Kinh tế - Thị trường
Bài học triệu đô cho con bò sữa
Năm 2004, Daso Group quyết định chi ra 4 triệu USD mua 400ha đất ở huyện Hóc Môn, đồng thời nhập nhiều trang thiết bị hiện đại để đầu tư vào con bò sữa.
Ông Hoà kể: “Ngày đó, TP.HCM là địa phương đầu tư rất mạnh cho chương trình phát triển “hai cây hai con”, gồm con bò sữa, con tôm sú, cây dứa cayen và hoa lan. Nông dân, doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư nuôi bò sữa”.
Trong thời gian ngắn đã có hàng chục ngàn con bò giống nhập về từ Úc. Giá bò giống tính bằng tiền đô. Người dân được truyền thông nuôi con bò sữa có thể giúp xoá đói giảm nghèo, chẳng mấy chốc vươn lên làm giàu.
Nông dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh hồ hởi đón nhận con bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa sau này còn lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Thậm chí có thời điểm người ta “cấy” con bò sữa về cả vùng ngập lụt đồng bằng sông Cửu Long.
“Nuôi bò sữa như… nuôi con nghiện!”
Có cung thì ắt sẽ có cầu. Con giống bò sữa được nhập về ồ ạt, nhưng không phải con nào cũng tốt nhất. Ông Hoà nói bài học lớn nhất mà ông rút ra được sau vụ đầu tư này là không nên phụ thuộc hoàn toàn vào con giống nhập khẩu.
“Phải phát triển từ từ, có lộ trình, tìm cách tự nhân giống để kiểm soát chất lượng, nếu không sẽ rơi vào bẫy mất cân đối giá thành”, ông nói. Bởi theo ông, lợi nhuận từ bán sữa sẽ không thể bù đắp chi phí nhập khẩu bò giống và các thiết bị chuồng trại đi kèm. Con giống kém chất lượng còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sữa cũng như chất lượng bê con.
Trong 400ha đất, Daso Group dành ra 200ha trồng cỏ, bắp, cây đậu, cây lạc dùng làm thức ăn thô. Phương thức canh tác tổng hợp này giúp Daso Group có nguồn thức ăn sinh khối đạt chất lượng tối ưu. Cộng thêm công nghệ nuôi bò sữa và các thiết bị chuồng trại cũng được Daso Group đầu tư một cách bài bản.
“Trên thế giới có gì thì chúng tôi có thứ đó”, ông Hoà nói. “Vậy tại sao Daso Group vẫn phải bán hết đàn bò?” “Một cách hiển nhiên, Việt Nam không có lợi thế nuôi bò, đặt biệt là bò sữa, do bị khí hậu ẩm, nóng quanh năm”, ông trả lời. Chính vì vậy, ông Hoà ví von nuôi con bò sữa chẳng khác gì nuôi “gái đẻ trong nhà”.
Một con bò sữa đang cho sữa bình thường 18 – 20 lít/ngày, nhưng gặp thời tiết thay đổi năng suất sữa tụt giảm chỉ còn 10, 15 lít là chuyện thường. Chưa hết, thời tiết cũng có thể “đo ván” một con bò vừa đẻ xong, đang cho sữa bình thường bất cứ lúc nào. “Khi chúng đổ bệnh, năng suất sữa giảm thì sau này cho dù nó có khoẻ lại cũng không tài nào lên lại được nữa”, vị tổng giám đốc Daso Group nói.
Yếu tố thời tiết đã “đánh gục” rất nhiều con bò sữa trong đàn bò 660 con của Daso Group, ông Hoà bảo vậy. Khi đó, một con bò giống nhập về cả trăm triệu, nhưng chỉ có thể bán thịt với giá… 10 triệu đồng. Đây là nguyên nhân khiến Daso Group quyết định chấm dứt đầu tư vào đàn bò. “Từ năm 2004 đến nay chúng tôi đầu tư rất nhiều tiền nhưng không thu được đồng lãi nào. Nuôi con bò sữa chẳng khác nào nuôi một con nghiện”, ông Hoà cay đắng.
Người nuôi bò bị ép giá
Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các thiết bị hiện đại bậc nhất của thế giới, cách nay mười năm, nông dân ở Việt Nam đã sử dụng khẩu phần ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR), tức là trộn khẩu phần hoàn chỉnh gồm nguyên liệu ngũ cốc, thức ăn giàu đạm, cỏ khô vào chăn nuôi bò sữa. Nói như vậy để thấy, nghề chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam tuyệt nhiên không còn lạc hậu, yếu kém.
