập trung nguồn lực cho các dự án có tỷ suất sinh lời cao hơn, điển hình là dự án HAGL Myanmar. Hiện tại, 30% số lượng căn hộ này đã được giữ chỗ và ký hợp đồng thuê chính thức
Tuy nhiên, bên cạnh những lĩnh vực đóng góp doanh thu lớn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, bắp là loại cây trồng mang tính chất phụ trợ cho ngành chăn nuôi bò nên doanh thu không đáng kể.
Tương tự, cao su bị ảnh hướng rất lớn khi giá dầu thế giới và nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến giá sản phẩm cao su giảm mạnh, Tập đoàn bị ảnh hưởng rất lớn.
Khoáng sản là ngành mà Tập đoàn đã quyết định tái cấu trúc và xóa sổ các tài sản là thiết bị và hạ tầng do hoạt động không hiệu quả.
Tính đến ngày 31/12/2015 tổng giá trị tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 49.228 tỷ đồng (tăng 34,9% so với năm 2014), trong đó chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn tăng 8.712 tỷ đồng dẫn đến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,2%.
Doanh thu tăng nhưng các khoản phải thu giảm từ 2.049 tỷ đồng xuống còn 1.607 tỷ đồng cho thấy khả năng thu hồi khoản phải thu được cải thiện.
“Các tài sản dở dang dài hạn tăng trong năm chủ yếu bao gồm: đầu tư vào dự án HAGL Myanmar, các trang trại chăn nuôi bò, nông trường cọ dầu và nhà máy chế biến, dự án thủy điện Nậm Kông 2 tại Lào. Đây là những tài sản có tiềm năng sinh lợi tốt và có giá trị cao”, Báo cáo thường niên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia lai nêu rõ.
Được quan tâm nhất trong lĩnh vực tài chính của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là các khoản nợ.
Báo cáo cho thấy, đến hết năm 2015 tổng các khoản nợ vay phải trả doanh nghiệp tăng từ 18.127 tỷ đồng lên 27.099 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn tăng 1.458 tỷ đồng và vay dài hạn tăng 7.514 tỷ đồng.
Các khoản vay ngắn hạn chủ yếu để tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực chăn nuôi bò và mía đường. Vay dài hạn chủ yếu để đầu tư xây dựng cơ bản tại các đơn vị, trong đó lĩnh vực trồng và chăm sóc cây cao su, cọ dầu, đầu tư dự án HAGL Myanmar và thủy điện Nậm Kông 2 tại Lào.
Dù khoản vay phải trả tăng nhưng hệ số nợ vay trên tổng tài sản ở mức 0,55 (tức hệ số vay nợ bằng nửa tổng tài sản). Hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,67. Theo các chuyên gia tài chính, đây là ngưỡng an toàn.