Kinh tế - Thị trường
Áp dụng quota nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất sữa
Tại sao giàu tiềm năng nhưng ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến triển; giải pháp căn cơ nào giúp ngành này phát triển bền vững hơn, góp phần giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến sữa… Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) xung quanh vấn đề này.
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng ngành chăn nuôi bò sữa hiện tồn tại không ít bất cập. Xin ông cho biết rõ hơn về thực trạng này?
Phải thừa nhận rằng, hiện nay, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam vẫn chủ yếu là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, năng xuất thấp. Thực tế, việc chăn nuôi bò sữa đã và đang gặp khá nhiều khó khăn. Đó là bởi đây là một nghề mới, người chăn nuôi ít kinh nghiệm nên năng xuất và chất lượng sữa chưa cao.
Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi còn hạn chế, thức ăn chăn nuôi tận dụng, chưa có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ cao trên diện rộng. Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và các chất premix, vitamin… đều phải NK nên chi phí đầu vào cao, giá thành cao, dẫn tới khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm còn hạn chế.
Một điều dễ thấy nữa là, các yếu tố như đất dành cho chăn nuôi bò sữa còn thiếu, không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất; thời tiết và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm không thích hợp với việc chăn nuôi bò sữa cao sản nếu không đầu tư công nghệ cao cũng là một trong những cản trở lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra là tới năm 2020, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 500 nghìn con, nâng tổng sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Với quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay, liệu có thể đạt được con số nêu trên, thưa ông?
Trong tương lai, định hướng của ngành chăn nuôi vẫn là phát triển bò sữa tại các nông hộ là chính. Do Việt Nam thiếu không gian nên cách nuôi này vẫn chiếm ưu thế hơn là chăn nuôi trên quy mô trang trại rộng lớn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sẽ không tiếp tục duy trì quy mô nhỏ, trung bình khoảng 5,3 còn bò/hộ như hiện tại mà sẽ phát triển lên quy mô 10-15 con bò/hộ.
Bên cạnh các trang trại lớn chủ yếu do các DN lớn làm chủ, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều nông hộ tham gia chăn nuôi bò sữa hơn. Cùng với đó, ngành chăn nuôi bò sữa không chỉ phát triển ở một số địa phương có điều kiện phù hợp như Sơn La hay tại Lâm Đồng mà mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.
Các tỉnh trước đây có điều kiện ít thuận lợi đối với việc chăn nuôi bò sữa sẽ được khắc phục bằng các giải pháp công nghệ để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi cho rằng, với nhiều biện pháp tổng hợp như trên, đến năm 2020, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu có 500 nghìn con bò sữa, cung cấp trên 1 triệu tấn sữa mỗi năm.
Đến năm 2020, dù có đạt mục tiêu đề ra thì Việt Nam cũng chỉ tự túc được khoảng hơn 40% nguyên liệu sữa, gần 60% còn lại vẫn phụ thuộc vào NK. Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Tôi cho rằng, làm mọi cách để thúc đẩy sản xuất sữa trong nước tăng lên là điều đương nhiên. Song song với đó, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành sữa, cần kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc NK sữa. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp cấp quota NK (hạn ngạch) cho các DN chế biến sữa.
Điều kiện đi kèm là DN phải đảm bảo mua một lượng sữa nhất định trong nước thì mới được phép NK lượng sữa tương ứng. Thời gian tới, Bộ NNPTNT dự định sẽ trao đổi với Bộ Công Thương về vấn đề này để tìm ra giải pháp thỏa đáng.
Xin ông cho biết, Bộ NNPTNT đã và sẽ có những biện pháp gì để thúc đẩy ngành sữa nói chung và ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng phát triển bền vững hơn?
Chúng tôi đã xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ, trong đó bò sữa là một trong những đối tượng được hỗ trợ ưu tiên.Cục Chăn nuôi đang kiến nghị sẽ hỗ trợ cho các hộ nông dân kinh phí mua bò ban đầu. Có hai cách hỗ trợ. Thứ nhất là sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, khoảng 5-10 triệu/1 con bò sữa.
Cách thứ hai là sẽ liên kết với ngân hàng tạo điều kiện để nông dân vay tiền mua bò. Khi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân lãi suất mua bò trong vòng 24 tháng. Ngoài ra, việc tính đến là sẽ hỗ trợ công tác đào tạo, dạy nghề cho người chăn nuôi bò sữa bởi đây là nghề đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật nhất định.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoài vấn đề Nhà nước hỗ trợ, các DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm thế nào phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa cũng như ngành công nghiệp chế biến sữa. Các DN cần liên kết chặt chẽ với người nông dân để đảm bảo hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu đầu vào tới đầu ra. Hiện nay, các DN lớn trong ngành sữa như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu, Cô gái Hà Lan… đều đang triển khai theo mô hình này.
Trong đó, DN thu mua, chế biến sữa sẽ phải hỗ trợ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, DN cũng đưa ra những tiêu chuẩn về chất lượng, giá tương ứng đối với từng vùng sữa nguyên liệu. Người nông dân áp vào các tiêu chuẩn đó để sản xuất, đáp ứng.
Các DN nên chủ động làm việc với những đại diện trong các hợp tác xã nông dân để hỗ trợ nông dân về các dịch vụ đầu vào như giống, thức ăn… đồng thời thông qua chính hợp tác xã để thu mua sữa của các hộ nông dân. Nếu đảm bảo ổn định các mô hình như trên thì việc phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay, Việt Nam có trên 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ, trong đó phía Nam là 12.626 hộ, trung bình 6,3 con/hộ; phía Bắc 7.013 hộ, trung bình 3,7 con/hộ. Có 384 hộ gia đình và công ty chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%). Trong khi đó, quy mô bình quân đàn bò sữa trong nông hộ ở Thái Lan là 17 con/hộ. Tại Indonesia quy mô đàn bình quân 3 con/hộ. Xu hướng chăn nuôi bò sữa hiện nay của ta quy mô đàn dưới 5 con đang giảm dần, quy mô từ 5-10 con trở lên đang tăng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong ngành sữa Chăn nuôi bò sữa đã phát triển trên 50 năm nhưng chỉ từ năm 2001 mới có bước tiến đáng kể. Lượng đàn bò sữa có lúc thăng trầm, bình quân tăng 30%/năm. Cụ thể, từ 41 nghìn con năm 2001 đã tăng lên mức gần 167 nghìn con vào năm 2012. Cùng với đó, lượng sữa tươi sản xuất ra cũng tăng lên nhanh chóng. Những kết quả đó khẳng định, việc tăng số lượng và chất lượng bò sữa thông qua áp dụng công nghệ cao là hoàn toàn đúng đắn. Thời gian tới, định hướng của ngành cũng là ngày càng đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò, sản xuất sữa, tiến tới giảm áp lực NK sữa nguyên liệu. Ông Yuval-Chủ tịch của Afimilk (Israel): Cần tăng hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi Để giải quyết vấn đề gốc rễ của ngành sữa Việt, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi như trợ cấp, cho vay, và bảo lãnh cho vay; lên kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo ổn định giá cả. Một điểm rất quan trọng là cần kiểm soat tốt chất lượng sữa thông qua việc xây dựng các quy định về thực phẩm nhằm thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất. Để đạt được các tiêu chuẩn này, người chăn nuôi cần tăng cường đầu tư vào công nghệ cao và họ sẽ chỉ thực hiện việc này nếu Chính phủ xây dựng các quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt cho lĩnh vực này. Ông Sử Thanh Long, giảng viên khoa Thú Y (Đại học Nông nghiệp Hà Nội): Quan trọng là phải đảm bảo chất lượng sữa làm ra Để đảm bảo cho ngành sữa có nguồn nguyên liệu ổn định, giảm nhập siêu, việc tăng số lượng đầu bò được nuôi cũng như tăng số lượng các hộ chăn nuôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu cứ áp dụng mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay sẽ khó đảm bảo việc quản lý chất lượng sữa làm ra. Do đó, cần phát triển quy mô chăn nuôi lớn trong dân, hỗ trợ để hộ chăn nuôi lập các trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi bò.
|
Quan điểm của tôi là, Việt Nam nên áp dụng giới hạn “cứng” trong chăn nuôi bò sữa. Cụ thể như, một hộ chăn nuôi có từ khoảng 40 bò sữa trở nên thì cho phép nuôi và nhận hỗ trợ nhất định từ Nhà nước, còn dưới con số trên thì hạn chế việc chăn nuôi. Bởi chỉ từ mức bò 40 con/hộ thì mới đáng để đầu tư và đầu tư cho tới đầu tới cuối, đảm bảo cả số lượng cũng như chất lượng sữa thu được. Uyển Như (ghi) |
Theo Uyển Như