Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách
Khát vọng ngành nông nghiệp thông minh
TS. Dương Hoa Xô – GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM: PHẢI THAY ĐỔI VỀ CHẤT
TPHCM với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm tương đồng với nhiều vùng miền phía Nam, lại là trung tâm kinh tế, KHKT lớn nhất nước nên bất cứ một thành tựu nào về lĩnh vực NNCNC sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của các vùng miền, đặc biệt là Đông Nam bộ và ĐBSCL. TP cũng là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học hàng đầu, các DN lớn nên việc tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học nông nghiệp sẽ rất nhanh và có sức lan tỏa mạnh.
Với đặc điểm riêng là nền nông nghiệp đô thị, vì thế quy mô và tính chất trong sản xuất của TP cũng khác với NNCNC tại Đà Lạt – vùng chuyên canh sản xuất lớn. Đất đai tại TP không tập trung, manh mún do ảnh hưởng của các khu dân cư, KCN nên NNCNC tập trung đi vào nghiên cứu – chuyển giao, đặc biệt là về giống vật nuôi, cây trồng đầu dòng theo công nghệ sinh học.
Ví dụ, đàn bò sữa TP hiện nay đã lớn nhất nước (79.800 con) nên sẽ không phát triển thêm mà đi vào nâng cao chất lượng. Hiện năng suất trung bình của bò sữa đạt 5.000 – 5.500 lít sữa/chu kỳ, hướng sắp tới là cho ra những con giống chất lượng cao hơn, đưa năng suất lên 10.000 lít sữa/chu kỳ. Sau đó có thể nhân đàn lên, dùng công nghệ phôi, áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong thụ tinh nhân tạo, chọn lọc vi tính… để lai tạo đàn chất lượng ngày càng tốt hơn rồi chuyển giao cho các địa phương trong cả nước để tạo sự biến đổi đột phá về chất trong sản xuất nông nghiệp VN.
Thuận lợi của TPHCM là được lãnh đạo TP quan tâm và đã có những mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn phát triển NNCNC. Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ hình thành thêm 3 đến 4 Khu NNCNC về chăn nuôi, thủy sản và mở rộng Khu NNCNC hiện có. Giai đoạn 2016 – 2020 đưa vào hoạt động 4 đến 5 Khu NNCNC, hỗ trợ phát triển các DN nông nghiệp đạt hiệu quả; tạo các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh công nghệ vi nhân giống, sản xuất 8 đến 10 triệu cây giống cấy mô/năm; ứng dụng công nghệ phôi để nhân giống đàn bò sữa; xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC theo từng vùng sinh thái… Giai đoạn 2025 đưa sản xuất nông nghiệp của TP đạt trình độ thâm canh và ứng dụng CNC ngang tầm khu vực theo đặc trưng của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.
Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trên, có 2 vấn đề tôi kiến nghị cần giải quyết ngay: Thứ nhất, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực NNCNC đang rất thiếu. Ví dụ, muốn lai tạo giống thì tối thiểu anh phải có chuyên gia về di truyền, lai tạo, nhưng hiện nay đội ngũ này đang rất khan hiếm. Thứ hai là nhà nước và địa phương phải đầu tư xứng tầm cho lĩnh vực NNCNC. Nếu đầu tư không đúng mức thì không thể làm tốt đến nơi đến chốn các nghiên cứu và chuyển giao cho ngành nông nghiệp được. Trong bối cảnh hiện nay, đừng nói đến chuyện “tay không bắt giặc”, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học yêu cầu phải có phòng thí nghiệm, máy móc, trang thiết bị hiện đại và rất đắt tiền...
TS. Nguyễn Hải An – GĐ Trung tâm Ươm tạo DN NNCNC TPHCM: NHÂN RỘNG “VƯỜN ƯƠM”
Hiện trên thế giới có trên 4.000 vườn ươm DN. Các vườn ươm này đã hỗ trợ cho rất nhiều DN khởi nghiệp và tạo rất nhiều công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên tại nước ta, vườn ươm còn mới mẻ và số lượng rất ít, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM; trong khi đó nhu cầu cần được hỗ trợ trong vườn ươm của các DN nông nghiệp ngày càng lớn, trở thành nhu cầu thiết thực.
Tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, nền kinh tế Đài Loan, Singapore… đã chứng minh vai trò tích cực của mô hình vườn ươm này khi đào tạo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có ý tưởng, có kết quả nghiên cứu khoa học thành các chủ DN giỏi về công nghệ, quản lý và kinh doanh. Nơi đây cũng cung cấp cơ sở hạ tầng như phòng thí nghiệm, đất sản xuất, quỹ hạt giống, kết nối DN với mạng lưới nguồn lực để gia tăng cơ hội phát triển; đồng thời thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp áp dụng CNC… Nhưng tại VN, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, vườn ươm DN NNCNC vẫn chưa được quan tâm xây dựng và phát triển.
Tôi kiến nghị cần phải thay đổi điều này, nhân rộng “vườn ươm” cho DN nông nghiệp, ươm tạo DN nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hạn chế tối thiểu sự lệ thuộc vào tự nhiên. Theo tôi, đây chính là một giải pháp lý tưởng đối với DN nông nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trước những khó khăn trên thương trường.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – GĐ Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng vật nuôi TPHCM: LAN TỎA ỨNG DỤNG NNCNC TRONG NGƯỜI DÂN
Định hướng nông nghiệp TPHCM là đẩy mạnh phát triển theo NNCNC và bền vững. Vì thế, nông nghiệp TP có rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã và đang biến đổi về chất, tạo giá trị hàng hóa cao và đảm bảo yếu tố về môi trường.
Tôi xin nêu một ví dụ tiêu biểu cho khát vọng này là dự án “Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao” với việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ Israel trong ngành chăn nuôi bò sữa như: tự động hóa, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sữa của đàn bò sữa của TP nói riêng và cả nước nói chung lên ngang tầm khu vực và thế giới. Áp dụng mô hình này, phía Irsael đã chuyển giao phần mềm hệ thống máy vắt sữa, chíp điện tử để quản lý từng cá thể, sức khỏe bò và năng suất sữa; ngay cả các chuyên gia của Irsael cũng sang VN đào tạo tập huấn để thực hiện hoàn chỉnh mô hình này.
Sau khi phía VN được chuyển giao công nghệ từ Israel, hàng năm ngành nông nghiệp TP sẽ cùng đội ngũ chuyên gia tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý cho người chăn nuôi trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận 300 - 500 lượt học viên để tạo sự lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài bò sữa, TP cũng đầu tư nhập mô hình nhà lưới, nhà màng Irsael về giao cho Trung tâm thực hiện nghiên cứu lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của VN (gồm khâu canh tác, hệ thống tưới, phun nhỏ giọt, tự động hóa...). Sau đó, Trung tâm sẽ tư vấn lại cho các DN và trang trại đầu tư nhập mô hình nhà màng, nhà lưới áp dụng theo công nghệ này theo phương thức “vết dầu loang”.
Theo tôi, nếu những quyết tâm không ngừng nghỉ trong ứng dựng NNCNC, cũng như cách làm thiết thực như trên được quan tâm đẩy mạnh, lan tỏa rộng rãi, tạo sự chuyển biến trong ý thức người dân, thì chắc chắn khát vọng về một nền NNCNC tại VN sẽ không phải quá xa vời…