Điều này thể hiện qua năng suất sữa trung bình ở Việt Nam thuộc vào loại cao trong khu vực và không hề thua kém thế giới. Thế nhưng, những đại gia nuôi bò sữa ở TP.HCM, như ông Nguyễn Khắc Đạo (ở Củ Chi, tổng đàn có lúc lên 120 – 150 con), ông Đặng Ngọc Hoà, ông Vũ Phương Bình (một đại gia nuôi bò sữa sở hữu đàn bò 200 con ở huyện Củ Chi)… đều phải bán hoặc chỉ có thể sống “thoi thóp” với đàn bò.
Ông Đặng Ngọc Hoà cho biết, nếu những hạn chế về thời tiết, hay như phải nhập giống bò và thiết bị chuồng trại giá cao làm đội giá thành sản xuất sữa… được các doanh nghiệp thu mua sữa chia sẻ bằng việc trả giá sữa nguyên liệu ở mức hợp lý thì người nuôi bò vẫn có thể sống được. “Mặc dù phải trả giá 2 triệu đôla Mỹ, nhưng tui khẳng định mình không thất bại vì sai lầm mà chỉ vì không bán được giá sữa cao mà thôi”, ông Hoà quả quyết.
Ông Vũ Phương Bình đang bán 500 – 800 lít sữa/ngày cho một đại gia chế biến sữa với giá trung bình 13.000 đồng/lít. Mức này, theo ông, chỉ vừa đủ trang trải chi phí hàng ngày nuôi đàn bò và đủ cho gia đình ông có thu nhập ổn định, có cuộc sống không phải “bươn chải” như các gia đình khác. Tuy vậy, để có cuộc sống đủ ăn chứ không phải giàu sang từ nuôi bò sữa, ông Bình cho biết gia đình ông phải đầu tư 1,5 triệu USD, theo thẩm định của một đơn vị kiểm toán độc lập. “Giá sữa nguyên liệu quá thấp, không bù đắp các chi phí đầu tư nên người nuôi bò không dám tăng đàn”, ông Bình khẳng định.
So với các nước trong khu vực và thế giới, mặc dù giá thành sản xuất sữa tại Việt Nam đang cao nhất, nhưng giá bán lại ở mức thấp nhất. Tại Mỹ, Úc hay ngay như Thái Lan, nông dân được trả khoảng 80 – 90 cen/lít sữa nguyên liệu. Tất nhiên, mức giá này bao gồm cả một số chính sách mà nhà nước ưu đãi, khuyến khích nông dân phát triển đàn bò. Còn ở Việt Nam, nông dân nuôi bò sữa chỉ được trả ở mức “lấy công làm lời”, có chưa tới 70 cen mỗi lít, tương đương khoảng 13.500 – 14.000 đồng. Trong khi giá thành trung bình từ 12.000 – 13.000 đồng. Đang có nhiều công ty thu mua sữa bò về chế biến, lẽ ra giá mua phải cạnh tranh, nhưng nông dân trên khắp cả nước chỉ đang bán được đồng giá.
Bình luận về vấn đề này, không khí phòng lạnh ở khách sạn Palace Saigon đã không giúp ông Đặng Ngọc Hoà hạ hoả: “Bản thân các doanh nghiệp chế biến sữa đầu tư nuôi bò thì giá thành cũng lên đến 17.000 – 18.000 đồng/lít, nhưng họ chỉ trả cho nông dân có 13.000 – 14.000 đồng. Mua giá thấp nhưng bán sản phẩm cho người dùng giá cao. Rõ ràng là họ đang nắm lợi thế độc quyền thu mua sữa nguyên liệu để ép nông dân!”
“Muốn phát triển đàn bò sữa để giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu thì Nhà nước phải có chiến lược quy hoạch, chiến lược phát triển giống đi kèm với chính sách ưu đãi và đặc biệt là chính sách thu mua sữa hợp lý. Nếu cứ để doanh nghiệp tự quyết giá thu mua, đàn bò khó có cơ hội phát triển, người tiêu dùng vẫn phải mua sữa ngoại giá cao”, ông Vũ Phương Bình khẳng định.