Kinh tế - Thị trường

Bất chấp bình ổn, sữa Abbott, Enfa... có thể tăng giá tới 15%

Tới đây, các sản phẩm của hãng Enfa có thể tăng giá lên từ 10% – 15% tùy loại. Đồng thời, phía Abbott cũng đã đánh tiếng về việc tăng giá sữa. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có bất kỳ thông báo cụ thể nào cho khách hàng.

Ngày 20/11 vừa qua, mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính liệt vào danh mục mặt hàng bình ổn giá theo Thông tư 30 của Bộ Y tế về quản lý giá sữa. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tại một số đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội, bất chấp các chế tài quản lý, sữa vẫn rục rịch tăng giá.

Chị Thoa, chủ đại lý sữa trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, HN) cho biết: “Thông tin về việc tăng giá sữa chúng tôi đã được nghe cách đây hơn một tuần. Tuy phía công ty chưa có văn bản chính thức gửi tới từng đại lý, nhưng họ đã rào trước đón sau để chủ các đại lý nắm tình hình”.

Theo chị Thoa, đầu tháng 12 tới, các sản phẩm của hãng Enfa có thể tăng giá lên từ 10% – 15% tùy loại. Đồng thời, phía Abbott cũng đã đánh tiếng về việc tăng giá sữa. “Giá sữa tăng cụ thể bao nhiêu thì chưa ai được biết, phải đợi bảng báo giá của công ty gửi về”, chị Thoa chia sẻ.

Bày tỏ bức xúc trước thông tin tăng giá sữa trong thời gian sắp tới, chị Yến - chủ đại lý sữa trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, HN) nói: “Cứ tưởng Thông tư 30 của Bộ Y tế ban hành thì người dân sẽ an tâm, ai dè việc đâu lại đóng đấy. Vừa qua các hàng sữa ngoại như Abbott, Enfa… đồng loạt báo sẽ tăng giá không những khiến khách hàng nháo nhào mà chủ đại lý như chúng tôi cũng khổ lây.

Các đại lý đều xác nhận việc tăng giá sữa trong thời gian tới, nhưng cụ thể tăng bao nhiêu thì chưa ai được rõ (Ảnh: Phạm Liễu)


Chị Yến cho biết, một ngày chị phải giải thích, trả lời không biết bao nhiêu lần cho khách hàng về những thắc mắc xung quanh việc sữa sẽ tăng giá. Có người họ hiểu thì thông cảm cho mình, có người không tin họ tưởng các đại lý “bắt tay” nhau tăng giá, làm cửa hàng mất uy tín oan”, chị Yến giãi bày.

Được biết, hiện nay sữa Abbott trên thị trường có giá như sau: Pediasure 900g có giá 570.000 đồng/hộp, loại 1.700g có giá 980.000 đồng/hộp. Ensure 900g có giá 660.000 đồng/hộp 900, loại 400g có giá 299.000 đồng/hộp. Sữa bột Gain Kid IQ loại 900g có giá 450.000 đồng/hộp; sữa bột Gain Plus IQ loại 1.700g có giá 850.000 đồng/hộp…

Trong khi đó, giá một hộp sữa Enfa giờ cũng đã cao ngất ngưởng: Enfamil A+1 loại 900g có giá khoảng 510.000 đồng/hộp; Enfagrow A+3 900g có giá 435.000 đồng/hộp; Enfagrow A+4 900g có giá 370.000 đồng/hộp… Sữa Enfa hộp 900gr, số 1,2,3,4 có giá bán lần lượt là: 468.000 đồng/hộp; 467.000 đồng/hộp; 428.000 đồng/hộp và 356.000 đồng/hộp. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa của Nestle Nan Pro 1 loại 800gr có giá 418.000 đồng/hộp; Nan Pro 3 có giá 412.000 đồng/ hộp…

Chị Trang, chủ đại lý sữa trên đường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, HN) nhẩm tính: “Nếu trung bình một hộp sữa tăng từ 3% – 5% thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ bị mất ít nhất từ 15.000 – 30.000 đồng/hộp, chưa kể với những loại sữa có khối lượng lớn. Số tiền vài chục nghìn với những gia đình có điều kiện thì không nhằm nhò gì, nhưng với những người kinh tế eo hẹp thì đó là cả một vấn đề”.

Theo chủ một đại lý sữa trên đường Láng (quận Ba Đình, HN): Việc tăng giá sữa nằm ở các hãng sữa nhập ngoại, trong khi các hãng sữa nội không hề có động tĩnh gì. “Hiện nay, sữa nội của chúng ta rất tốt, đặc biệt là các dòng sản phẩm của công ty Vinamilk. Chất lượng sữa đạt chuẩn quốc tế đồng thời giá chỉ bằng 1/3 giá sữa ngoại. Nếu sữa ngoại “đội” giá quá cao người tiêu dùng dễ quay về dùng sữa nội”, chủ đại lý này nhận định.

Được biết, hiện nay giá một số sản phẩm sữa của hãng Vinamilk trên trị trường như sau: Dielac 123 có giá là 195.000 đồng/hộp, loại 456 có giá 189.000 đồng/hộp. Sữa bột Dielac Pedia 1+ loại 900g có giá 305.000 đồng/hộp, loại 400g có giá 160.000 đồng/hộp. Sữa Dielac Optimum 123 900g có giá 300.000 đồng/hộp…

Nói về nguyên nhân tăng giá sữa trong thời gian tới, chị Thu - chủ đại lý sữa trên đường Trần Bình (huyện Từ Liêm, HN) nói: “Phía công ty họ viện mọi lý do “chính đáng” như giá đầu vào sản phẩm tăng, giá nguyên vật liệu tăng, thậm chí là tăng phí vận chuyển… khiến đại lý chúng tôi phải ngậm ngùi tăng theo. Và cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt, dù nhà nước có ban thành Thông tư hay văn bản này nọ”./.

Nguồn: giaoduc.net.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác