Kinh tế - Thị trường

BIDV tài trợ 1 tỷ USD phát triển chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh

(GDVN) - Đây là số tiền hỗ trợ giai đoạn đầu của dự án phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh được đích thân Chủ tịch HĐQT BIDV ông Trần Bắc Hà đưa ra.

 Thách thức với ngành chăn nuôi bò 

Tại buổi Tọa đàm: "Phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh” được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông  nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Hà tĩnh đồng tổ chức mới đây, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều chia sẻ kinh nghiệm quý từ các chuyên gia quốc tế như kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bò tại Úc, Indonesia, Brazil, Colombia, Israel và Việt nam của đại diện đại sứ quán Israel, Công ty Wellard, Công ty Austrex... 

Được tổ chức theo sáng kiến của BIDV nhằm khai thác các thế mạnh của Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung với việc phát triển chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, Tọa đàm với mục tiêu là diễn đàn kết nối, tập hợp các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để cùng thảo luận, đánh giá lại những vấn đề của ngành chăn nuôi bò tại Việt nam hiện nay.

Đồng thời đưa ra những đề xuất kiến nghị cụ thể và kịp thời giúp các cơ quan quản lý có cơ sở xây dựng những chính sách hỗ trợ ngành phù hợp, đúng hướng; giúp doanh nghiệp chủ động trong xây dựng kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh cũng như trong cả nước. 

Toàn cảnh Tọa đàm: ”Phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh” diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 15/1/2016.

Theo đó, một trong những kinh nghiệm then chốt được các Công ty chia sẻ trong phát triển đàn là xây dựng hệ thống quản lý dinh dưỡng hiệu quả; Tập trung vào phòng ngừa hơn chữa trị; Đổi mới hệ thống chuồng giống, chăn thả và lựa chọn vật nuôi; Phát triển năng lực quản lý; Tuân thủ nghiêm ngặt lịch biểu sản xuất hàng năm.

Tại tọa đàm, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bò tại Việt Nam, cụ thể: Rà soát, đánh giá, xây dựng quy hoạch của cả nước, phát huy lợi thế chăn nuôi bò thịt tại các vùng miền, gắn quy hoạch phát triển với quy hoạch chế biến sữa, giết mổ và thị trường tiêu thụ;

Xây dựng liên kết trong chăn nuôi bò, tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi từ chăn nuôi, chế biến đến thị trường tiêu thụ;

Đầu tư phát triển, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào chăn nuôi bò;

Bổ sung hoàn thiện và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi bò, nhất là chăn nuôi bò sữa. Đặc biệt cần chú ý khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh và thu hút FDI;

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát triển các tổ chức dịch vụ sản xuất, hiệp hội ngành hàng; Chủ động hội nhập đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế ASEAN. 

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, xác định tổ chức chăn nuôi liên kết theo chuỗi sản xuất là giải pháp then chốt để loại bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng nâng cao sức cạnh tranh, Tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các dự án chăn nuôi bò, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh”. 

Đề án định hướng quy hoạch lại các vùng đất đảm bảo cho phát triển theo quy mô lớn, xác định vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn để tổ chức sản xuất liên kết giữa người dân, doanh nghiệp của Hà Tĩnh với các Dự án lớn như của Công ty Bình Hà, Vinamilk...; thông qua chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu thức ăn. 

Mặt khác Hà Tĩnh cũng đang xây dựng bộ tiêu chí và chính sách, khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng cỏ nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Hỗ trợ 1 tỷ USD giai đoạn đầu

Là một trong những ngân hàng sớm đồng hành với ngành nông nghiệp nói chung và công nghiệp chăn nuôi bò theo hướng hiện đại, bền vững tại Việt Nam, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV cũng phân tích chỉ ra những thách thức của ngành công nghiệp chăn nuôi bò trong thời điểm hiện nay như: Vấn đề về đất đai, con giống, chuỗi giá trị ngành, tự do hóa thương mại ngành chăn nuôi.

Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Tọa đàm.

Về phần mình, BIDV nhận thức rất rõ về tầm quan trọng và vai trò của ngân hàng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi bò. Ông Trần Bắc Hà khẳng định: “Ngân hàng sẽ xây dựng chiến lược tài trợ cho ngành với một số nội dung như sau:

Tăng cường tài trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách cho địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò thông qua hoạt động hội thảo, tọa đàm, tư vấn, định hướng dự án đầu tư cho các doanh nghiệp; Hỗ trợ, tư vấn phát triển thị trường; Tài trợ vốn tín dụng cho các dự án chăn nuôi bò khả thi của các doanh nghiệp. 

Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu ứng dụng, BIDV sẽ tiếp tục hợp tác cùng với các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng hơn để đánh giá triển vọng, cơ hội, thách thức khi áp dụng các FTA và TPP trong tương lai.

Tăng cường tài trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Trong đó ưu tiên các lĩnh vực như nghiên cứu giống; ứng dụng chuyển giao công nghệ mới hiện đại, tự động hóa các dây chuyền sản xuất và công nghệ chuồng trại, phát triển các nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng và chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách cho địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò thông qua hoạt động hội thảo, tọa đàm, tư vấn, định hướng dự án đầu tư cho các doanh nghiệp (cả trong và ngoài địa bàn).

Bên cạnh đó, BIDV cũng hỗ trợ, tư vấn phát triển thị trường thông qua các hiện diện thương mại tại nước ngoài như tại Lào, Campuchia, Myanma, Châu Âu.v.v… để tăng cường thông tin nghiên cứu về thị trường xuất khẩu cho các ngành nông nghiệp xuất khẩu tiềm năng;

Tư vấn lựa chọn đối tác doanh nghiệp đầu tư FDI vào Việt Nam ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu hàng hóa nông nghiệp, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển giống mới có giá trị gia tăng cao;

Sẵn sàng hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt đối với một số thị trường lớn, BIDV sẵn sàng nghiên cứu mở các văn phòng đại diện để hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thị trường.

Về vốn tín dụng, ông Trần Bắc Hà cho biết, BIDV đã xây dựng và ban hành gói tín dụng tài trợ với quy mô giai đoạn đầu lên tới 1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ ngành đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất tài trợ, ưu tiên tài trợ Các dự án bò thịt có quy mô từ 500 con trở lên; hoặc từ 200 con đối với bò thịt giống cao sản; hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản. 

Hỗ trợ vốn cho các dự án công nghiệp bò và sữa ứng dụng công nghệ cao, tạo được năng suất và sản lượng vượt năng suất bình quân hiện tại của ngành và đáp ứng yều cầu điệu kiện về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Các dự án đầu tư mở rộng sản xuất công nghiệp bò và sữa như mua, chăm sóc bò thịt giống và bò sữa (bao gồm chi phí mua trong nước và nhập khẩu bò), các dự án đầu tư xây dựng chuồng trại; chế biến thức ăn, kho, bãi; nông trại; hệ thống hạ tầng đường liên quan đến dự án công nghiệp bò và sữa.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại tọa đàm cũng đồng quan điểm: Trong quá trình hội nhập, ngành chăn nuôi như nuôi bò thịt sẽ đón nhận những cơ hội để phát triển như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu để vươn ra thị trường thế giới, tiếp nhận công nghệ hiện đại và giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo động lực để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của ngành. 

Tuy nhiên, hội nhập cũng đem lại những thách thức rất lớn như: Sự chênh lệch về trình độ phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam so với các nước nông nghiệp phát triển tham gia các FTA với Việt Nam; Cạnh tranh lớn khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ với việc Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định FTA cũng như TPP; Cùng với đó những hạn chế về mặt chất lượng đầu vào giống vật nuôi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế cũng như chi phí sản xuất cao. 

Mai Anh

Nguồn: xembaomoi.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác