Giải pháp cho nhà đầu tư - chính sách

Chăn nuôi bò sữa: Tính toán hiệu quả, phát triển bền vững

Với giá thu mua sữa tươi nguyên liệu trung bình từ 9.000 đồng đến hơn 10.000 đồng/kg hiện nay, Cục Chăn nuôi và các công ty thu mua sữa cho rằng người nông dân đang có lãi. Tuy nhiên, nông dân TP Hồ Chí Minh cho rằng họ vẫn phải chịu lỗ vì chi phí nuôi rất lớn. Để người nuôi bò sữa có lãi bền vững, ngày 19-10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Chăn nuôi đã kết hợp với Công ty Friesland Campina tổ chức hội thảo "Các giải pháp kiểm soát chi phí sản xuất sữa góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở các tỉnh phía Nam".

Tiến sỹ Nguyễn Kim Tuyên, chuyên gia của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo nghiên cứu của Cục Chăn nuôi, trong năm 2009, nông dân nuôi bò sữa lãi trung bình 2.000-2.500 đồng/kg sữa và trung bình một con bò sữa cho lãi từ 11 đến 16 triệu đồng mỗi năm. Với những phân tích về chi phí chăn nuôi và giá sữa hiện nay, TS Nguyễn Kim Tuyên cũng cho rằng nông dân chăn nuôi bò sữa đang có lãi. Hiện đàn bò sữa của Việt Nam vẫn liên tục phát triển về số lượng và sản lượng, chất lượng sữa. Nếu năm 2001 cả nước chỉ có hơn 41.000 con bò sữa, thì năm 2010 đã có hơn 145.000 con, sản lượng sữa khoảng 320.000 tấn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tủi, Phó ban Kinh tế - Xã hội của Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, địa phương có đàn bò sữa lớn nhất nước cho biết, nông dân nuôi bò sữa vẫn chưa có lãi! Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Cục Chăn nuôi chỉ tính các yếu tố, chi phí thuận lợi nên chưa sát với tình hình chăn nuôi bò sữa thực tế hiện nay. Chăn nuôi bò sữa chỉ có lãi với các trang trại lớn, trong khi thực tế hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất nhiều. Hiện hộ chăn nuôi từ 5 con trở xuống vẫn đang lỗ, nuôi khoảng 10 con thì hoà vốn và từ 20 con trở lên mới có lãi. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh hiện đang có khoảng 9.000 hộ nông dân nuôi bò sữa với khoảng 75.000 con, quy mô chăn nuôi mỗi hộ chưa đến 10 con nên bà con nông dân đang lỗ.

Biết rằng nuôi theo quy mô trang trại, chuyên nghiệp thì sẽ có lãi hơn chăn nuôi nhỏ lẻ vì chi phí, giá thức ăn mua tận gốc sẽ rẻ hơn và chất lượng sữa trong môi trường chuyên nghiệp sẽ tốt hơn nhưng vấn đề này rất khó. Riêng với TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm chăn nuôi vất vả, vỡ đàn vì lỗ, hiện TP và Hội Nông dân đang hướng bà con vào hợp tác xã. Hiện TP đã có 7 hợp tác xã bò sữa và 29 tổ kinh tế hợp tác. Các thành viên trong hợp tác xã này cùng đứng ra làm ăn chung. Cái lợi của hợp tác xã, là vì số lượng lớn nên có thể mua thức ăn từ nhà máy, giá giảm so với mua lẻ từ các đại lý phân phối hay cửa hàng. Mặt khác, với số lượng sữa lớn, người đại diện của hợp tác xã có thể tổ chức bán sữa tại nhà máy hoặc trung tâm làm lạnh với giá thu mua cao hơn các trạm thu mua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tủi vẫn cho rằng, với những cố gắng của nông dân TP Hồ Chí Minh và giá thu mua sữa vừa được tăng thì nông dân vẫn chỉ có lãi chút ít chứ không lãi nhiều như đánh giá của Cục Chăn nuôi và các công ty thu mua. Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, để ngành bò sữa đi vào phát triển bền vững, không "thăng trầm" như nhiều năm nay thì bà con nông dân cần Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, đó là bảo hiểm nông nghiệp và quy hoạch cụ thể đàn bò sữa của thành phố, không để tình trạng ồ ạt nuôi khi giá sữa tăng rồi ồ ạt bán bò sữa khi không có lợi nhuận như vẫn xảy ra bấy lâu nay. Hiện Hội Nông dân thành phố vẫn đang vận động bà con nông dân vào hợp tác xã để chuyên nghiệp hoá việc nuôi bò sữa.

Với lượng sử dụng sữa tươi hiện trung bình chỉ khoảng 4 lít sữa/ người/năm (khu vực là 60 lít/ người/năm), nhu cầu tiêu thụ sữa tươi trong nước vẫn còn thiếu rất nhiều. Dự báo đến năm 2020 số lượng bò sữa sẽ là 450.000 - 500.000 con và sản lượng sữa khoảng 1 triệu tấn cũng chỉ đáp ứng từ 35% đến 38% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước. Vì vậy, việc phát triển đàn bò sữa một cách bền vững là rất cần thiết, bởi chăn nuôi bò sữa là ngành kinh tế chứ không phải ngành xoá đói, giảm nghèo.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác