Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách

Sa mạc - nước, cây và đàn bò

Cách đây khá lâu, tình cờ tôi đọc được trên báo Nhân Dân một bài viết ca ngợi sự phát triển kỳ diệu của nền nông nghiệp Israel, trong khi cảm nhận hàng ngày của tôi cũng như nhiều người về đất nước Trung Đông này toàn là những cuộc xung đột, những tay súng bịt mặt... Và thật may mắn cho chúng tôi, trong các ngày 11, 12/4/2010 mới đây, những Kibbutz - mô hình kinh tế nông nghiệp cùng những công nghệ nông nghiệp tiên tiến “Made in Israel” không chỉ có ở trên báo chí mà đã hiện hữu sinh động trước mắt mình...

 
 

Chặng đường từ thành phố Tel Aviv, đi qua Jerusalem, tới vùng Biển Chết, cũng như đi qua thành phố Ashquelon... cho chúng tôi những cảm nhận sơ bộ nhưng hết sức rõ ràng, cụ thể về một đất nước không hề được thiên nhiên ưu đãi, nếu không muốn nói là quá khó khăn, quá khắc nghiệt, dữ dằn. Israel có diện tích 20.770 km2 (hạng 150 thế giới), chỉ lớn hơn diện tích tự nhiên của tỉnh Nghệ An chút ít (16.498,5 km2), dân số khoảng 7,5 triệu người. Nơi đây, nguồn tài nguyên khoáng sản chỉ là một lượng ít potash, quặng đồng, phốt phát dạng đá, bromide ma nhê, đất sét...


 Một góc thành phố Tel Aviv. Ảnh: Sỹ Hoa


Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng Israel lại có nhiều đặc điểm địa hình và khí hậu khác nhau của châu lục. Ở phía bắc cao nguyên Galilê có rừng rừng bao phủ nối với các thung lũng, các đụn cát và đất gieo trồng đặc trưng cho vùng đồng bằng bờ biển Địa Trung Hải; các đỉnh núi đá của các dãy núi Samarian và Judean ở khu vực miền Trung chạy dốc xuống vùng thung lũng Gióc-đan với khí hậu bán nhiệt đới, và vùng Biển Chết là nơi thấp nhất trên Trái Đất. Có đến nơi đây, mới thấy, mới hiểu thế nào là thiên nhiên khắc nghiệt. Không một ngôi nhà, không một bóng cây. Chỉ có đất khô, đá cằn. Biển như cạn kiệt. Nước màu đục trắng. Chạm tay vào đã bỏng rát, hai ba ngày sau da vẫn đỏ...
 
Các hoang mạc vùng cao trải dài xuống phía nam qua Negev và Avara, kết thúc tại Vịnh Eliat là mũi cực bắc của Hồng Hải. Nơi đây là vùng khí hậu ôn đới với đặc trưng nhiều nắng, mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ở phía bắc, lượng mưa hàng năm chỉ từ 50 - 125 mm, giảm xuống ít hơn 2,5 mm ở xa xuống phía nam. Điều kiện khí hậu khác nhau theo vùng: đồng bằng ven biển mùa hè nóng ẩm và mùa đông nhiều mưa mát mẻ; cao nguyên đồi núi mùa hè khô, mùa đông lạnh, có mưa và đôi khi lại có tuyết rơi; vùng thung lũng Gióc đan mùa hè nóng và khô, mùa đông dễ chịu; miền Nam quanh năm khí hậu bán sa mạc, ngày nóng nhưng đêm về mát... Đáng chú ý là nơi đây, nước có rất ít (khoảng 2%), gây khó khăn vô vàn cho cuộc sống và sản xuất nhưng đây cũng là một trong những điều kỳ diệu mà người Israel đã tạo nên nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất nông nghiệp, đạt được những thành tựu có một không hai trên thế giới.


 Vùng Biển Chết, nơi chỉ thấy đất đá cằn khô. Ảnh: Sỹ Hoa


Xe cứ chạy êm ru trên những chặng đường và mỗi chặng lại thêm những khám phá thú vị về đất nước, con người nơi đây. Đượcb iết, nước ta và Nhà nước Israel thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993 và theo ngài Ephraim Ben Matityau, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho đến năm 2008, chỉ có khoảng vài nghìn người Việt Nam có điều kiện đặt chân tới đất nước này để tham gia các khóa đào tạo và thực hành trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế.
 
