Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách

LIÊN MINH SẢN XUẤT: Mô hình liên kết mới trong nông nghiệp

Cùng với các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, những năm gần đây tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện một loại mô hình hợp tác mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là những liên minh sản xuất. Những liên minh sản (LMSX) này do Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở NN-PTNT) tổ chức với sự liên kết tự nguyện giữa một doanh nghiệp với một tổ chức của nông dân (thường là các tổ hợp tác) nhằm đạt tới mục tiêu chính là thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tăng giá thu mua sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nông hộ tham gia liên minh…

Ông Chu Bá Thông - Phó Giám đốc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng (ACP Lâm Đồng) cho biết, theo kế hoạch trong vòng 5 năm thực hiện dự án ACP Lâm Đồng sẽ thành lập và đưa vào hoạt động 14 LMSX đối với các sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp địa phương là rau, hoa,cà phê, chè, bò sữa với tổng kinh phí được phê duyệt là 44 tỷ đồng (trong đó ACP Lâm Đồng hỗ trợ từ nguồn vốn IDA là 17,6 tỷ, vốn nông hộ tự đầu tư 26,4 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại đã có 13 LMSX được thành lập gồm 4 LMSX về hoa, 2 LMSX về trà atiso, 3 LMSX về cà phê, 2 LMSX về bò sữa, 1 LMSX về khoai lang Nhật và 1 LMSX về chè thu hút 658 nông hộ (có 50 hộ DTTS) tham gia. Trong 13 LMSX này đã có 9 LMSX đã hoạt động và 4 LMSX đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Với nhiệm vụ của mình, ACP Lâm Đồng đã đầu tư hỗ trợ 9 LMSX với 240 hộ nông dân hưởng lợi 11,8 tỷ đồng để làm nhà lưới, nhà kính, mua cây con giống và các loại máy móc nông cụ phục vụ sản xuất; đồng thời cũng hộ trợ các doanh nghiệp tham gia LMSX 0,551 tỷ đồng để thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức thành công 8 lớp đào tạo nâng cao năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, KHKT nông nghiệp cho các nông hộ và doanh nghiệp tham gia LMSX… Thực tế cho thấy, hầu hết các LMSX đã đi vào hoạt động đều đã xây dựng được mối quan hệ và hợp tác bền vững lâu dài và cùng có lợi giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh - nhất là trong khâu mua - bán sản phẩm.

Qua thống kê của ACP Lâm Đồng, thì sau thời gian hoạt động chưa lâu, LMSX Hương Sắc Đà Lạt đã thu mua cho nông hộ 75.500 cành hoa lyly, 150.000 cành hoa cúc, 50.000 cành hoa cẩm chướng… trị giá 1,8 tỷ đồng; LMSX trà atiso Ngọc Duy thu mua 500 tấn lá atiso tươi, 10 tấn hoa nguyên liệu… trị giá 1,1 tỷ đồng; LMSX bò sữa Hiệp Thạnh thu mua 830.000 lít sữa tươi nguyên liệu trị giá 8,3 tỷ đồng; LMSX lương thực Viên Sơn thu mua 54 tấn khoai lang Nhật trị giá gầnù 0,3 tỷ đồng. Tất cả các hoạt động mua- bán giữa doanh nghiệp với nông hộ tham gia LMSX đều thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế, nên đã không còn tình trạng ép cấp, ép giá… nên cả doanh nghiệp lẫn nông dân đã yên tâm sản xuất kinh doanh, năng suất và chất lượng nông sản của nông dân cũng như hiệu quả SX-KD của doanh nghiệp đã tăng đáng kể so với trước. Mặt khác, hiệu quả của các LMSX này cũng đã có tác động rất tích cực tới các hộ nông dân xung quanh vùng thực hiện dự án, thu hút ngày càng nhiều hộ tham gia các LMSX.

Khảo sát mới đây của ACP Lâm Đồng thì trong 9 LMSX đã hoạt động trong 2 năm qua (2010- 2011), ngoài LMSX Hương sắc Đà Lạt đã phải ngưng hoạt đông do doanh nghiệp tham gia liên minh phá sản, và LMSX hoa cắt cành giữa Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa với Hội Nông dân phường 8 thành phố Đà Lạt đã kết thúc với mức độ liên kết kém thì các LMSX còn lại như LMSX bò sữa Hiệp Thạnh, LMSX cà phê bền vững Tân Nghĩa (Di Linh) LMSX hoa cắt cành xuất khẩu Đà Lạt Hasfarm, LMSX trà atiso Ngọc Duy (Đà Lạt), LMSX cà phê bền vững Thái Hòa- Lâm Hà… đều hoạt động tốt và “… có khả năng duy trì bền vững mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sau khi LMSX kết thúc”.

Để các LMSX ra đời và hoạt động tốt, duy trì được mối liên kết sau khi kết thúc liên minh, ACP Lâm Đồng cho rằng về phía tổ chức của nông dân tham gia cần phải được hoàn thiện về tổ chức và hoạt động- nhất là việc nâng cao năng lực quản lý điều hành của tổ trưởng, tổ phó; những bất cập trong việc phối hợp giữa tổ chức nông dân với doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch SX-KD, triển khai thu mua sản phẩm… do phần lớn các tổ hợp tác tham gia LMSX chỉ mới được thành lập khi triển khai dự án nên chưa có kinh nghiệm thực hiện cần được sớm tháo gỡ. Về phía doanh nghiệp thì hầu hết doanh nghiệp tham gia LMSX đều có nguồn nhân lực hạn chế và thường xuyên thay đổi, lại chưa quen với các hồ sơ và thủ tục giải ngân theo quy định của ACP Trung ương… cũng cần được quan tâm.

ĐỨC HƯNG

Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác