Kinh tế - Thị trường
Áp trần giá sữa: Từ 908 có về "mo"?
Việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới sáu (6) tuổi có hiệu lực trong vòng hai năm từ 01/6/2014 theo Quyết định 1079/2014 do Bộ Tài chính ban hàng. Theo đó mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10%-15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn.
Để góp phần bình ổn giá sữa và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, vào ngày 7/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết đã thống nhất sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp áp trần giá sữa đến 31/12/2016. Nhưng vậy, quy định này chỉ còn chỉ còn được áp dụng trong hơn 3 ngày nữa.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến tháng 11/2016, đã có 908 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Chia sẻ tại cuộc họp báo chuyên đề Bộ Tài chính mới đây, đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết trong hai năm rưỡi vừa qua, việc bình ổn giá sữa đã đạt được mục tiêu đề ra với việc lần đầu tiên đã định danh được các dòng sản phẩm sữa, xác định được giá tối đa và thực hiện giảm giá so với trước khi công bố quỹ bình ổn giá, đã tạo ra mặt bằng ổn định giá trong suốt thời gian qua. Hiện Chính phủ đang xem xét, lấy ý kiến và khi có quyết định tiếp theo sẽ thực hiện theo quyết định mới.
Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 149 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 177 về hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá, đến ngày 1/1/2017, Bộ Công thương sẽ thay Bộ Tài chính thực hiện các công tác liên quan đến việc quản lý, rà soát biểu mẫu đăng ký giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có mặt hàng sữa.
Việc chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công thương được đánh giá là hợp lý. Hiện Bộ Công Thương đang đóng vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động nhập khẩu, phân phối sữa đến người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện có hơn 70% sữa bột tại Việt Nam được nhập khẩu, sữa nội chỉ chiếm 30% thị phần. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính đến giữa tháng 11/2016, giá trị sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 767 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ New Zealand (hơn 164 triệu USD), chiếm 21,38% tổng kim ngạch.
Từ đầu năm đến nay, giá sữa nguyên liệu đã tăng khá mạnh. Theo số liệu GlobalDairyTrade, sữa bột nguyên kem đã tăng 61% lên 3.568 USD/MT,FAS.
Dự báo của USDA, năm 2017, giá sữa của Mỹ sẽ tăng thêm 1,57 cent/lít lên mức 35,16 cent/lít tương đương 16,75 USD/100 pound. Cơ quan này cũng dự báo sản xuất sữa của Úc năm tới sẽ thấp nhất trong vòng 20 năm do hiệu ứng kết hợp của điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài và giai đoạn giá cả thấp trước đó đã khiến nông dân giảm đàn bò.
Theo Thanh Thủy
Người đồng hành