May mắn được đến Israel lần này, được nghe bà Jeska, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cũng như tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về những vấn đề cụ thể khi thầm so sánh với điều kiện của nước ta. Theo bà Jeska, có khoảng 91% dân số Israel sống ở thành thị. Nhà ở thành thị được xây dựng chủ yếu bằng đá, bê tông khối và vữa xtycô, rất đa dạng về kiểu dáng. Hầu hết khu dân cư thường tách biệt hẳn với các khu công nghiệp và thương mại... Và như vậy, chỉ có khoảng 9% dân số Israel sống ở nông thôn, tại các Kibbutz (hợp tác xã) hoặc các moshav (làng nông nghiệp) - các hình thức định cư nông nghiệp đã phát triển từ đầu thế kỷ XX. Số ít như vậy nhưng các Kibbutz đã trồng được tới 38% sản phẩm nông nghiệp và tham gia sản xuất khoảng 8,4% sản lượng công nghiệp (không kể đến kim cương). Các cơ sở du lịch, các nhà kho, nhà máy, các nơi giao dịch, bán hàng gần đây trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Kibbutz (trưa ngày 12/4, đoàn chúng tôi cùng các vị chủ nhà ở Kibbutz Afikim đã cùng nhau dùng bữa cơm trưa tại một nhà ăn tập thể như thế; ăn tự chọn, ăn xong, mọi người tự nguyện mang bát đĩa vào dây chuyền rửa rất vui vẻ...).
 
Ở Israel, nhà và đất thuộc sở hữu cá nhân. Người dân trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm cũng trên cơ sở cá nhân. Gần đây, khi các làng nông nghiệp được mở rộng và nông nghiệp được cơ giới hóa hơn, ngày càng có nhiều lao động đến làm việc trong các ngành công nghiệp nhẹ của địa phương, tại các khu đô thị hoặc trung tâm nông nghiệp gần đó...
 
Với điều kiện tự nhiên, xã hội (sơ bộ theo cách hiểu của chúng tôi, xin không nói quá nhiều về các vấn đề không liên quan đến sản xuất nông nghiệp để tiện theo dõi) như vừa nêu ở trên, Nhà nước và người dân Israel đã tập trung phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, để trở thành nước đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất dư thừa lương thực so với nhu cầu trong nước, xuất khẩu lượng lớn hoa hồng có thân dài, hướng dương, dưa hấu, dâu tây, cà chùa, dưa chuột, hạt tiêu, trong đó quả bơ là mặt hàng xuất khẩu thành công nhất sang thị trường châu Âu và châu Mỹ trong các tháng lạnh mùa Đông. Xin hãy thử hình dung, các vấn đề trên, các cây - con, sản phẩm trên có giống, có trùng với nền nông nghiệp Việt Nam hay không và khi bạn làm tốt, chúng ta có thể hợp tác, học hỏi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hiện đại để làm tốt hay không?
 
                                                                       II.
 
Cực kỳ khó khăn do tài nguyên ít, dân cư ít, thị trường nội địa nhỏ bé, quanh năm đất nước nắng nóng, cát bụi... người Israel chọn mô hình phát triển một nền kinh tế mở và hướng ngoại, lấy thị trường quốc tế làm đích đến cho sản phẩm, hàng hóa của mình. Công nghiệp xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu nhưng nông nghiệp mới là niềm tự hào của người Israel. Không tự hào sao được khi doanh thu từ trồng trọt đạt mức kỷ lục 200.000 USD/ha. Công nghệ nhà kính có thể cho năng suất cà chua tới 400 tấn/ha. Xuất khẩu bò sữa, nguồn tinh trùng đông lạnh, phôi để cấy ghép và các hệ thống thức ăn được điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính...


 Trung tâm giống cây, giống hoa của Công ty Green 2000. Ảnh: Sỹ Hoa


Các chuyên gia kinh tế Israel cho biết, thế mạnh của họ không chỉ là các sản phẩm nông nghiệp cụ thể mà là những công nghệ mới làm ra chúng. Từ đó, họ kiên trì đầu tư để tạo ra công nghệ mới và phương pháp mới để phát triển những ứng dụng mới trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Để làm được điều đó, Israel xác định, “tiềm năng lớn nhất là con người”, phải phối hợp, kết hợp chặt chẽ nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp vì mục tiêu chung của Nhà nước. Khoa học và công nghệ Israel trước hết tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia. Được biết, tỷ lệ người dân Israel và số tiền dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Israel đứng hàng cao nhất thế giới. Số lượng các nhà khoa học và kỹ thuật nằm trong lực lượng lao động của Israel đạt tỷ lệ 140/10.000, còn cao hơn nước Mỹ (85.10.000).
 
Việc phải tận dụng tối ưu các nguồn nước khan hiếm, vùng đất khô cằn và lực lượng lao động hạn chế đã dẫn đến cuộc cách mạng về các phương pháp nông nghiệp. Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp chủ yếu được Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp tiến hành. Thông qua một hệ thống dịch vụ khuyến nông, các kết quả nghiên cứu sẽ nhanh chóng được chuyển đến thực địa làm thí nghiệm và các vấn đề khó khăn sẽ được trực tiếp chuyển đến các nhà khoa học để tìm giải pháp.
 
Đã có chương trình nghiên cứu, ứng dụng để thực hiện Chương trình nước Quốc gia từ năm 1960 và sau đó nghiên cứu về kỹ thuật tiết kiệm nước đã kích thích phát triển các hệ thống tiên tiến có máy tính điều khiển, bao gồm phương pháp tưới nhỏ giọt, dẫn nước trực tiếp đến rễ cây. Với các van và hệ thống điều khiển tự động, lọc nhiều tầng và tự động, tưới phun áp lực thấp, bộ tưới phun loại nhỏ, bộ tưới nhỏ giọt có bù áp và vòi tưới phun. Máy tính - hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính tiết kiệm một khối lượng nước khổng lồ và giúp cho việc cung cấp phân bón ngay trong khi tưới nước (còn gọi là tưới bón). Phân bón được chôn dưới đất để đảm bảo các thành phần kém hoạt động như kali có thể dẫn trực tiếp tới gốc trong quá trình tưới nhỏ giọt. Người ta còn có sáng kiến bón phân có điều khiển. Phân bón được bọc trong túi nhựa polin để đảm bảo ngấm chậm, để được lâu và truyền dẫn thông qua quá trình khuếch tán. Điều này cho phép khai thác phân bón tốt hơn và ít làm ô nhiễm nước nguồn hơn.
 
Trong suốt một chặng dài đi qua thành phố Ashquelon, cả vùng bán sa mạc mênh mông hai bên đường là những cánh đồng xanh tốt. Tuyệt nhiên không thấy bờ vùng, bờ thửa vì hệ thống tưới đảm bảo tưới đến từng cây theo yêu cầu và tiết kiệm tối đa lượng nước. Ngay trong hệ thống nhà kính trồng cà chua và ươm cây giống của Trung tâm giống cây, giống hoa mà chúng tôi đến thăm, hệ thống tưới tự động cũng hoạt động một cách khoa học và tiết kiệm như thế. Trung tâm giống cây, giống hoa này cung cấp 250 triệu cây giống mỗi năm cho nhiều nơi trong nước và thế giới. Còn ở nhà kính trồng cà chua, hệ thống tưới sử dụng toàn bộ nguồn nước thải trong khu vực để tưới bón. Cà chua trồng 3 tháng là thu hoạch. Do trồng trong nhà kính nên không có côn trùng, sâu hại xâm nhập, năng suất lên đến 400 tấn/ha.
 
Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, Israel còn xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Bí quyết thành công là ở chỗ, Israel không đầu tư trực tiếp phát triển những sản phẩm nông nghiệp cụ thể mà cái chính là đầu tư nghiên cứu và bán những công nghệ làm ra những sản phẩm nông nghiệp với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, như công nghệ tưới tiêu, trồng cây trong nhà kính, chăn nuôi bò sữa... Chẳng hạn, Tập đoàn Netafin chuyên cung cấp các giải pháp về trồng trọt và nước tưới, Tập đoàn Afimilk chuyên sản xuất và phát triển hệ thống quản lý trang trại bò sữa bằng máy tính (đang thực thi Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại Nghĩa Đàn - Nghệ An).
 
Các chuyên gia Israel sẽ tư vấn chính xác về việc nên trồng các loại cây nào trên chất đất cụ thể và lượng nước cần thiết là bao nhiêu để vừa đạt năng suất mùa vụ cao nhất, vừa tiết kiệm được nước cũng như chi phí tối đa. Sẽ có nhiều giải pháp để nhà sản xuất lựa chọn phù hợp, kể cả giải pháp tưới nhỏ và đầu tư chi phí thấp.


 Thăm quan trang trại cà chua trong nhà kính. Ảnh: Sỹ Hoa


Ông Max, Giám đốc Trung tâm giống cây, giống hoa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà chua mới trồng hơn 2 tháng đã cho từng chùm quả mọng, cho biết, gọi là nhà kính nhưng thực ra nguyên liệu là những vật liệu dễ tìm, thông thường, điều quan trọng là trong đó có lắp máy điều hòa không khí, độ ẩm và hệ thống nước tưới khoa học, phù hợp để cà chua cũng như các loại cây luôn phát triển tốt mặc dù thời tiết bên ngoài khắc nghiệt.
 
Điều khâm phục của chúng tôi là ở Ashaquelon, nơi chúng tôi đi qua, toàn bộ dân cư đều bố trí trên các đồi núi, dành toàn bộ đất sa mạc cho trồng trọt, chăn nuôi. Trên những cánh-đồng-sa-mạc ấy, bốn mùa cây cối tốt tươi, dê bò từng đàn tung tăng y như ở... Việt Nam vậy! Mới biết, công nghệ nông nghiệp của Israel đạt tới mức phát triển cao như thế nào khi họ chế ngự hoàn toàn thiên nhiên, khắc phục triệt để khó khăn để tạo nên một nền nông nghiệp phát triển kỳ diệu như các nhà báo Việt Nam đã viết với những từ rất đẹp đẽ “Hoa trên sa mạc”, “Gai xương rồng êm ái”, “Ngỡ ngàng Israel” mà chúng ta đã đọc đó đây, hàng ngày...
 
                                                                       III.
 
Hành trình khá gọn và nhanh của chúng tôi trong vỏn vẹn 2 ngày thực ra tập trung cho điểm đến là trang trại chăn nuôi bò sữa Shafayim của Afikim, trang trại nuôi cá và cá cảnh của Green 2000. Thế giới từng biết đến công nghệ lai tạo giống bò sữa nổi tiếng của Israel. Bằng công nghệ đó, các chuyên gia Israel đã nâng sản lượng sữa của giống bò Trung Quốc tăng gấp 10 lần trước đó. Ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa của Israel sở hữu hàng loạt công nghệ tiên tiến, hiện đại. Sản xuất sữa trung bình tăng 2,5 lần so với những năm 1950, từ 3.900 lít tới hơn 12.000 lít trung bình hàng năm trên một bò sữa. Israel xuất khẩu tinh trùng đông lạnh, phôi để cấy ghép, hệ thống thức ăn được vi tính hóa, hệ thống vắt sữa tiên tiến, dịch vụ tư vấn và phát triển các dự án liên doanh quốc tế...


 Trại giống cá cảnh của Công ty Green 2000. Ảnh: Sỹ Hoa


Chúng tôi chỉ thăm quan nhẹ nhàng Trung tâm giống cây, giống hoa, nhà kính... vì nếu muộn quá 11h địa phương sẽ không kịp chứng kiến cảnh vắt sữa bò ở Trang trại Shafayim. Trang trại có diện tích khoảng 14 ha, là trang trại chăn nuôi hiện đại nhất Israel, được đầu tư xây dựng năm 2003 với tổng vốn 8 triệu USD. Nơi đây chăn nuôi 1.600 con bò, trong đó 800 con đang cho sữa. Ai cũng ngạc nhiên là trang trại lớn như thế nhưng số nhân viên tham gia quản lý và vận hành trang trại chỉ có 13 người, tính trung bình mỗi người quản lý tới 120 con bò sữa!
 
Do thời tiết nắng nóng vùng bán sa mạc nên chuồng trại ở đây được thiết kế thoáng mát, tạo không gian thoải mái cho bò đi lại trong phạm vi chuồng. Mái che của chuồng được bố trí những cửa đóng mở tự động, đảm bảo ánh sáng và không khí lưu động. Sạch sẽ và tiện lợi, mọi hoạt động trong trang trại đều được tự động hóa. Toàn bộ sinh hoạt của bò được theo dõi thông qua hệ thống vi tính. Ví dụ, từ sự đo đạc bước chân bò (hoạt động) trong ngày, có thể xác định được thời gian động dục của bò, từ đó xác định được cụ thể và chính xác nhất thời điểm phối tinh cho bò.


 Hệ thống vắt sữa bò ở Trang trại Shafayim. Ảnh: Sỹ Hoa


Trang trại hiện dùng hệ thống vắt sữa tự động song song, gồm 32 máy mỗi bên. Khi chúng tôi đến, vừa lúc đàn bò đang lục tục tự tìm đến nơi vắt sữa. Ấy là một tòa nhà gồm hệ thống máy song song cùng những đường dẫn cho bò vào ra riêng biệt. Mỗi cỗ máy vắt sữa là một tổ hợp như một cái mâm lớn bên trên có những khoang trống. Mỗi khoang chỉ đủ cho 1 “cô bò” vào đứng chờ... Cả khoang máy chỉ có 2 công nhân làm việc. Rất nhanh nhẹn và chính xác, cả 2 bên đã đứng dủ 64 “cô bò”. Lần lượt các đầu vú được làm sạch, rồi bộ ống hút 4 đầu được chụp vào để bắt đầu hút sữa. Âm thanh vô cùng vui tai với dòng sữa chảy trong bình. Nhiều người đã nói to lên: 16 lít, 14 lít... nhiều thật... Khi dòng sữa đã cạn, bò tự biết đạp chân để ống hút bật ra. Chiếc mâm quay từ từ và đến lượt bò bước ra, nhường chỗ cho “cô” khác...
 
Theo ông Barak, một chuyên gia chăn nuôi Israel (đang tư vấn cho Dự án Nghĩa Đàn), sản lượng sữa ở trang trại đạt khoảng 11,5 tấn/năm, tức khoảng 38 - 41 lít sữa/con/ngày. Sữa và con bò dược theo dõi rất chi li để đảm bảo chất lượng sữa, sức khỏe và bệnh tật nếu có... Sau khi thăm quan hệ thống vắt sữa tự động, hệ thống bảo quản và chế biến sữa cũng như hệ thống chuồng trại, thức ăn, cuối buổi, đoàn chúng tôi được mời thưởng thức sản phẩm sữa các loại. Nắng trưa, đi nhiều, quả vậy, ai cũng thích thú...
 
Được chứng kiến tận mắt mọi hoạt động ở trang trại này chính là khẳng định niềm tin, hiệu quả của Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung trong quy mô công nghiệp tại Nghĩa Đàn do Công ty CP sữa TH làm chủ đầu tư với sự tư vấn và chuyển giao công nghệ của Afikim - Israel. Cũng theo ông Barax, người đã sang Việt Nam nhiều lần thì việc đầu tư trang trại tại Việt Nam, có chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, việc đạt sản lượng sữa trung bình 25 lít/ngày/con là có thể. Hiện nay, việc xây dựng trang trại đang được tiến hành khẩn trương và đã đưa về 1.600 con trong tổng số 20.000 con bò sữa. Từ nay đến 2012, 8 trang trại bò của Công ty với quy mô 24.000 con/trang trại sẽ đi vào hoạt động. Cần phải nhắc lại rằng, điều kiện thời tiết, khí hậu ở Israel khắc nghiệt hơn ở Việt Nam rất nhiều lần mà ngành chăn nuôi bò sữa vẫn phát triển mạnh. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, khi thực hành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam, dứt khoát phải từ bỏ công nghệ thô sơ, thiếu đồng bộ; người quản lý, nhân viên làm việc trực tiếp phải là những người chuyên nghiệp...


 Chỉ có 2 công nhân phụ trách hệ thống vắt sữa 64 con bò. Ảnh: Sỹ Hoa

 
Trong lần gặp gỡ tại Hà Nội, mừng thành công của chuyến đi công tác Israel, các đồng chí Trần Bình Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự tin tưởng đối với bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng CP Bắc Á và nhà tư vấn cho Dự án; rằng, sự quyết tâm và ý chí, nghị lực của lãnh đạo Công ty CP thực phẩm sữa TH, việc lựa chọn đúng đắn nhà tư vấn và chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm, sự ủng hộ tích cực từ Trung ương tới cơ sở... chính là tiền đề vững chắc để không chỉ dự án bò sữa mà các dự án về nuôi thả cá, trồng hoa, trồng rừng tiếp tục được thực thi sớm. Thật vui khi Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp ở Nghĩa Đàn đã giành được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm mới đây. Càng vui hơn khi chúng tôi được tin cuối năm nay, Tổng thống Nhà nước Israel Shimon Peres tới thăm Nhà nước Việt Nam cũng sẽ dành thời gian tới thăm trang trại bò sữa của Công ty CP thực phẩm TH tại Nghĩa Đàn.
 
Hy vọng, mọi tiềm năng về sự hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, giữa Việt Nam và Israel sẽ được khai thác ngày càng hiệu quả. Hà Nội, Hải Phòng, Đạt Lạt và giờ đây, Nghệ An đang là điểm đến tin cậy của các chuyên gia Israel cùng với việc chuyển giao công nghệ nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác... Điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa 2 bên ngày càng phát triển vững chắc.

Bùi Sỹ Hoa

Nguồn: Báo Nghệ an
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác